Giải tỏa áp lực tâm lý ở lứa tuổi học đường

Áp lực tâm lý ở lứa tuổi học đường không phải là vấn đề mới. Hàng năm, trước các kì thi lớn vẫn có những trường hợp các em học sinh căng thẳng quá mức dẫn tới nhập viện hoặc có những hành vi tự gây hại cho bản thân.

Học sinh mệt mỏi trầm cảm vì áp lực học hành thi cử

Học sinh mệt mỏi trầm cảm vì áp lực học hành thi cử

Áp lực tâm lý ở lứa tuổi học đường - do đâu ?

Theo nghiên cứu tại một số trường về tỷ lệ lo âu trầm cảm trong giới học sinh cho thấy, 1/3 các em đang học trong các cấp học có nguy cơ bị trầm cảm. Càng học ở trường chuyên, lớp chọn thì áp lực, lo âu, trầm cảm của các em càng nhiều. Đặc biệt, trường hợp học sinh bị trầm cảm dẫn tới các hành vi tự gây hại cho bản thân đang có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra áp lực tâm lý cho các em học sinh chính là thành tích học tập (điểm số) và các mối quan hệ với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, xã hội….

Ở lứa tuổi dậy thì, học cấp 2, cấp 3 các em thường nhạy cảm với môi trường xung quanh; mong muốn thể hiện bản thân, làm những việc có nhiều sự thách thức, mạo hiểm. Các em có xu hướng tách khỏi sự kèm cặp của người lớn như thầy cô, bố mẹ.

Trong một số gia đình có con đang độ tuổi này, bố mẹ thường quá quan tâm về thành tích học tập, khắt khe với con cái về các mối quan hệ tình cảm bạn bè hoặc ngược lại quá buông lỏng, không kiểm soát sinh hoạt của con…Điều này vô tình gia tăng những áp lực tinh thần cho trẻ, khiến cho mối quan hệ của bố mẹ và con cái xấu đi, các em không thể tâm sự với bố mẹ, không tìm được môi trường để giải tỏa căng thẳng tâm lý.

Bên cạnh đó, giáo viên và chính bạn bè cũng tạo cho trẻ những áp lực. Trong lớp, những học sinh học giỏi sẽ được thầy cô khen ngợi, bạn bè ngưỡng mộ. Điều này khiến các em cho rằng thành tích học tập là thước đo đánh giá giá trị của bản thân.

Em H.M.T (lớp 10) trường THPT Lý Tự Trọng (Khánh Hòa) chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ, em đều là học sinh xuất sắc, luôn đứng top đầu trong lớp và tham gia các kì thi học sinh giỏi, ba mẹ, thầy cô rất tự hào và kì vọng nhiều vào em. Nhưng chính vì vậy từ lúc bắt đầu lên cấp 3, em thường lo sợ việc điểm số kém đi, thua kém bạn bè, bị bạn bè, thầy cô cười chê và bị bố mẹ nhắc nhở chuyện học hành. Đôi lúc, em muốn làm gì đó khiến mình bị thương, đau đớn để không phải học và bố mẹ quan tâm chăm sóc mình chứ không phải đốc thúc học ngày đêm nữa.”

Thêm vào đó, yếu tố mạng xã hội phát triển ngày nay càng khiến các em mơ hồ, hoang mang về vị trí, ý nghĩa tồn tại của mình trong xã hội.

Em N.T.H (lớp 12) trường THPT Lý Tự Trọng (Khánh Hòa) tâm sự: “ Đôi lúc em rất buồn và thất vọng, tự hỏi vì sao mình không được như bạn A, bạn B. Xem các bạn khoe trên facebook, gia đình vừa có điều kiện, bạn học giỏi, dễ thương, được bạn bè, thầy cô quý mến mà bố mẹ lại còn tâm lý. Em thấy tự ti, mặc cảm, sợ rằng mình không làm nên tích sự gì.”

Tất cả những điều đó đã trở thành áp lực đè nặng lên tâm lý non nớt của các em, nhiều em không thể chịu đựng nổi đã dẫn đến những hành động tiêu cực, tự hủy hoại bản thân.

Làm gì để giải tỏa áp lực cho các em ?

Xét theo những nguyên nhân gây ra áp lực tâm lý cho học sinh, nhận thấy cần thiết phải có những biện pháp để xóa đi nỗi ám ảnh về thành tích và điểm số đối với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Bố mẹ cần quan tâm lắng nghe và giải tỏa tâm lý cho con cái

Việc giáo dục chạy đua theo thành tích đang gây ra những hệ lụy không nhỏ. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố và kết quả rà soát của Bộ GD& ĐT, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo; gây áp lực cho cả thầy và trò.

Để giảm áp lực cho học sinh và giáo viên, Bộ GD và ĐT yêu cầu các Sở GD và ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh. Các em sẽ không còn phải chạy theo những cuộc thi vừa áp lực, vừa xáo trộn thời gian học tập.

Nhà trường và giáo viên nên quan tâm hơn tới tâm lý học sinh. Tập trung vào giáo dục tâm hồn, nhân cách của trẻ chứ không đơn thuần chạy theo những thành tích bề nổi. Tạo cho trẻ môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, phát triển cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Mặt khác, yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giảm áp lực cho trẻ đó là yếu tố gia đình, các bậc bố mẹ nên đồng hành, tôn trọng, lắng nghe và tin tưởng ở con mình.

Anh H.V.Đ (phụ huynh của em T) cho biết: “Tôi không gây bất cứ áp lực gì cho con. Nhưng là một người cha khi con mình đạt được thành tích cao, tôi rất tự hào và thường xuyên khen con, khoe con với người này người kia. Có thể vì thế mà cháu cảm thấy buộc phải đạt kết quả học tập cao và bị áp lực. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và trò chuyện để giải tỏa cho cháu.”

Thực tế, bố mẹ không thể giảm áp lực của con cái, nhưng có thể làm tăng nội lực của đứa trẻ. Ngay từ nhỏ, bố mẹ đã phải xây dựng cho con có lòng tự trọng để con hiểu rằng dù con không mạnh ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, nhưng con vẫn là đứa trẻ có giá trị, mọi người vẫn yêu quý con. Trước những vấn đề của cuộc sống, thay vì chỉ trích hay áp đặt, yêu cầu con phải làm thế này thế kia, bố mẹ nên đưa ra những lời khuyên, định hướng đúng đắn và trao quyền quyết định cho con cái.

Sự quan tâm, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giảm áp lực học đường sẽ giúp các em giải tỏa được gánh nặng tâm lý, xóa đi những hành động, hệ quả không đáng có ở lứa tuổi học sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu con trẻ được vui chơi, học tập trong môi trường không bị chi phối, áp lực tinh thần thì bản thân các em sẽ phát triển và hoàn thiện tốt hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giai-toa-ap-luc-tam-ly-o-lua-tuoi-hoc-duong-3957917-v.html