Giải quyết tận gốc vấn đề mất an toàn thực phẩm

Ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

5 tháng xảy ra 36 vụ ngộ độc với hàng nghìn người mắc

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.138 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, có 6 người tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ năm ngoái).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Trong 36 vụ ngộ độc thực phẩm có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ ngộ độc những tháng đầu năm nay giảm nhẹ nhưng số vụ ngộ độc lớn với nhiều người mắc lại tăng.

Điển hình như vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng (ở tỉnh Đồng Nai) với 547 người mắc và đi viện. Vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tại Vĩnh Phúc với 438 người mắc và nhập viện…

Làm rõ nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Long cho biết, kết quả ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc; chiếm 30,6% tổng số vụ; 2 vụ ngộ độc xảy ra do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định được nguyên nhân.

Phó Cục trưởng Cục ATTP cũng chỉ rõ, để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật và có cả nguyên nhân chủ quan như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt...

Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận. Thậm chí, một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, do nhận thức và ý thức của một số người dân về bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt. Một số cơ quan, cơ sở còn buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào.

Thậm chí, một số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân. Việc phối hợp liên ngành trong truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm ở một số địa phương chưa thực hiện tốt.

Không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận, trong một số vụ ngộ độc vừa qua, dù có quy định về việc phải lưu mẫu, kiểm thực 3 bước, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhưng cơ sở không thực hiện.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cùng các sở, ban, ngành dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cùng các sở, ban, ngành dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.

Cùng với đó, quy định cơ sở phải có kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng vẫn còn tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo điều kiện ATTP vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát, yêu cầu dừng sản xuất kinh doanh.

Hay các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo ATTP rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế, an sinh xã hội.

Dẫn thực tế, Thứ trưởng cho hay, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp... Dựa trên tình hình thực tế, có 2 loại hình nguy cơ xảy ra ngộ độc thời gian qua, đó là thức ăn đường phố và bếp ăn khu công nghiệp, trường học.

“Chúng ta nỗ lực tăng cường công tác đảm bảo an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm để hướng đến mục tiêu hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc, xảy ra với quy mô nhỏ nhất, người mắc ít nhất, số người diễn biến nặng và tử vong thấp nhất, ảnh hưởng ít nhất đến sức khỏe người dân, an ninh, an toàn về an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Do đó, các địa phương cần tập trung giải quyết tận gốc vấn đề mất ATTP, không để “mất bò mới lo làm chuồng” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình chế biến suất ăn sẵn cùng các mặt hàng thực phẩm khác tại huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình chế biến suất ăn sẵn cùng các mặt hàng thực phẩm khác tại huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, trong đó tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-quyet-tan-goc-van-de-mat-an-toan-thuc-pham.html