Giải pháp thay thế nếu cấm sản xuất ô tô chạy xăng, dầu

Từ năm 2035, các nhà sản xuất ô tô có thể tiếp tục bán các sản phẩm động cơ xăng, nhưng chúng phải chạy bằng nhiên liệu điện tử.

Theo Reuters, Đức và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa hiệp về đề xuất cấm các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong bắt đầu từ năm 2035. Các nhà sản xuất ô tô có thể tiếp tục bán các sản phẩm động cơ xăng, nhưng chúng phải chạy bằng nhiên liệu điện tử (E-Fuel hay còn gọi là nhiên liệu tổng hợp, giải pháp thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch).

Nhiên liệu điện tử là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Ảnh: Motor1

Nhiên liệu điện tử là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Ảnh: Motor1

Đức và Ý, cả hai đều có ngành công nghiệp ô tô lớn, đã phản đối đề xuất ban đầu là bắt đầu loại bỏ hoàn toàn xe xăng vào năm 2035. Là một phần của thỏa hiệp này, Ủy ban Châu Âu đã đồng ý tạo ra một danh mục xe mới cho các mẫu xe chỉ có thể chạy bằng nhiên liệu điện tử.

Các phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện tử ở châu Âu sẽ yêu cầu công nghệ ngăn chúng sử dụng xăng hoặc dầu diesel. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về cách các nhà sản xuất ô tô sẽ triển khai các hệ thống này.

Nhiên liệu điện tử đến từ một quá trình liên quan đến việc thu giữ carbon dioxide và tạo ra hydro từ năng lượng tái tạo. Đó là carbon trung tính trong quá trình đốt cháy vì CO2 trở lại bầu khí quyển.

Vào tháng 10-2022, Liên minh Châu Âu thông báo đã hoàn tất thỏa thuận để bắt đầu loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho những chiếc xe mới. Các nhà sản xuất ô tô sản xuất dưới 1.000 xe mỗi năm được miễn trừ khỏi quyết định này. Các bộ trưởng giao thông của Cộng hòa Séc, Slovakia, Ý, Ba Lan, Romania, Hungary và Đức đã từ chối phê chuẩn kế hoạch, nhưng điều này buộc phải thỏa hiệp.

Trao đổi với PLO, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, E-Fuel chế tạo từ CO hay CO2 thành nhiên liệu cho động cơ đốt trong có thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu.

“E-fuel hiện tại còn trong thời gian thí nghiệm ở một số nước châu Âu, có thể 10 năm tới mới đưa vào sử dụng”- chuyên gia Đồng cho hay.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-phap-thay-the-neu-cam-san-xuat-o-to-chay-xang-dau-post726035.html