Giải quyết xong Idlib, Nga-Iran tiến vào cuộc đối đầu 'sóng ngầm'?

Sau khi giành lại Idlib, sóng gió ở Syria có thể sẽ chưa kết thúc khi Nga và Iran sẽ tiến vào một cuộc chiến mới trong hậu trường.

Đầu tuần này, Nga đã tăng cường sức mạnh hải quân tới Địa Trung Hải.

Đầu tuần này, Nga đã tăng cường sức mạnh hải quân tới Địa Trung Hải.

Trước cơn "bão lửa"

Khi cuộc chiến ở Syria bước vào giai đoạn cuối cùng, một cuộc chiến khác đang chuẩn bị diễn ra. Đó là cuộc chiến để xác định ai là thế lực có ảnh hưởng lớn nhất ở Syria thời hậu chiến, theo Haaretz.

Cả Nga và Iran, hai đồng minh sát cánh với chính quyền Assad trong suốt cuộc nội chiến, đang hy vọng gặt hái những lợi ích từ chiến thắng cuối cùng của Damascus.

Mặc dù cả hai luôn là đối tác quan trọng ở Syria, lợi ích của Nga và Iran đôi khi có sự lạc dòng, đặc biệt khi cả hai đang chú ý đến quá trình tái thiết sắp tới của Syria.

Căng thẳng ở Syria leo thang vào đầu tuần này khi Nga điều lực lượng hải quân hướng tới bờ biển Syria và NATO chỉ trích Moscow vì những động thái mạnh mẽ lần này.

Các phương tiện truyền thông Nga gọi đây là đợt triển khai nhóm tàu chiến lớn nhất của Moscow kể từ khi nước này gia nhập cuộc xung đột Syria vào năm 2015.

Cũng trong thời điểm hiện tại, Tổng thống Syria Bashar Assad được cho là đang xem xét một cuộc tấn công vào Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi loạn.

Lực lượng hải quân Nga được gửi đến khu vực đồng thời vào lúc chính quyền Syria tuyên bố ký kết một thỏa thuận an ninh mới với Iran, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Iran tới Damascus vào đầu tuần này. Là một phần của thỏa thuận, Iran sẽ giúp xây dựng lại các ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng của Syria.

Nga và Iran đã hỗ trợ chính quyền Assad trong bảy năm qua. Trong thời gian đó, họ đã không đụng độ trực tiếp với nhau ở Syria, nhưng các quan chức Israel tin rằng hai nước đang mâu thuẫn với một số vấn đề liên quan đến tương lai của Syria.

Các hợp đồng tái thiết lại Syria mà cả hai nước đang cạnh tranh nhau sẽ có khả năng bao gồm cả các nơi trữ dầu của Syria. Một cuộc đối đầu hậu trường về việc ai sẽ gây dựng được ảnh hưởng nhiều nhất ở "Syria mới" hiện đã được tiến hành.

Trong khi đó, Mỹ có khả năng sẽ không tham gia vào cạnh tranh trong quá trình tái thiết ở Syria. Chính quyền Trump không có chính sách rõ ràng về tương lai ở Syria, ngoại trừ một nguyên tắc: Không chi tiền.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley, đã làm rõ điều này trong một bài diễn văn hồi đầu tuần tại Washington, giải thích rằng Nga và chính quyền Assad đang "sở hữu một đống đổ nát" ở Syria hiện tại.

Haley nói thêm rằng có lẽ Nga và chính quyền Assad mong đợi Mỹ sẽ dẫn dắt quá trình tái thiết Syria, nhưng "chúng tôi sẽ tránh xa nó".

Nga vẫn muốn hiện diện sâu đậm ở Syria.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá nếu như không có sự tham gia của Mỹ , “đống đổ nát” kia có thể biến thành nguồn lợi cho tương lai của Iran, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang bị áp lực vì lệnh cấm vận của Mỹ.

Tại Damascus, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã nói về cam kết của Iran đối với việc tái thiết Syria, dường như cũng ám chỉ một tính toán như vậy.

Một trong những mục tiêu của Tehran là tiếp quản ngành công nghiệp viễn thông của Syria, vốn đã bị hư hại trong chiến tranh, nhưng không bị phá hủy hoàn toàn.

Matthew Brodsky, một nhà phân tích Trung Đông ở Washington, gần đây đã công bố tình hình tài chính của chính quyền Assad, trong đó ông đề cập đến các thỏa thuận viễn thông giữa Iran và Syria đã được ký kết, giải thích rằng “ngành viễn thông rõ ràng là quan trọng đối với Iran về cả lợi nhuận tài chính lẫn tình báo. Các hợp đồng viễn thông của Hezbollah ở Lebanon cũng được chi trả rất lớn cho mục đích này”.

Brodsky cũng đề cập đến thỏa thuận giữa Iran và Syria, cho phép Iran phát triển các mỏ phosphate ở Syria, hợp đồng thuê khoảng 12.000 mẫu đất ở các tỉnh Homs và Tartous có thể được sử dụng để xây dựng các trạm dầu khí.

Một lợi ích tài chính khác cho Iran là việc chuyển giao đất nông nghiệp ở Syria, vốn bị bỏ lại bởi những công dân Syria đi tị nạn trong bảy năm qua.

Iran sẽ biến một số vùng đất này là nơi trú ngụ cho các lực lượng dân quân Shi'ite ủng hộ Iran, củng cố sự hiện diện ở Syria. Một số người ở Israel tin rằng những vùng đất này cũng sẽ có một số dự án xây dựng mới do các công ty Iran thực hiện.

“Người Nga không có ý định đưa Iran ra khỏi Syria"

Hai tuần trước, Ariane Tabatabai, một chuyên gia về Iran nói với Haaretz rằng mục tiêu đưa Iran ra khỏi Syria là không thực tế, nhất là khi quốc gia này đang muốn tìm kiếm lợi nhuận từ quá trình tái thiết. "Thật khó để nhìn thấy họ sẽ rời khỏi đó bằng bất cứ cách nào", bà nói. “Người Nga không có ý định đưa Iran ra khỏi Syria.

Người Iran có một sự hiện diện đáng kể ở Syria và Nga không có động lực để cố gắng và ép buộc họ ra ngoài. Các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ làm tăng sự quan tâm của Iran trong việc tìm kiếm thêm lợi nhuận.

Về phần mình, Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria để đảm bảo củng cố quyền lực của chính quyền Assad. Nhưng họ cũng có lợi ích chiến lược khác, chủ yếu duy trì tuyến đường tiến vào Địa Trung Hải thông qua cảng biển ở Tartous, miền bắc Syria.

Cuộc chiến ở Syria đã được coi như một chiến thắng chắc chắn dành cho chính quyền Assad. Nhưng bây giờ một cuộc đối đầu ở giai đoạn hậu chiến đã bắt đầu, và nó sẽ bao gồm sự cạnh tranh quyền lực giữa tất cả các bên khác nhau đang có ảnh hưởng ở Syria.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giai-quyet-xong-idlib-nga-iran-tien-vao-cuoc-doi-dau-song-ngam-a392183.html