Giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng một số đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Để đảm bảo tiến độ thực hiện triển khai dự án, ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 442/CĐ-TTg về giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nhà thầu triển khai xây dựng 1 cầu vượt tại địa phận thành phố Ninh Bình. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Nhà thầu triển khai xây dựng 1 cầu vượt tại địa phận thành phố Ninh Bình. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các hạng mục công việc, khởi công xây dựng một số gói thầu thuộc 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công; sơ tuyển nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư... và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.

Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (1.245 vị trí giao cắt đường điện phải cải tạo di dời, trong đó 125 vị trí cao thế, 369 vị trí trung thế, 751 vị trí hạ thế; ngoài ra còn có 25.436 m đường ống cấp nước các loại; 46.529 m cáp viễn thông các loại; 131 m đường ống xăng dầu).

Theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án chậm so với tiến độ yêu cầu; mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng cho 457,42 km/653,61 km chiều dài tuyến (đạt khoảng 70%).

Hầu hết các địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất ở đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư (Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang), khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, tuy nhiên hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. Vì vậy, nếu các địa phương, chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành giải phóng mặt bằng như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2020.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo UBND các cấp, sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể, xây dựng tiến độ chi tiết để hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong quý II/2020. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện hoàn thành 114 khu tái định cư trong quý II/2020 theo yêu cầu để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang). Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để thống nhất hoàn thành phương án đền bù, triển khai di dời các công trình bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, các địa phương có nhiệm vụ rà soát, chuẩn xác lại kinh phí giải phóng mặt bằng thực tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm, đáp ứng kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các tỉnh chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương, chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng cần di dời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao trong quý II/2020.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát kinh phí giải phóng mặt bằng thực tế tại các địa phương, trường hợp kinh phí này tăng vượt tổng mức đầu tư của Tiểu dự án giải phóng mặt bằng (bao gồm cả chi phí dự phòng) trong tổng mức đầu tư được duyệt, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét xử lý, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông, xăng dầu... thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình đẩy nhanh tiến độ công tác lập, phê duyệt phương án và triển khai thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý II/2020.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/giai-quyet-vuong-mac-trong-giai-phong-mat-bang-mot-so-doan-cao-toc-bacnam-phia-dong-20200416210747741.htm