Giải phóng nguồn lực tự nhiên: 'Cần nhất liêm chính - công bằng'

Động lực phát triển chỉ có thể có được khi bảo đảm tính liêm chính trong quản lý và công bằng trong sử dụng - đây chính là chìa khóa chính để giải quyết vấn đề tạo động lực trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân.

Nông dân Hà Nam chăm sóc dưa trong nhà lưới tại khu nông nghiệp công nghệ cao. - Ảnh: Nhân Dân

Nông dân Hà Nam chăm sóc dưa trong nhà lưới tại khu nông nghiệp công nghệ cao. - Ảnh: Nhân Dân

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu ra quan điểm của mình trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những giải pháp khơi thông, giải phóng nguồn lực tự nhiên nhân bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tựa đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.

Thưa ông, vấn đề giải phóng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

GS Đặng Hùng Võ: Việc sử dụng với hiệu suất cao các nguồn lực bao gồm đất đai và tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, vốn tài chính và công nghệ sẽ quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này được coi như đóng vai trò quyết định trong phát triển đất nước.

Tôi lấy đất đai là một ví dụ, thu từ đất đai ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% tổng thu cho ngân sách địa phương; khác với các nước công nghiệp, thu từ đất chiếm 50 - 90% tổng thu ngân sách địa phương. Việc sử dụng vốn tài chính cũng cho thấy chỉ số ICOR của Việt Nam chỉ đạt khoảng 5, bằng 1/3 của Thái Lan. Năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 1/2 của Thái Lan hay Indonesia. Mặc dù trong vài năm gần đây các chỉ số về hiệu suất sử dụng nguồn lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá cao nhưng vẫn chưa được liệt vào nhóm khá trên thế giới.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 của Ngân hàng Thế giới cũng như Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã chỉ khá rõ nhược điểm mà Việt Nam cần khắc phục sớm nhất chính là hiệu suất sử dụng các nguồn lực còn rất thấp. Ý kiến tư vấn này cũng đã được tiếp thu và đưa vào nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bài viết của Thủ tướng, 1 trong 4 định hướng lớn là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, phân bổ và sử dụng có hiệu quả theo cơ chế thị trường để phục vụ cho trước mắt và tính toán cả dự trữ cho tương lai. Ông bình luận gì về vấn đề này?

GS Đặng Hùng Võ: Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong bài viết này hoàn toàn chính xác. Thủ tướng nêu rõ, cơ chế phân bổ nguồn lực còn nhiều bất cập, làm cho chủ thể có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực nhiều khi thiếu cơ hội tiếp cận, còn chủ thể nắm giữ nguồn lực lại sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí. Nghịch lý trên đây phải nhanh chóng được khắc phục.

Theo Thủ tướng, phải tháo gỡ các “nút thắt” của cơ chế, chính sách khiến cho không ít nguồn lực chưa được khai thông, chậm được vốn hóa, cốt lõi là bảo đảm vai trò chủ yếu của thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, chống các hiện tượng “bao cấp”, “phi thị trường” còn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác, nhất là bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các chủ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ đó mà nguồn lực đến đúng địa chỉ có khả năng sử dụng hiệu quả.

Tôi cho rằng, để thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng nêu ra, phải có nhiều nghiên cứu để đưa ra các sáng kiến trong thực hiện trên thực tế. Tôi cho rằng, điểm khó khăn nhất hiện nay là pháp luật chưa có quy định cụ thể và hiệu quả về quy trình chuyển một tài nguyên thiên nhiên thành tài sản của các thành phần kinh tế mà vận hành được trong cơ chế thị trường.

Đối với đất đai, pháp luật đã sử dụng “quyền sử dụng đất đai” thay thế cho “đất đai” thuộc sở hữu toàn dân để vận hành được trong cơ chế thị trường. Giải pháp này ổn, nhưng nội dung chi tiết vẫn còn nhiều vướng mắc. Hệ lụy chủ yếu của những vướng mắc này là làm cho quá trình vốn hóa đất đai thiếu hiệu quả, trong đó thường gắn với lãng phí đất đai và tham nhũng về đất đai.

Đối với rừng tự nhiên, vấn đề bảo vệ và phát triển còn phức tạp hơn đối với đất đai vì không thể chuyển tài nguyên này thành tài sản của người được giao rừng. Từ đó, thiếu động lực để chăm sóc và phát triển rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Đối với nước và khoáng sản, vấn đề chuyển từ tài nguyên thành tài sản được thực hiện dễ dàng khi quá trình khai thác đã tạo ra được hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Khó khăn đối với hai loại tài nguyên này lại ở khâu quản lý quá trình khai thác sao cho nhà nước không bị thất thoát tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra đúng việc cần làm là phải tháo gỡ được các điểm nghẽn trong sử dụng nguồn lực thiên nhiên sao cho vận hành tốt trong cơ chế thị trường nhằm đạt hiệu quả cao.

GS Đặng Hùng Võ nêu những giải pháp để khơi thông, giải phóng nguồn lực tự nhiên

Trong số rất nhiều vấn đề được nêu về việc khai thông, giải phóng nguồn lực tự nhiên, ông cho rằng nội dung, thông điệp nào là cấp bách nhất?

GS Đặng Hùng Võ: Theo tôi, muốn khai thông và giải phóng các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, như trên đã nói, việc trước hết là phải xây dựng được khung pháp luật phù hợp cho quá trình chuyển các tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân thành tài sản của các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường.

Tiếp theo là việc xây dựng các thể chế quản lý sao cho ngăn ngừa tình trạng lãng phí và quản lý được các rủi ro tham nhũng trong quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân trong cơ chế thị trường. Quá trình này vẫn được gọi là quá trình vốn hóa các tài nguyên thiên nhiên, thường gây thất thoát giá trị thuộc toàn dân do Nhà nước đại diện nắm giữ. Vượt được qua khó khăn này mới đạt được hiệu suất cao trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Tất cả những công việc này, muốn thực hiện tốt cần phải có giải pháp tổng hợp về pháp luật, phương thức quản lý, giải pháp công nghệ và đạo đức cán bộ. Phương thức quản lý phải kết hợp được với quản trị tốt gồm 3 thành phần: công khai - minh bạch, sự tham gia giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý.

Tại các nước công nghiệp phát triển, các quá trình quản lý phức tạp có sự tham gia chủ đạo của các loại công nghệ hiện đại, nhất là trí tuệ nhân tạo gắn với mạng thông tin quản lý gồm các dữ liệu đầy đủ, chính xác và được cập nhật kịp thời. Việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ với nghĩa hiện đại hóa quá trình quản lý mà còn được sử dụng như một phương tiện đảm bảo tính độc lập, khách quan và phòng chống được tham nhũng, lãng phí.

Bài viết của Thủ tướng nhận định rằng nhiều nguồn lực của nước ta vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả. Không ít nguồn lực ở dạng tiềm năng chưa chuyển thành động năng, chậm được vốn hóa để đưa vào phục vụ sản xuất. Làm thế nào để biến tiềm năng thành động năng để sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: Lực cản chính trong việc chưa chuyển được tiềm năng của tài nguyên thiên nhiên thành động năng trong phát triển tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước đang phát triển khác là rủi ro tham nhũng khá cao trong quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên. Lực cản này thể hiện chủ yếu tại ranh giới giữa tài nguyên thiên nhiên và tài sản chuyển từ tài nguyên thiên nhiên đó thuộc quyền của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.

Theo quy định hiện hành, quyết định chuyển tài nguyên thiên nhiên thành tài sản luôn thuộc thẩm quyền của một cơ quan nhà nước được quy định trong pháp luật. Khi một quyết định hành chính có thể tính được giá trị bằng tiền thì không thể không có rủi ro tham nhũng.

Có thể lấy ví dụ như một quyết định của cơ quan nhà nước giao đất còn là tài nguyên thiên nhiên cho một chủ đầu tư tư nhân có thể tính được bằng giá trị đất đai được giao. Rủi ro tham nhũng luôn gắn với hiệu số của giá trị đất đai tính theo giá thị trường trừ đi giá trị đất đai tính theo giá nhà nước. Quyết định giao một mỏ khai khoáng hay giao một diện tích rừng cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự.

Động lực phát triển chỉ có thể có được khi bảo đảm tính liêm chính trong quản lý và công bằng trong sử dụng. Đây chính là chìa khóa chính để giải quyết vấn đề tạo động lực trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân. Vậy làm gì để có được liêm chính trong quản lý và công bằng trong sử dụng? Thể chế quản trị với 3 yếu tố minh bạch, sự tham gia và trách nhiệm giải trình đã giới thiệu ở trên có thể bảo đảm được liêm chính và công bằng.

Riêng với đất đai, nguồn lực tự nhiên quan trọng hàng đầu hiện nay, ông cho rằng bất cập, hạn chế lớn nhất là gì? Giải pháp để giải quyết những bất cập này như thế nào?

GS Đặng Hùng Võ: Riêng với đất đai - loại tài nguyên thiên nhiên quan trọng hàng đầu đối với con người cũng như đầu tư phát triển nhưng việc sử dụng còn rất nhiều bất cập, theo tôi, vấn đề trọng tâm nhất vẫn là đảm bảo liêm chính và công bằng trong chuyển dịch đất đai từ hiện trạng sử dụng được coi là hiệu suất thấp sang các dự án đầu tư phát triển được quy hoạch là hiệu suất cao hơn nhiều lần. Lý luận là như vậy nhưng thực tế rất khó đánh giá về hiệu quả sử dụng đất. Các vướng mắc dẫn tới các vụ án tham nhũng “lớn”.

Mặt khác, trong quá trình chuyển dịch đất đai này, Nhà nước phải thu hồi đất của dân để giao cho nhà đầu tư. Nhóm người bị thu hồi đất chịu tác động tiêu cực khá mạnh, tạo ra tình trạng khiếu nại về đất đai chiếm tới 70% tổng khiếu nại của dân.

Bên cạnh tham nhũng “lớn”, thể loại tham nhũng “vặt” gắn với các thủ tục hành chính về đất đai vẫn đang khá phổ biến ở nhiều địa phương như cấp giấy chứng nhận về đất đai và các tài sản gắn liền, người sử dụng đất thực hiện các quyền giao dịch. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương cải cách thủ tục hành chính và quyết tâm thực hiện rất cao, nhưng tại nhiều địa phương cấp huyện và cấp xã, người dân vẫn chưa thể hài lòng khi phải thực hiện các thủ tục hiện nay. Các giao dịch về quyền sử dụng đất tại nông thôn, miền núi vẫn chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức.

Tôi cho rằng bất cập cơ bản là cách tiếp cận trong xây dựng pháp luật đất đai. Việc sửa đổi các quy định pháp luật về đất đai cần dựa nhiều hơn vào cách tiếp cận thị trường. Cái gì thị trường làm tốt hãy để thị trường làm và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cán bộ nhà nước cần chọn lọc để làm những việc lớn, pháp luật đừng bắt cán bộ nhà nước phải nắm giữ quyền lực ở những việc lặt vặt và đây là mảnh đất cho tham nhũng nảy sinh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/giai-phong-nguon-luc-tu-nhien-can-nhat-liem-chinh-cong-bang/381554.vgp