Giải quyết điểm nghẽn trong logistics

Là vùng kinh tế trọng điểm, TP Hồ Chí Minh xác định ngành dịch vụ logistics là ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Tuy nhiên, hiện ngành logistics đang vướng những điểm nghẽn, là rào cản để phát triển logistics đang cần được tháo gỡ.

Được kỳ vọng trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, trong đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến 2030, TP Hồ Chí Minh xác định ngành logistics đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố và phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 12%; Góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10% - 15%.

Lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái chiếm thị phần lớn sản lượng container XNK qua các cảng biển TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận chuyển, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng. Có thể thấy, chuỗi dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Vì vậy, phát triển hạ tầng logistics là tiêu chí quan trọng, là tiền đề cho việc tăng cường chuỗi liên kết Vùng, nâng cao giá trị hàng Việt trong chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó bao gồm hạ tầng giao thông và hệ thống Trung tâm logistics”, ông Nguyễn Công Luân – Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (XNK) – Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Về hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và XNK cho khu vực các tỉnh phía Nam. Riêng Cảng Cát Lái, là cảng container hiện đại, lớn nhất cả nước có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trong nước với thế giới, chiếm gần 90% thị phần sản lượng container XNK qua các cảng biển TP Hồ Chí Minh. Trung bình cảng đón khoảng 80-90 chuyến tàu/tuần, 16.400 lượt xe ôtô ra vào, thời kỳ cao điểm lên đến 20.000 lượt xe. Với tốc độ phát triển và sản lượng hàng hóa như vậy, cảng biển Cát Lái gần như đã hoạt động hết công suất, giao thông tại cầu cảng và đường bộ sau cảng luôn trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cảng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến chi phí logistics hàng hóa XNK.

Trong khi đó, tốc độ phát triển giao thông ở vùng Đông – Tây Nam Bộ hiện rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông quá tải. Tại TP Hồ Chí Minh, chưa có những đường cao tốc kết nối trung tâm Thành phố đến các nơi, thiếu những tuyến đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất đường trục chính để đáp ứng yêu cầu vận tải. Hệ thống cảng biển tốt nhưng đường kết nối xuống các cảng biển không đảm bảo nên việc khai thác cảng còn hạn chế. Riêng giao thông liên Vùng hiện cũng đang rất bất cập.

Đường Vành đai 2 rất quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh nhưng đến thời điểm hiện nay, chưa kết nối đồng bộ. Đường Vành đai 4 cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đường cao tốc liên Vùng, kết nối TP Hồ Chí Minh với các địa phương như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh – Dầu Giây cũng đang trong tình trạng ùn tắc, quá tải..., gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thương, vận chuyển hàng hóa 2 chiều giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh.

Còn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 2 kho hàng chính chuyên phục vụ hàng hóa XNK, nhưng giao thông ra vào cũng rất hạn chế, đặc biệt là cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn vào giờ cao điểm. Trong khi đó, các ga hàng hóa này cũng chưa được phát triển theo mô hình dịch vụ ga hàng hóa hàng không kéo dài để có thể tăng công suất phục vụ, thuận lợi cho việc gửi hàng…

Theo đề án “Phát triển logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt, Thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của Thành phố và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Trung tâm logistics Khu Công nghệ Cao (6ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn rà soát quy hoạch, lập quy hoạch phân khu 1/2000 chưa triển khai đầu tư. Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như: Kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các DN triển khai xây dựng.

Để phát triển lĩnh vực logistics trong thời gian tới, theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics, cùng với đó là cải thiện các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật liên quan đến hoạt động lưu thông hàng hóa gắn với nền tảng thông tin, thiết bị và công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động logistics; Thúc đẩy tính liên kết giữa các nền tảng thông tin logistics của các DN logistics và hệ thống thông tin DN để liên kết hiệu quả các bên tham gia khác nhau trong chuỗi cung ứng; Thực hiện công tác chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng logistics dùng chung phục vụ cho logistics 2 chiều từ Thành phố đến các vùng và ngược lại; Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các trung tâm logistics với các chức năng toàn diện liên quan đến lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường sự liên kết giữa các trung tâm logistics và các cơ sở sản xuất, các chợ đầu mối và các điểm phân phối, các trung tâm phân phối đầu vào, cũng như các trung tâm phân phối bưu điện, nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố...

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/giai-quyet-diem-nghen-trong-logistics-i678807/