Giải pháp sáng tạo cho các doanh nghiệp kinh tế tư nhân

Tại hội thảo khoa học với chủ đề 'Vai trò của khoa học công nghệ với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam' vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc chuyển giao khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò như một giải pháp để đổi mới sáng tạo.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại “Diễn đàn khoa học nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường KHCN” đã chỉ ra: “Có tới 85% doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển để có sản phẩm mới, chỉ có gần 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị để triển khai nghiên cứu sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao KHCN đến doanh nghiệp lại rất thấp, chỉ dưới 1%, đây là sự lãng phí rất lớn khi 99% còn lại đi đâu?”.

Đại diện của VCCI còn cho biết, thực trạng về trình độ công nghệ, máy móc thiết bị của doanh nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam rất thấp. Có đến 60% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn sử dụng công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu từ các nước đang phát triển, chiếm 65%, trong đó có tới 26% công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ từ những nước phát triển, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, nhưng trên 18% là công nghệ trước năm 2005. Do đó, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Công nghệ tiên tiến giúp Công ty Cổ phần Giấy An Hòa (Tập đoàn Geleximco) sản xuất ổn định, phát triển bền vững. Ảnh: THÁI HÀ.

Đối với Việt Nam, khi mà kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, năng lực cạnh tranh… của các doanh nghiệp còn hạn chế thì nghiên cứu, chuyển giao KHCN có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2016 cho thấy, hoạt động chuyển giao KHCN góp phần quan trọng trong việc hình thành nền KTTN tại các quốc gia có bảo hộ tài sản trí tuệ tốt, vì hầu hết các sản phẩm công nghệ mới tạo ra đều gắn với các tài sản trí tuệ. Bởi vậy, các sản phẩm trí tuệ đều liên quan tới quyền sở hữu và trách nhiệm của mỗi cá nhân, do đó góp phần quan trọng hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy KTTN phát triển.

Rất nhiều doanh nghiệp nhận thức được điều này nên tích cực triển khai đổi mới công nghệ. Bộ KHCN cũng đã có các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu KHCN để hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo đổi mới. Tuy nhiên, qua những số liệu trên có thể thấy, việc ứng dụng những nghiên cứu, chuyển giao KHCN chưa được coi trọng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động; tạo cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp phải nhận thức rõ vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự tồn tại và phát triển của mình trong bối cảnh hiện nay, từ đó hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh trong việc phát huy vai trò của KHCN. Các doanh nghiệp cần bắt đầu ngay từ việc xây dựng hạ tầng đến những ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu vận hành, sản xuất.

Ông Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI, cho biết: "Là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, chúng tôi may mắn có được thành quả của một công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất dược phẩm, được chuyển giao từ Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Từ đó CVI đã tạo ra những dòng sản phẩm đột phá về hiệu quả sử dụng nano curcumin từ cây nghệ vàng Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, chúng tôi không chỉ tìm kiếm sự hợp tác chuyển giao từ các đề tài nghiên cứu khoa học có sẵn mà còn chủ động đặt hàng nghiên cứu với các nhà khoa học nhằm giải quyết những vấn đề khoa học từ thực tiễn".

Có thể thấy, thế mạnh của các nhà khoa học là nghiên cứu và sáng tạo; thế mạnh của doanh nghiệp là nhạy bén về thị trường và có khả năng đưa các sản phẩm vào đời sống, là trung tâm điều phối chuỗi giá trị liên quan đến hàng loạt các hoạt động hình thành và phát triển tạo nên sản phẩm KHCN. Bởi vậy, để các doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo thì hoạt động phát triển chuyển giao KHCN là giải pháp quan trọng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-sang-tao-cho-cac-doanh-nghiep-kinh-te-tu-nhan-554467