Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường hội đàm, trao đổi với các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng nông sản, hoa quả tươi nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 739,5 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu vẫn thấp, ước đạt hơn 61,2 triệu USD (chiếm khoảng 8,29% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 12,36 triệu USD; dưa hấu 7,9 triệu USD; sắn 37,5 triệu USD; quả vải tươi 1,49 triệu USD; chuối 2 triệu USD.

Tại hội thảo đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu, phát huy vai trò cầu nối của tỉnh Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Lào Cai phối hợp tổ chức mới đây, đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp đã làm rõ những khó khăn và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Theo các đại biểu, hoạt động xuất khẩu nông sản Lào Cai vẫn còn thấp do chính sách nhập khẩu, phương thức giao - nhận hàng của phía Trung Quốc liên tục thay đổi; tình hình dịch bệnh phức tạp, quan điểm phòng, chống dịch của phía Trung Quốc có sự khác biệt với Việt Nam…

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc đã áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, khiến hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp cần hiểu sâu, nắm chắc những quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn. Vị đại diện này cũng cho rằng, hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp và địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc, để có thể vượt qua rào cản kỹ thuật và thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững.

Ngoài chính sách nhập khẩu ngày càng khắt khe của phía Trung Quốc, hạ tầng logistics của Lào Cai vẫn còn hạn chế, khiến việc kết nối xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Hồng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục nghiên cứu với các cơ quan quản lý phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới giữa 2 nước. Phát huy hiệu quả vai trò kết nối của các hiệp hội ngành hàng, kịp thời nắm thông tin thị trường; chủ động, tích cực tham gia những chương trình xúc tiến để mở rộng kết nối.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích về các chính sách nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) - Nguyễn Văn Hội cho rằng, Lào Cai cần phát triển các trung tâm logistics theo hướng trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu - nhập khẩu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần logistics Việt Trung cho rằng, giải pháp xây dựng hệ thống logistics và liên kết chuỗi cung ứng thông minh tại tỉnh Lào Cai sẽ giúp phát triển hệ thống logistics, thúc đẩy xuất - nhập khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản ngày càng phát triển.

Khi giải quyết được vấn đề chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… của phía Trung Quốc; tăng cường trao đổi thông tin về chính sách xuất - nhập khẩu, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam; tiếp tục hoàn thiện hệ thống logistics và liên kết chuỗi cung ứng thông minh tại Lào Cai... chắc chắn hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai vào thị trường Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí của tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362942-giai-phap-thuc-day-xuat-khau-nong-san