Giải pháp trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm

Tiêm phòng vắc-xin là giải pháp hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm; không chỉ phát huy hiệu quả bảo vệ trực tiếp trên từng cá nhân, mà còn có ý nghĩa giúp làm giảm nguồn bệnh có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Tại Quảng Ninh, ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực nâng cao tỷ lệ và chất lượng công tác tiêm chủng, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tiêm phòng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Trạm Y tế xã Việt Dân (Đông Triều).

Tiêm phòng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Trạm Y tế xã Việt Dân (Đông Triều).

Duy trì hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Quảng Ninh được triển khai tại tất cả 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả trẻ em dưới 1 tuổi đều được tiêm miễn phí vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) hoặc vắc-xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) vào ngày 25 hàng tháng. Đây là hai loại vắc-xin phối hợp để phòng 5 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và viêm gan B. Đồng thời, chương trình tiêm chủng mở rộng còn triển khai tiêm miễn phí vắc-xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em, như: Bệnh lao, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản B, sởi - rubella..

Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Việt Dân (TX Đông Triều), cho biết: Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, tránh tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi đã mắc bệnh, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn cho các bà mẹ khi mang thai nên tiêm vắc-xin phòng bệnh, nhằm tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ.

Theo đánh giá của ngành Y tế, tất cả các trạm y tế đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng an toàn, từ khâu đón tiếp, tư vấn, khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm. Đặc biệt việc hướng dẫn theo dõi chăm sóc trẻ tại nhà và thông tin cho cán bộ y tế về những bất thường sau tiêm của trẻ được các nhân viên y tế hướng dẫn tận tình.

Bác sĩ tư vấn trước tiêm phòng cho khách hàng tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hạ Long.

Phát triển dịch vụ tiêm chủng

Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc-xin ComBE Five hoặc SII cho trẻ khi 2, 3, 4 tháng tuổi. Nếu mũi nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu, khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.

Ngoài những loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện nay, nhiều đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ, với một số loại vắc xin như: 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, não mô cầu BC, tiêu chảy, thủy đậu, phế cầu, sởi - quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản, cúm, viêm gan siêu vi A, thương hàn, viêm não mô cầu... Hình thức này đã giúp người dân có thêm cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng, an toàn ngay tại địa phương.

Quảng Ninh đã thu hút đầu tư xây dựng những cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ ngoài công lập quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu như Trung tâm tiêm chủng VNVC Hạ Long (Công ty CP Vacxin Việt Nam). Từ tháng 6/2019, Trung tâm đi vào hoạt động, đã cung cấp khoảng 30 loại vắc-xin dịch vụ. Mỗi ngày có 300-400 trẻ em và người lớn được cung cấp dịch vụ tiêm chủng tại đây. Chị Trần Thị Hoài, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chia sẻ: Tìm hiểu thông qua các phương tiện thông tin truyền thông nên tôi duy trì đúng lịch tiêm chủng cho các con và bản thân mình.

Tiêm chủng dịch vụ cho trẻ tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hạ Long.

Toàn tỉnh hiện có 78 cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Trong đó, 66 cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập, gồm: 2 cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, 14 điểm tại 13 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và 48 điểm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; 12 cơ sở tiêm chủng dịch vụ ngoài công lập.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động tiêm chủng, Sở Y tế chỉ đạo và thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy trình, tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, thực hiện quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động và xử phạt đối với các cơ sở tiêm chủng vi phạm. Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh để người dân hiểu và đi tiêm chủng tại cơ sở y tế; cung cấp thông tin các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/giai-phap-trong-du-phong-cac-benh-truyen-nhiem-2463370/