Giải phóng mặt bằng, nút thắt bóp nghẹt nhiều dự án giao thông

Sẵn tiền, sẵn thợ, dự án mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn chưa còn một số nút thắt, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc mỗi khi lượng phương tiện tăng đột biến mà nguyên nhân là do UBND Tp Hà Nội hứa mãi mà sau 16 tháng vẫn không thể dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Trên thực tế, rất nhiều dự án giao thông duyệt kế hoạch xong nằm đó chờ mặt bằng hoặc tiến độ thụt lùi, vốn đội cao do chậm có mặt bằng sạch, gây thất thoát cho nhà nước cũng như DN.

Mở rộng 60 km chưa xong vì vướng 2,4km mặt bằng

Theo chủ đầu tư dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ, việc triển khai giai đoạn 2 của dự án này hiện đã hoàn thành 55.6km/58km và đưa vào sử dụng tạm thời từ trước Tết Nguyên Đán năm 2017 theo chỉ đạo của Bộ GTVT góp phần vào việc giải quyết ùn tắc giao thông trong dịp tết nguyên đán Mậu Tuất và dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 vừa qua. Tuy nhiên, việc giải tỏa 2,4 km tuyến chính, 5,3 km đường gom, tương đương 12 điểm thắt hẹp trên tuyến hiện triển khai chậm và địa phương đã hứa rất nhiều lần mà chưa xong.

Cụ thể, trong 2 năm từ tháng 4/2016 đến cuối tháng 3/2018, UBND Tp Hà Nội đã đưa ra gần 10 văn bản thúc giục các huyện xã cũng như cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong đó văn bản mới nhất ký ngày 29.3.2018 nêu rõ “yêu cầu UBND các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên khẩn trương, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ: Thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích đất nông nghiệp trước ngày 10.4.2018. Đối với đất ở, hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tháng 4/2018.” Tuy nhiên, tới ngày 9.5.2018, công tác GPMB của cả 3 huyện trên đều không hoàn thành các hạng mục công việc theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Chẳng hạn, tại huyện Thanh Trì, đất nông nghiệp còn tồn tại 0,43 km, đất thổ cư còn 0,93 km, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi như đường cáp thông tin của Lữ đoàn 205, đường ống nước sạch của Công ty nước sạch Hà Nội, đường dây điện của Công ty điện lực Thanh Trì... chưa có phương án di chuyển nào được phê duyệt.

Không chỉ vậy, việc thi công còn bị một số hộ dân trái tuyến không thuộc diện được đền bù cản trở do có những vướng mắc khác với địa phương.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Thành, chủ đầu tư dự án cho biết 2,4km chưa được giải phóng mặt bằng đều là đoạn xử lý kỹ thuật phức tạp, nền yếu, có thời gian thi công dài nên nếu không giải quyết sớm sẽ vướng vào mùa mưa gây khó khăn cho việc thi công.

Với khối lượng công việc còn lại hiện nay nếu tập trung quyết liệt thì thời gian để hoàn thành công tác GPMB phục vụ thi công đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sớm nhất cũng phải đến ngày 30.6.2018 mới xong.

Mặt bằng - nút thắt kéo lùi tiến độ, gỡ ra sao?

Theo đánh giá của Bộ GTVT, nhiều dự án trọng điểm của ngành này đã và đang chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chậm. Hiện ngành này đang có 37 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 1.085 nghìn tỉ đồng và tính đến hết quý I/2018, một số sự án vẫn vướng giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ như cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Trung Lương - Mỹ Thuận; Pháp Vân - cầu Giẽ giai đoạn 2; Hòa Lạc - Hòa Bình; đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; một số dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; đoạn Lộ Tẻ - Rạch sỏi; đoạn Năm Cãn - Đất Mũi...).

"Mặc dù, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua quan tâm giải quyết, tuy nhiên tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm", Bộ GTVT cho biết và đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo địa phương giải quyết.

Không ít dự án đang phải dừng thi công, hoặc thi công chậm tiến độ, mà nguyên nhân chính là do chậm giải phóng mặt bằng. Các chuyên gia đánh giá việc chậm tiến độ này đã tác động tiêu cực đến tiến độ dự án, dẫn tới đội vốn, gây lãng phí tài nguyên đất đai và giảm hiệu quả đầu tư ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân khi các dự án quan trọng liên tục lỗi hẹn.

Trên thực tế, có nhiều yếu tố kéo chậm việc triển khai GPMB. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường GPMB không ổn định, thường xuyên thay đổi, nhiều nội dung quy định chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng rất khó khăn; chính sách ban hành sau có lợi hơn nhiều so với chính sách ban hành trước dẫn đến khó khăn trong việc xử lý bồi thường chuyển tiếp giữa chính sách cũ và chính sách mới.

Các quy định về đơn giá đền bù GPMB có nhiều thay đổi, chưa theo kịp diễn biến và yêu cầu dẫn đến dự án phải điều chỉnh phê duyệt nhiều lần. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ; UBND các phường còn chậm triển khai việc xác minh nguồn gốc đất trong phạm vi dự án... Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khiếu nại, kiến nghị dẫn đến người dân không chấp thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như công tác lập quy hoạch còn hạn chế, dẫn đến việc thay đổi quy hoạch, thay đổi thiết kế cũng đã làm dài thêm thời gian thực hiện của dự án...

Các chuyên gia nhận định nếu không có đột phá về công tác giải phóng mặt bằng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp kịp thời của các bên, tiến độ triển khai của các dự án giao thông lớn trên cả nước sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ, gây ùn tắc giao thông và gia tăng chi phí đầu tư cho dự án.

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/giai-phong-mat-bang-nut-that-bop-nghet-nhieu-du-an-giao-thong-606248.ldo