Giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong thu hồi đất khai thác bô-xít

Năm 2018, huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông) có 106 hộ dân bị thu hồi đất để khai thác quặng bô xít. Việc giải phóng mặt bằng đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cần giải quyết dứt điểm để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’Lấp sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục kiểm kê nhà cửa, cây trồng, vật kiến trúc và tiến hành thu hồi 135 ha đất tại hai xã Nghĩa Thắng và Đắk Wer.

Đây là diện tích đất sẽ được bàn giao cho Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) khai thác bô xít để chế biến alumin.

Nhìn chung, người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các hộ dân kiến nghị ngành chức năng xem xét thu hồi toàn bộ diện tích đất, thay vì chỉ thu hồi theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bởi diện tích còn lại quá nhỏ, không đủ để canh tác, sinh sống và điều kiện đi lại cũng khó khăn.

Thêm nữa, người dân cũng kiến nghị đẩy nhanh việc xây dựng nhà tái định cư và có cơ chế linh hoạt cho các hộ bị thu hồi đất nhưng không có nhu cầu nhận nhà tái định cư.

Gia đình ông Nguyễn Chánh, thôn 13, xã Đắk Wer nằm trong khu vực thu hồi đất để phục vụ Dự án Khai thác Bauxit Nhân Cơ. Ảnh: baodaknong.org.vn

Gia đình ông Nguyễn Chánh, thôn 13, xã Đắk Wer nằm trong khu vực thu hồi đất để phục vụ Dự án Khai thác Bauxit Nhân Cơ. Ảnh: baodaknong.org.vn

Bà Nguyễn Thị Việt, thôn 13, xã Đắk Wer cho biết, gia đình bà có tất cả 2,8 ha đất. Theo kế hoạch, diện tích đất Nhà nước tính thu hồi là 2,1 ha. Mong mỏi của bà là Nhà nước thu hồi hết toàn bộ diện tích đất để gia đình có điều kiện đi chỗ khác lập nghiệp.

Bởi diện tích 0,7 ha còn lại không đủ để gia đình tiếp tục canh tác và sinh sống với nghề nông nghiệp; thêm nữa, việc đi lại khó khăn sau khi khu vực này bị thu hồi và tiến hành khai thác bô xít.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh thôn 13 chia sẻ, gia đình ông cũng như các hộ dân trong thôn đều đồng tình với việc của Nhà nước thu hồi đất để khai thác alumin vì quyền lợi quốc gia.

Tuy nhiên, ông mong muốn các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để gia đình ông nhận tiền và di chuyển đến nơi ở mới. Kế hoạch mua đất rẫy của gia đình ông có thể sẽ không thành nếu việc kiểm kê và đền bù chậm trễ như hiện nay.

Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đắk R’Lấp cho hay, ngoài 135 ha đất dự kiến thu hồi theo quy hoạch đã được phê duyệt, hiện tổng số đất người dân đề nghị thu hồi thêm ngoài quy hoạch gần 30 ha.

Ngành chức năng đang tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Việc thu hồi thêm cũng phát sinh chi phí khoảng 25 tỷ đồng. Trong khi diện tích người dân đề nghị thu hồi bổ sung không có trữ lượng bô xít đủ lớn, đủ chất lượng để khai thác.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng cũng chậm hơn dự kiến do việc xác định thời điểm xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc cũng gặp nhiều vướng mắc. Nguyên do là hầu hết đất đai thuộc diện thu hồi đều có nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng của người dân nên việc kiểm kê mất rất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết, xã vừa hoàn thành việc họp thẩm định thời điểm xây dựng nhà và vật kiến trúc. Hiện đang hoàn tất hồ sơ để công khai trước nhân dân. Dự kiến, xã sẽ tập trung và hoàn thành việc này trong tháng 10/2018.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh việc kiểm kê mất nhiều thời gian do số lượng người dân bị ảnh hưởng nhiều, chính quyền địa phương cũng lúng túng với các trường hợp người dân xây dựng nhà kiên cố theo chủ trương xây dựng nông thôn mới (Đắk Wer mới được công nhận năm 2018) nhưng theo quy định phải áp gia đền bù thấp do xây dựng nhà sau thời điểm công bố quy hoạch (2014). Đây là một điểm thiếu nhịp nhàng trong phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông mong muốn cấp có thẩm quyền sớm xác định thời điểm xây dựng nhà cũng như các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng để đơn vị tiến hành các thủ tục giải ngân cho các hộ dân. Hiện công ty đang lo lắng vì nếu việc giải phóng mặt bằng chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến quá trình khai thác bô xít và tiến độ, định mức sản xuất alumin thành phẩm mà Nhà nước giao.

Dự kiến giai đoạn năm 2019 - 2024, theo quy hoạch được trung ương phê duyệt, các ngành chức năng sẽ thu hồi thêm gần 600 ha đất tại huyện Đắk R’Lấp để khai thác quặng bô xít. Các vấn đề về tái định cư, thu hồi thêm đất ngoài quy hoạch cũng như việc kiểm kê, áp giá đền bù cần được thực hiện linh hoạt, tránh tạo ra các tiền lệ xấu, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như nhà đầu tư.

Hưng Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/giai-quyet-dut-diem-cac-vuong-mac-trong-thu-hoi-dat-khai-thac-boxit-20180928210116935.htm