Giải pháp ứng phó hạn hán ở Ninh Thuận: Xây dựng các vùng chuyên canh đặc thù

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc hình thành nhiều vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến như các loại trái cây (táo, nho), vật nuôi (dê, cừu,…). Hướng đi này bước đầu khẳng định hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hạn hán khốc liệt như hiện nay.

Thay đổi nhận thức của nông dân

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) chuyển sang trồng cây đậu xanh trên những ruộng lúa không chủ động nước tưới, giúp tăng thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng/vụ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, ngành đã chọn giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật chăm sóc mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức toàn diện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Câu chuyện được nhắc đến nhiều là việc Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã nghiên cứu, sản xuất thành công giống lúa mới MT10 và Chế biến 3988, được chọn lọc từ các cá thể tự nhiên trong quần thể giống TH6 để tạo ra giống có những ưu điểm vượt trội, như: đẻ nhánh nhiều, đòng đứng, cứng cây, bông dài, hạt to tròn. Hay giống ngô lai VN 8960 chịu hạn với thời gian sinh trưởng ngắn, giúp nông dân sản xuất hiệu quả trên những vùng đất gò cao, đất không chủ động nước tưới. Mặc dù sản xuất trong mùa hạn, cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt từ 8 - 8,5 tấn/ha; ngô lai hơn 8 tấn/ha, cao hơn các giống cũ và cho thu nhập tăng thêm 6 triệu đồng/sào(1 sào Trung Bộ = 1.000m2)/vụ.

Theo kỹ sư Nguyễn Lê, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, các giống lúa TH6, TH41 đang có dấu hiệu thoái hóa, nên việc cung ứng giống mới đã giúp nông dân giảm áp lực về sâu bệnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Huyện Ninh Phước được xem là địa phương đi đầu tỉnh Ninh Thuận về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay, bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác của huyện đạt hơn 142 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 1,91 lần so với năm 2010.

Đến thăm cánh đồng trồng ngô lai VN 8960 thay cho cây lúa ở xã Phước Thuận vào thời điểm thu hoạch, nhiều nông dân cho chúng tôi biết, trồng ngô chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận mang lại cao gần gấp đôi cây lúa. Anh Thành Vũ Vương ở thôn Phú Nhuận chia sẻ: “Trồng lúa, chủ yếu để có gạo ăn, không làm giàu được. Vụ hè thu năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ giống, tui chuyển sang trồng 2 sào ngô, sản phẩm được thu hoạch bằng máy gặt nên không bị hao hụt, bảo đảm chất lượng, được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Tết vừa rồi, cả thôn rất vui, nhà nào cũng lãi 25 - 30 triệu đồng/sào”.

Xuôi về xứ đồng Cây Me, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, nông dân trồng ngô lai VN 8960 càng vui hơn, vì mấy năm nay đã tìm được cây trồng thích hợp thay cho cây lúa. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Lăng cho biết, từ thành công của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trong những đợt hạn hán vừa qua đã mở ra hướng đi mới đối với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh chuyển đổi 2.039ha cây trồng có khả năng chịu hạn và cần ít nước tưới.

Phát triển các mô hình liên kết

Từ năm 2012 đến nay, nhờ Dự án hỗ trợ tam nông (do Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp -IFAD tài trợ), tỉnh Ninh Thuận đã xác lập, phát triển thế mạnh cây trồng, vật nuôi song song với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ liên kết các tổ, nhóm sản xuất tại các xã với những doanh nghiệp, từ đó tạo được thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Các mô hình vỗ béo bò, dê, cừu được nhân rộng, thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, tại huyện Ninh Phước, đã thành lập gần 100 tổ, nhóm đồng sở thích trồng ngô, táo và chăn nuôi, vỗ béo bò, cừu. Các nhóm đã liên kết với một số cơ sở cung ứng giống và giết mổ bò, như: Cơ sở Hồng Loan, Triệu Tín hay trang trại Ba Mọi để kết nối và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với giá ổn định.

Nông dân huyện Ninh Sơn phấn khởi với việc tăng các chuỗi giá trị sản xuất khi mở rộng diện tích trồng mía, sắn lên hàng nghìn hecta, mỗi năm cung ứng hàng chục nghìn tấn mía, sắn nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang, nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu. Với 13 trang trại chăn nuôi hơn 10.000 con lợn, cung ứng hàng trăm tấn thịt lợn cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, giúp thu nhập của bà con tăng lên đáng kể.

Nông dân huyện Ninh Hải thì tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của các tổ, nhóm liên kết trồng cây hành tím, nho, táo, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP và vỗ béo bò, dê, cừu. Sản phẩm chuối (741ha) và ngô lai (997ha) của đồng bào Ra Glai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã tạo được thương hiệu trên thị trường.

Khi liên kết “bốn nhà” ngày càng chặt chẽ, câu chuyện “được mùa mất giá” không còn là nỗi lo đối với nông dân; số hộ có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm trở lên xuất hiện ngày càng nhiều, việc mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi ngày càng phát triển.

Để nhân rộng mô hình liên kết, huyện Thuận Bắc đã “mở đường” thu hút doanh nghiệp hợp tác làm ăn, như chỉ đạo triển khai bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phân tích mức độ thích nghi đất đai và quy hoạch hệ thống cây trồng đến năm 2020 tại các xã, hình thành vùng chuyên canh trồng lúa 3 vụ/năm với quy mô 1.500ha, vùng trồng ngô chủ động nước 950ha ở các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Bắc Sơn và Công Hải; vùng trồng mía 175ha, sắn 100ha ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải và Công Hải. Quy hoạch 600ha đất trồng cỏ chăn nuôi, trong đó có 100ha cỏ nuôi bò sữa ở xã Bắc Phong. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đến hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”. Các doanh nghiệp ký bản ghi nhớ về cho vay vốn để phát triển sản xuất; cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, các xã đặc biệt khó khăn đã từng bước vươn lên.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Ninh Thuận đang có lợi thế về các sản phẩm đặc thù vùng khô hạn và cùng với hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tạo ra hướng đi mới trong xây dựng nền nông nghiệp hướng đến công nghệ cao, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển.

Để thực hiện các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, trong giai đoạn 2016-2020, ngoài việc tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã chủ động rà soát, nghiên cứu, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trước mắt, tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi huyện chọn từ 2 - 4 cây, con, mỗi xã từ 2 - 3 cây, con chủ lực để ưu tiên phát triển, hướng tới mục tiêu chính là tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và doanh nghiệp chứ không chạy theo số lượng. Phấn đấu phát triển đàn dê, cừu đạt quy mô tổng đàn 255.000 con, phát triển đàn lợn theo hướng trang trại công nghiệp quy mô 110.000 con, đàn bò khoảng 140.000 con vào năm 2020. Tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc thông qua cải tạo giống, áp dụng quy trình chăn nuôi công nghiệp tiên tiến, phấn đấu đạt tỷ lệ bò lai là 50%, đàn dê, cừu được cải tạo giống mới 90%.

Phát huy lợi thế sản xuất 36 tỷ con giống thủy sản chất lượng cao, tổ chức lại nghề khai thác và khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết hình thành các tập đoàn đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi khai thác xa bờ theo hướng khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích nuôi trên biển và nuôi nước ngọt đạt 2.350ha, sản lượng nuôi đạt 18.600 tấn, trong đó, tôm nuôi là 9.900 tấn…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất muối gắn với vùng nguyên liệu bằng cách tiếp tục xây dựng các nhà máy chế biến mới theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. Trước mắt, kêu gọi đầu tư các dự án chế biến tôm xuất khẩu, tinh bột sắn, đường; xây dựng các cơ sở chế biến rượu vang, nhân điều; chế biến và đóng hộp thịt gia súc, gia cầm…

Có thể thấy, nếu so với tổng diện tích sản xuất hằng năm hơn 80.000ha thì con số diện tích chuyển đổi của Ninh Thuận còn quá khiêm tốn. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu đạt được, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang mở ra triển vọng mới đối với một địa phương nắng nóng quanh năm như Ninh Thuận.

Nguyễn Trung – ND

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/giai-phap-ung-pho-han-han-o-ninh-thuan-xay-dung-cac-vung-chuyen-canh-dac-thu-post4449.html