Giải quyết ba khó khăn lớn hiện nay

Ba khó khăn lớn mà tỉnh Bắc Giang cần tập trung giải quyết hiện nay là khẩn trương khống chế, chặn đường lây lan của dịch bệnh; sớm khởi động lại được chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của tỉnh tại các khu công nghiệp và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Làm thế nào để sớm khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, nhất là quanh các khu công nghiệp, nơi có mật độ công nhân tập trung rất đông? Với khoảng 60 nghìn công nhân đang thực hiện cách ly xã hội ở các nhà trọ, nếu thời gian cách ly dài sẽ gây khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm, chăm lo đời sống công nhân, giải quyết ra sao?

Về vấn đề này, tỉnh đề nghị với T.Ư, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực để dập dịch. Trong đó, tăng cường khả năng xét nghiệm, huy động tối đa nguồn lực để xét nghiệm nhanh cho người dân, nhất là tại các khu đã khoanh vùng; thực hiện quyết liệt "5K + vắc-xin”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, chiến lược chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và địa phương đang đi đúng hướng nên tin tưởng sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh.

Nếu như vấn đề dập dịch cần sự hỗ trợ lớn từ T.Ư và các địa phương về nhân lực, phương tiện thì việc khởi động lại được chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của tỉnh và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản phải cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh.

Nhưng cái khó hơn để giải quyết hai vấn đề này là bởi nó mâu thuẫn với việc giải quyết dập dịch. Làm sao để bảo đảm việc giãn cách xã hội trong khi khôi phục lại một phần sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và bảo đảm lưu thông hàng hóa là vấn đề không hề đơn giản.

Đáng lưu ý, hai vấn đề sau không chỉ đơn thuần là giải bài toán kinh tế mà liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng chục nghìn công nhân đang mắc kẹt trong các nhà trọ ở khu cách ly, phong tỏa. Nếu không mở cửa cho doanh nghiệp sản xuất và mở cửa một phần dịch vụ thiết yếu thì việc chăm lo đời sống cho ngần ấy con người là thách thức không nhỏ.

Và, việc tiêu thụ 180 nghìn tấn vải thiều; hàng chục nghìn tấn dưa hấu, dứa đang vào đợt thu hoạch và đàn gà, đàn lợn với số lượng gần lớn nhất cả nước nếu không thông suốt sẽ gây nhiều hệ lụy cho sản xuất và đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chia sẻ, trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan T.Ư là làm sao hóa giải được mâu thuẫn ấy, vừa chống được dịch trong các khu công nghiệp, vừa từng bước khởi động lại chuỗi sản xuất. Đây là vấn đề lớn, chưa địa phương nào có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi sẽ xây dựng từng bước, từ mô hình nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra.

Trong khi các cấp, các ngành đang nỗ lực giải quyết ba khó khăn lớn nêu trên rất cần sự chung tay, chia sẻ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả nhất chính là chấp hành nghiêm hướng dẫn của lực lượng chức năng về an toàn phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần thực hiện “nhiệm vụ kép” trong tình hình mới.

Chúng ta cần có chung nhận thức rằng, giải quyết những vấn đề mới, khó khăn như trên trước hết cần sự đồng thuận của xã hội để thực hiện từng bước chắc chắn. Còn về lâu dài thì cần xây dựng được chiến lược phát triển sản xuất, dịch vụ thích ứng và có khả năng tồn tại trong dịch bệnh.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/359900/giai-quyet-ba-kho-khan-lon-hien-nay.html