Giải phóng mặt bằng: Bệ phóng cho dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tăng tốc

Thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Dự kiến khối lượng GPMB của dự án sẽ đạt 80% trước khi khởi công.

Công tác GPMB hiện đã đạt gần 70%

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đến thời điểm hiện tại tổng số mộ chí đã di chuyển là 6.007/10.921 ngôi, đạt 55%. Trong đó, huyện Sóc Sơn di dời được 894/898 ngôi; huyện Mê Linh 370/370 ngôi; huyện Đan Phượng 731/1.678 ngôi; huyện Hoài Đức 1464/3.370 ngôi, quận Hà Đông 239/2.256 ngôi; huyện Thanh Oai 480/503 ngôi và huyện Thường Tín 1.829/1.846 ngôi.

Các địa phương cũng đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha, đạt 67,32%. Trong đó huyện Sóc Sơn đạt 46,00/48,23 ha; huyện Mê Linh 114,30/145,66 ha; huyện Đan Phương 30,73/74,80 ha; huyện Hoài Đức 138,30/239,63 ha; quận Hà Đông 51,14/68,25 ha; huyện Thanh Oai 59,31/86,94 ha; huyện Thường Tín 97,49/134,54 ha.

Người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) ký nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Linh Phạm

Người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) ký nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Linh Phạm

Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 4.286 tỷ đồng. Trong đó, huyện Sóc Sơn 229 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 1.436,1 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,15 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thường Tín 602,29 tỷ đồng.

“Như vậy công tác GPMB hiện đã đạt gần 70%, dự kiến tháng 6-2023 sẽ bàn giao được 80% để khởi công dự án; phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước 31-12-2023”, ông Nguyễn Chí Cường cho hay.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng công trình giao thông thành phố Hà Nội, đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1; 2.1 và 3 (Dự án PPP) đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Giao thông vận tải). Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV. Dự kiến công tác khảo sát, lập phương án thiết kế kỹ thuật sẽ hoàn thành xong trước 15-6-2023, trình Sở Công thương thẩm định trong tháng 6-2023, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trong tháng 7-2023.

Thành phố dự kiến sẽ khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 vị trí. Cụ thể là: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km; tại vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn Thành phố về tình hình triển khai dự án (chiều 14-3), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Trong quá trình thực hiện, Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Khi thực hiện phải vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao, tăng cường hợp tác, phối hợp, không “quyền anh, quyền tôi”; không được để xảy ra sai sót, đặc biệt là không được để thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Nếu để xảy ra sai sót đến mức phải xử lý mà không tự phát hiện được thì bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra quận ủy, huyện ủy cũng phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, khi thực hiện, các cấp, các ngành và từng cá nhân phải sâu sát cơ sở, bảo đảm liên thông trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; bảo đảm tiến độ đề ra, có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các lãnh đạo thành phố Hà Nội khảo sát dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Linh Phạm

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thành phố đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính cho công tác GPMB. Theo đó, Thành phố đã tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập. “Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và các dự án đường cao tốc nói riêng là các dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, khối lượng GPMB lớn. Để có thể GPMB sớm, đối với dự án đường Vành đai 4, TP Hà Nội đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.

Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Đồng thời, Thành phố cũng triển khai một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt. Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có).

Hình ảnh tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thành phố Hà Nội căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, để tăng tính chủ động của địa phương, Thành phố đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, đã giúp cho công tác GPMB đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài 112km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội có độ dài hơn 58km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó, Hà Nội thực hiện với 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

THANH PHẠM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giai-phong-mat-bang-be-phong-cho-du-an-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-tang-toc-729987