Giải quyết bài toán thiếu nhà trẻ, trường mầm non

Bên cạnh nỗi lo 'cơm, áo, gạo, tiền' trong bối cảnh dịch Covid-19, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) trên địa bàn thành phố vẫn luôn canh cánh nỗi lo làm sao tìm được nhà trẻ, trường mầm non phù hợp để gửi con.

Bên cạnh nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" trong bối cảnh dịch Covid-19, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) trên địa bàn thành phố vẫn luôn canh cánh nỗi lo làm sao tìm được nhà trẻ, trường mầm non phù hợp để gửi con.

TP Hồ Chí Minh hiện có 17 KCX - KCN với tổng số lao động nữ hơn 174.000 người với 70% là người ngoài thành phố. Trong đó, có hơn 31% nữ công nhân nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ có 44 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập và 100 cơ sở ngoài công lập nhận giữ con công nhân. Do đó, tỷ lệ trẻ là con công nhân theo học trong các cơ sở GDMN công lập còn thấp. Ða số công nhân chấp nhận gửi con trong các nhà trẻ, cơ sở GDMN tư thục hoặc các nhóm trẻ gia đình. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm như: cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ… nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Nhiều vụ bạo hành đã xảy ra ở các cơ sở này, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục, làm cho công nhân thêm lo lắng. Không còn lựa chọn nào khác, có những công nhân phải gửi con về quê cho ông bà trông nom.

Những năm qua, các cấp chính quyền thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở GDMN đạt chuẩn tại các KCX - KCN và đã đón nhận hàng nghìn con công nhân vào học. Tuy nhiên, số lượng trường được thành lập vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu. Việc triển khai các dự án cơ sở GDMN vẫn gặp không ít trở ngại như: thiếu quỹ đất trong KCX - KCN để xây dựng nhà trẻ, cơ sở GDMN; cơ chế khuyến khích xã hội hóa giáo dục chưa rõ ràng, chưa tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở GDMN; doanh nghiệp chưa quan tâm quy hoạch, xây dựng nhà trẻ, cơ sở GDMN...

Thời gian tới, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó phải tổ chức công tác dự báo và quy hoạch mạng lưới nhà trẻ, cơ sở GDMN, bố trí ngân sách và huy động nguồn lực để xây dựng các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập phục vụ con công nhân. Thành phố tạo điều kiện cấp phép các cơ sở GDMN đủ điều kiện nuôi dạy trẻ. Cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo sự cân bằng về quyền lợi giữa các cơ sở GDMN công lập và tư thục, từ quyền lợi của trẻ, chế độ tiền lương cho giáo viên đến đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng biên chế giáo viên cho cơ sở GDMN để các cơ sở này có thể triển khai giữ trẻ ngoài giờ. Chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát nhà trẻ, cơ sở mầm non tư thục, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật, không bảo đảm điều kiện, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc cho trẻ.

ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-biet-dan-ban/giai-quyet-bai-toan-thieu-nha-tre-truong-mam-non-614625/