Giải pháp phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Chiều 4/5, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô 300 ha tại huyện Bình Đại.

Chủ tọa hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Chủ tọa hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai xây dựng vùng nuôi diện tích 300 ha, với 190 hộ tại xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại).

Diện tích chủ yếu là đất làm muối, cây lâu năm, nuôi thủy sản kết hợp làm muối… Địa phương sẽ vận động nông hộ có đất tại khu vực dự kiến phát triển vùng sản xuất tập trung phối hợp thực hiện khi có đơn vị đến đầu tư.

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất giải pháp quy trình kỹ thuật nuôi, thực trạng phát triển vùng nuôi, phân tích nhu cầu thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức cho rằng, Tỉnh ủy Bến Tre luôn xác định thủy sản là 1 trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó con tôm sú, tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản ưu tiên để phát triển. Nghị quyết số 09 của Đảng bộ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 đã chọn việc phát triển phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bến Tre đến năm 2025 là 1 trong 11 công trình trọng điểm.

Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm khẳng định quyết tâm phát triển.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo Bí thư Tỉnh ủy, hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao mà các doanh nghiệp và người nuôi đã triển khai trong những năm qua mang lại hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh Bến Tre hiện nay. Vì thế, phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, với năng suất vượt trội sẽ đưa ngành nuôi thủy sản của tỉnh đạt được hiệu quả ổn định và bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ mong muốn, vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phải thể hiện được liên kết chặt chẽ 5 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng. Đồng thời, lựa chọn phương án tối ưu về mô hình vùng nuôi tập trung 300 ha cho tỉnh Bến Tre thông qua liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tránh trường hợp nông dân bị được mùa mất giá như trước đây, ảnh hưởng dịch bệnh do không canh tác theo đúng qui trình kỹ thuật.

Cùng với đó, ngành ngân hàng chủ động đồng hành với hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp, tư vấn cho người nông dân, đảm bảo người dân tiếp cận đủ nguồn vốn thực hiện mô hình đạt kết quả cao.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh, nghiên cứu chọn lọc, cải tiến và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện vùng nuôi nhưng phải đảm bảo giữ tốt môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tham mưu kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất giống tôm sạch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển thủy sản. Đặc biệt, quan tâm đầu tư các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng công nghệ cao tập trung...để làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và bà con có hướng sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, hướng dẫn và tổ chức thực hiện giao và cho thuê đất, mặt nước cho tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất tôm theo quy hoạch; hướng dẫn xử lý môi trường và kiểm tra, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; xây dựng, hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và bảo vệ môi trường ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất nghề nuôi tôm biển; đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tác động đến nghề nuôi tôm biển.

Đại diện hộ nông dân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ngành thủy sản của tỉnh Bến Tre trong những năm qua có bước phát triển khá tốt, đặc biệt trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản đạt trên 47.590 ha, với sản lượng đạt hơn 310.015 tấn; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh xoay vòng đạt hơn 12.500 ha, với sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt trên 83.100 tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, năm 2022 được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sự phối hợp tốt của ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, tỉnh đã đầu tư cho mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được hơn 2.567 ha đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 42.000 tấn chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Bến Tre.

Đây là loại hình nuôi áp dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của Bến Tre. Việc thực hiện giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô 300 ha tại huyện Bình Đại có ý nghĩa quan trọng để phát triển vùng nuôi tôm trên địa bàn./.

Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-phat-trien-vung-nuoi-tom-ung-dung-cong-nghe-cao/290062.html