Giải quyết vốn cho hộ nghèo vay sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm

Ảnh minh họa: Internet

Giải quyết vốn cho hộ nghèo vay sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm đang là vấn đề được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm. * Theo Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP.Cần Thơ: Từ đầu năm 2010 đến nay, chưa đầy 3 tháng, ngân hàng đã phát vay cho 85.835 hộ nghèo, hộ chính sách, sinh viên, học sinh với tổng số tiền trên 721 tỷ đồng, vượt kế hoạch quí I , tăng 10,5 tỷ đồng so với cuối năm 2009, trong đó các chương trình về cho vay giải quyết việc làm; sinh viên, học sinh vay vốn học tập; vay vốn xuất khẩu lao động; cho vay hỗ trợ về nhà ở; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm đều tăng so với quí I năm 2009. Đặc biệt, NHCSXH Thành phố Cần Thơ đã phát vay cho 377 hộ chuyển đổi nghề xe lôi, xe ba gác máy với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, đạt gần 80% số hộ có nhu cầu. Sau khi phát vay, các hội đoàn phối hợp tốt với NHCSXH nhận ủy thác và kiểm tra đôn đốc thu nợ đáo hạn nên số tiền phát vay chiếm 97,37% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm trong giới hạn cho phép. Cũng từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã xét duyệt, giải ngân 35 dự án với số vốn trên 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động, nâng tổng số dự án được xét duyệt, giải ngân lên 535 dự án, với tổng số vốn gần 19 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 5.650 lao động, tạo thêm nhiều mô hình sản xuất, dự án làm ăn hứa hẹn thắng lợi. * Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp và phát động Quỹ “tấm lòng vàng” xây dựng nhà ở cho người nghèo. Đến dự có bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Đây một hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vận động doanh nghiệp, cá nhân là con em quê hương Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương ở trong cả nước ủng hộ Quỹ "tấm lòng vàng" xây dựng nhà cho các hộ nghèo. Buổi phát động đã quyên góp được hơn 2,58 tỷ đồng tiền ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhiều cá nhân. Số tiền này sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở cho 154 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Cẩm Giàng là một trong những huyện tiêu biểu về xóa nhà tranh tre dột nát. Những năm qua, huyện đã huy động được hơn 10 tỷ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo, xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn. Được biết, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hải Dương chỉ còn hơn 6%. Năm 2010, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 5%. * Quảng Ngãi có 32.000 hội viên cựu chiến binh, trong đó hiện còn 6% hộ thuộc diện nghèo. Với mục tiêu để gia đình hội viên cựu chiến binh có đời sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư, Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu trong năm 2010 này sẽ xóa hết hộ nghèo và hộ có nhà ở tạm cho hội viên ở thành phố và các huyện đồng bằng, xóa hết hộ ở nhà tạm và 80% hộ nghèo ở các huyện miền núi, hải đảo. Để thực hiện mục tiêu này, các cấp hội cựu chiến binh trong tỉnh đã thành lập được 413 tổ tiết kiệm vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội, xây dựng 28 dự án vay vốn giải quyết việc làm và thành lập các tổ vay vốn quay vòng giữa các hội viên. Các tổ, hội đã huy động được số tiền trên 119,5 tỷ đồng cho trên 15 nghìn lượt hội viên vay và luân phiên mượn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua kiểm tra của các cơ sở hội, phần lớn hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả, số hội viên sử dụng vốn không có hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt là từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã góp thêm vốn của gia đình để thành lập được trên 300 doanh nghiệp hoặc xây dựng kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi, gần 2.400 hội viên sử dụng vốn để kinh doanh thương mại, dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Quảng Ngãi hiện có trên 9.000 hộ gia đình hội viên cựu chiến binh có mức sống khá, giàu so với mức sống trung bình ở khu dân cư, trên 2.500 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. * Đại hội lần thứ 2 nhiệm kỳ (2010-2015) Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định. Theo đó, trong nhiêm kỳ tới, Hội đề ra mục tiêu phấn đấu 100% các huyện, thành phố tổ chức Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, xây dựng các nhóm “tự lực” của người tàn tật; 100% người tàn tật được tiếp cận các dịch vụ y tế. Hàng năm đảm bảo có trên 50 người tàn tật có nhu cầu phẫu thuật chỉnh hình được Hội hỗ trợ kinh phí và phối hợp với các đơn vị y tế liên quan thực hiện; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 1.000 đến 1.500 người tàn tật; phối hợp với Sở Lao động-Thương binh&Xã hội xây dựng khoảng 60 nhà tình thương cho người khuyết tật, vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu, nuôi dưỡng khoảng 200 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trong nhiệm vừa qua, Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tặng hơn 3.500 suất quà, trao hơn 900 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, trao 50 xe đạp cho trẻ mồ côi vượt khó học giỏi... Bình Định có 32 ngàn người tàn tật, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi 3.689 em. Trẻ mồ côi có trên 10 ngàn em. Trình độ văn hóa của người tàn tật thấp, gần 36% không biết chữ, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đa số không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình và sự cưu mang của cộng đồng./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=395702&co_id=30361