Giải pháp rõ ràng, chỉ chờ thực hiện

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực lao động - việc làm đã trực diện nhiều vấn đề thiết thực, thời sự; các giải pháp nêu ra mang tính căn cơ, rõ ràng, nếu làm tốt sẽ tạo chuyển biến tích cực, ông LÊ QUANG TRUNG, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận.

“Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề”

- Trong phát biểu sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, kinh nghiệm cho thấy “mức độ thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn phụ thuộc vào cả người chất vấn và người trả lời chất vấn”. Nhìn lại phiên chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực lao động - việc làm, ông đánh giá thế nào?

- Với 99 đại biểu đăng ký chất vấn - con số phải nói là kỷ lục - cho thấy sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân với lĩnh vực lao động, việc làm. Đây không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế, vì liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu. Các đại biểu đã bám sát những nội dung chất vấn mà Quốc hội đề ra - những vấn đề rất thiết thực, thời sự; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vấn đề. Đáng chú ý, các đại biểu không chỉ đặt câu hỏi chất vấn, tham gia tranh luận làm rõ vấn đề mà còn gợi mở cả hướng giải quyết, đề xuất giải pháp.

Về phía Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thể hiện nắm rất chắc, rất rõ vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý; trả lời rõ trọng tâm, giải trình thỏa đáng, rõ trách nhiệm. Quan trọng hơn, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách lẫn tổ chức thực thi. Các giải pháp nêu ra rất rõ mà nếu làm tốt, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực trong thực tế. Với những lẽ đó, tôi cho rằng, đây là phiên chất vấn thành công!

Giải quyết việc làm là quan trọng nhất

- Một trong những vấn đề được các đại biểu và cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm liên quan đến rút bảo hiểm xã hội một lần. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra?

- Tôi rất tán thành các nguyên nhân cũng như giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra cho vấn đề này, trong đó, quan trọng nhất là phải giải quyết việc làm cả trước mắt và lâu dài cho người lao động.

Sau Covid-19, hơn nửa triệu người lao động đã bị ảnh hưởng. Tôi tin rằng, không ai muốn rút bảo hiểm xã hội một lần nếu họ được bảo đảm việc làm, thu nhập. Do vậy, giải quyết việc làm cho lao động chính là giải pháp căn cơ. Để làm được điều đó, chỉ riêng ngành lao động, thương binh và xã hội là chưa đủ mà cần sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội.

Theo đó, mỗi bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát lại tình hình doanh nghiệp để nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ kịp thời, vì doanh nghiệp có hoạt động được thì lao động mới có việc làm. Phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động, đúng như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ. Với những lao động bị mất việc, các địa phương cần phải đề xuất để bố trí việc làm tạm thời cho họ. Cùng với đó, cần hỗ trợ người lao động về điều kiện sống, như xem xét giảm tiền điện, tiền nước, chi phí giáo dục, y tế để họ giảm tải áp lực kinh tế, không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh các giải pháp trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động về bảo hiểm xã hội. Một giải pháp quan trọng nữa là cần rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội cùng các chính sách liên quan để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện. Trong đó, cũng cần xem xét kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu xây dựng chế độ lương hưu với nhiều phương án cho người lao động lựa chọn. Việc sửa đổi chính sách cần đứng ở vị trí người lao động, lấy ý kiến của họ cũng như tổ chức công đoàn, bảo đảm nguyên tắc là phải có lợi cho người lao động.

- Một số đại biểu đề xuất lập quỹ để hỗ trợ người lao động, qua đó góp phần hạn chế tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?

- Việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm một lần, nguyên nhân chủ yếu do mất việc làm, không có thu nhập. Họ chấp nhận rút bảo hiểm hơn là đi vay sẽ rất rủi ro. Do đó, tôi đồng tình với việc xem xét lập quỹ này. Song, đúng như Bộ trưởng phát biểu, đây chỉ là một trong những giải pháp và cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, tức cần có thời gian. Trong lúc đó, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp khác như tôi vừa nêu.

Muốn chống trốn đóng bảo hiểm, phải “bắt đúng bệnh”

- Hiện nhiều doanh nghiệp có tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận hiện vẫn chưa xử lý hình sự được vì chưa làm rõ nội hàm trốn đóng, chậm đóng. Theo ông, cách nào để giải quyết được vấn đề này?

- Chúng ta cần phân tích, đánh giá thật khách quan thực trạng xem vì sao doanh nghiệp chậm đóng, từ đó có giải pháp phù hợp, tức là phải “bắt đúng bệnh”. Nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn phải có chính sách riêng để hỗ trợ họ, nhưng nếu trốn đóng phải xử lý thật nghiêm. Chúng ta cũng phải rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xem đâu là kẽ hở cần phải khắc phục; tăng cường công tác quản lý, giám sát. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của công đoàn cơ sở, nâng cao nhận thức cho người lao động để họ hiểu biết pháp luật và tự bảo vệ chính mình.

- Vấn đề cũng rất được quan tâm hiện nay là đào tạo nghề cho khu vực nông thôn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới sẽ đổi mới theo phương châm chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, bố trí được công việc cao hơn, mang lại thu nhập cao hơn, tránh gặp đâu đào tạo đó, không có địa chỉ. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với cách làm này. Thực tế, chúng ta đã đào tạo nghề theo địa chỉ ở một số lĩnh vực, tức là đào tạo xong phải có nơi để làm việc. Với khu vực nông thôn vốn rộng lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, dạy nghề cho người nông thôn là yếu tố quyết định để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tăng thu nhập, nâng cao chuỗi giá trị bởi các nhà đầu tư đều về khu vực nông thôn, các hợp tác xã, ngành nghề cũng ở nông thôn. Do đó, cần quan tâm hơn tới công tác dự báo công việc. Phải tạo lập được thị trường hàng hóa, phát triển hệ thống các chợ, hệ thống tiêu thụ ở nông thôn. Điều này có ý nghĩa quyết định về đào tạo nghề.

Cùng với đó, công tác quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như Bộ trưởng đã chỉ ra. Phải làm rõ quy hoạch tầm quốc gia, ở từng địa phương xem khu vực nào phát triển công nghiệp, khu nào phát triển nông nghiệp, dịch vụ; đưa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp về sắp xếp hợp lý, để lao động nông thôn ly nông nhưng không ly hương.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giai-phap-ro-rang-chi-cho-thuc-hien-i331636/