Giải Pulitzer đầu tiên cho nhạc Rap: Vì sao Kendrick Lamar xứng đáng?

Với ca từ trung thực và rõ ràng, Kendrick Lamar hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Pulitzer Âm nhạc 2018 và danh hiệu 'Rapper xuất sắc nhất'.

Kendrick Lamar, một rapper người Mỹ mới đây đã đoạt giải Pulitzer Âm nhạc năm 2018 với album DAMN. Rapper này đã làm nên lịch sử khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên không thuộc dòng nhạc cổ điển hay jazz, những nhạc sĩ sống không dựa vào bảng xếp hạng âm nhạc giành được giải thưởng cao quý này.

Giải thưởng Pulitzer đầu tiên dành cho âm nhạc được trao cho tác phẩm nhạc cổ điển Secular Cantana No.2 của William Schuman vào năm 1943. Và phải 54 năm sau đó, Hội đồng Giải thưởng mới công nhận những tác phẩm vượt ra khỏi nền âm nhạc cổ điển truyền thống, hàn lâm châu Âu, và trao giải cho Wynton Marsalis với bản nhạc Jazz mang tên Blood on the Fields (tạm dịch Máu rơi trên đồng) nói về chế độ nô lệ. Kể từ đó, chỉ có thêm hai giải thưởng nữa dành cho nhạc Jazz: Ornette Coleman năm 2007 và Henry Threadgill năm 2016 và không hề có sự xuất hiện của các bài hát nổi tiếng đứng trên các bảng xếp hạng.

Giải thưởng từ lâu đã bị chỉ trích là không liên quan tới đời sống thực, đến mức người chiến thắng năm 2003 John Adams phát biểu rằng “giải Pulitzer Âm nhạc đã mất đi uy tín rất nhiều so với các lĩnh vực khác như văn học và báo chí”. Với việc trao giải cho album DAMN, Hội đồng Giải thưởng Pulitzer đã có sự thay đổi góc nhìn hiện đại hơn.

Hip-hop chính thức được công nhận

Chiến thắng của DAMN cũng ngoạn mục không kém giải Nobel Văn học của Bob Dylan hồi năm ngoái, mặc cho việc không đậm chất triết lý bằng những tác phẩm trước. DAMN thực sự là một tác phẩm âm nhạc Mỹ xuất sắc. Và quy tắc duy nhất nó phá vỡ là một quy tắc bất thành văn, cũ kỹ mà giải Pulitzer được cho là chỉ để dành cho các hình thức âm nhạc cao quý hơn.

Kendrick Lamar

Hội đồng Giám khảo Pulitzer đã mô tả DAMN là “một bộ sưu tập các bài hát điêu luyện, được thống nhất bởi tính chân thực và nhịp điệu năng động, phác họa hoàn hảo sự phức tạp trong cuộc sống của người Mỹ gốc Phi hiện đại”, nhìn trực tiếp vào các vấn đề hóc búa cả về cá nhân lẫn chính trị, bao gồm chủng tộc, đức tin và gánh nặng khi đạt được thành công.

Thực tế, các bài hát trong DAMN tuy có ngắn hơn các tác phẩm khác của Lamar, nhưng ca từ vẫn đầy sự phong phú và táo bạo. Nếu loại trừ những đoạn rap nhỏ trong những ca khúc nhạc pop, Lamar chưa từng gây thất vọng với khán giả. Chắc chắn rằng, tầm ảnh hưởng của rapper này tới âm nhạc đương đại đã góp một phần trong chiến thắng của anh.

Kể cả khi không phải là một hiện tượng văn hóa, DAMN vẫn xứng đáng với giải Pulitzer dưới góc độ sáng tác. Trong khi luôn có những người từ chối chấp nhận hip-hop là một môn nghệ thuật thực sự, với số còn lại, Lamar đại diện cho sự đỉnh cao của hình thức âm nhạc này, là rapper xuất sắc nhất và là tiếng nói của người Mỹ da màu dưới áp lực của xã hội. Sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu luyện, tính chính trị, sự cảm thông và chiều sâu âm nhạc khiến anh trở thành MC duy nhất có thể kêu gọi sự đoàn kết giữa những người hâm mộ hip-hop, âm nhạc hàn lâm và kể cả những người không hề theo dõi thể loại nhạc này, và trao cho Lamar giải thưởng Pulitzer Âm nhạc cao quý.

Xuất thân nghèo khó

Kendrick Lamar Duckworth, 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Compton, California. Cũng giống như nhiều rapper khác, anh lớn lên trong nghèo khó và bạo lực đường phố. Nhưng dường như anh không bị tổn thương nhiều từ cuộc sống ngày đó. Cậu bé Kendrick học giỏi, thích viết lách, bắt đầu với những mẩu truyện ngắn và những bài thơ, và sau này là lời bài hát. Kendrick Lamar cũng khá nổi tiếng trong giới âm nhạc hiện đại và từng đạt được 12 giải Grammy.

Rời xa ánh đèn sân khấu, Kendrick Lamar trông có vẻ là một người điềm tĩnh, khá sùng đạo và già hơn nhiều so với tuổi thực. Rapper này khá nghiêm túc trong công việc và luôn cố gắng đạt tới đỉnh cao mà không bao giờ tỏ ra trịch thượng. Lamar được thúc đẩy bởi một ước muốn cháy bỏng là luôn luôn tự vượt qua chính mình.

Mỗi bản thu âm của Lamar là một câu chuyện vô cùng sinh động và không thể đoán trước: với xu hướng thay đổi nhạc, giọng hát và chiều hướng của ca từ một cách triệt để, tạo ra hai phần khác biệt hoàn toàn, mâu thuẫn lẫn nhau trong một bài hát hoàn chỉnh. Ngay cả khi sử dụng một đoạn nhạc nền liên tục trong bốn phút như trong bài hit Humble, lời bài hát của Kendrick Lamar chứa đựng nhiều ý nghĩa. Có thể thấy, điểm sáng trong kỹ thuật âm nhạc của Lamar không nằm ở sự điêu luyện trong cách xử lý âm nhạc, mà là sử dụng môn nghệ thuật này như là một phương tiện để truyền tải những câu chuyện phức tạp trở nên rõ ràng hơn, trung thực hơn.

Khi nghệ sĩ Jazz Duke Ellington bị từ chối trao giải thưởng Pulitzer một cách đầy tranh cãi vào năm 1965, ông đã trả lời rằng: “Định mệnh đã thương tôi. Nó không muốn tôi nổi tiếng quá sớm” - khi đó Ellington đã 67 tuổi. Còn Kendrick Lamar mới chỉ 30 tuổi, không bị ám ảnh bởi sự nổi tiếng và đang từng bước trở thành nghệ sĩ xuất sắc nhất làng hip-hop. Giải thưởng Pulitzer Âm nhạc là một minh chứng cho sự nghiệp vẻ vang của rapper này.

Công Hoàn

(theo The Guardian)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/giai-pulitzer-dau-tien-cho-nhac-rap-vi-sao-kendrick-lamar-xung-dang-70238.html