Giải tỏa gánh nặng nợ xấu

Nợ xấu sau nhiều năm vẫn là gánh nặng nhức nhối đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Dù đã sử dụng nhiều giải pháp, song nợ xấu thực tế vẫn chưa thể được giải quyết triệt để. Những vướng mắc về mặt cơ chế và pháp lý đang trở thành rào cản lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay.

Rào cản cơ chế

Theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm 30-9-2012 là 17,21%. Với sự quyết tâm cao, giải pháp mạnh, hành động quyết liệt thì từ thời điểm đó đến hết năm 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý hơn 611 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Kết hợp với giải pháp bán nợ cho các tổ chức, cá nhân, nợ xấu được kiềm chế và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2-2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, số nợ xấu hiện vẫn đang nằm trong bảng cân đối của các TCTD và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đang chiếm một tỷ lệ khá cao. Theo báo cáo mới nhất của các TCTD (đến tháng 9-2016), tổng số nợ xấu của các TCTD trong nội bảng và bao gồm cả nợ bán cho VAMC vào khoảng 400 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8% trên tổng dư nợ. Nếu cộng cả những khoản nợ tiềm ẩn (nhóm 4, 5) đã được chuyển đổi, tái cơ cấu theo Quyết định 780, Thông tư 02 của NHNN, thì nợ xấu lên tới hơn 600 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,8% trên tổng dư nợ tín dụng.

Trong nhiều năm, với nhiều giải pháp và hành động quyết liệt, nhưng số nợ xấu vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu đều liên quan nhiều đến luật hiện hành. Do đó, để tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc này và thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, cần thiết phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới bảo đảm tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: Ðến thời điểm này, không chỉ có ngân hàng, giới đầu tư, các chuyên gia mà Chính phủ, Quốc hội cũng nhận thấy cần thiết phải ban hành một nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu và cần được xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này. Lý do về sự cần thiết đó, trước hết là dù có bước tiến, nhưng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa đủ thực chất, vấn đề nợ xấu còn nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy xấu đến nền kinh tế. Thứ hai là, càng xử lý chậm, phí tổn phát sinh càng cao. "Phải khẳng định rằng, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu rất khó khăn không chỉ do vấn đề nội tại nền kinh tế mà cả về nguồn lực. Song có lẽ khó khăn lớn nhất là nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cùng việc có được một khung khổ pháp lý thích đáng", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Pháp chế (NHNN) Ðoàn Thái Sơn, thời gian qua, mặc dù được sửa đổi, bổ sung thường xuyên, nhưng hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về kinh tế nói riêng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là các quy định về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD. Bất cập của hệ thống pháp luật và các vướng mắc nảy sinh trong việc thi hành các quy định pháp luật làm cho cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD hoạt động kém hiệu quả, hệ thống cưỡng chế thi hành các thỏa thuận, hợp đồng không được xây dựng, vận hành có hiệu quả, chưa thật sự là chỗ dựa tin cậy cho các bên liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Minh chứng cụ thể về bất cập trong xử lý tài sản bảo đảm (TSBÐ), Chủ tịch HÐQT Vietcombank (VCB) Nghiêm Xuân Thành cũng cho rằng: Ðến thời điểm này, VCB đang có hơn 790 vụ án chuyển qua tòa xử lý. Việc xử lý TSBÐ, bên cạnh nguyên nhân từ sự thiếu hợp tác của khách hàng thì những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về tài sản thế chấp đã làm giảm hiệu quả xử lý TSBÐ của TCTD. Ðiều 63 Nghị định 163/2006/NÐ-CP quy định bên nhận thế chấp được quyền thu giữ tài sản thế chấp khi bên giữ tài sản không chịu giao tài sản thế chấp mặc dù đã quá thời hạn trong thông báo về xử lý tài sản thế chấp đã nhận được. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ TSBÐ của bên nhận bảo đảm. Ðiều này gây khó khăn rất lớn đến việc bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm bởi khách hàng thường có thái độ chống đối, chây ỳ, bất hợp tác. Khi đó, bên nhận bảo đảm phải khởi kiện khách hàng ra tòa án, ảnh hưởng nặng nề tới tiến độ và hiệu quả thu hồi nợ.

Nhiều ý kiến của giới ngân hàng cũng như luật sư, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cùng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền xử lý TSBÐ của các TCTD cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBÐ của cơ quan tư pháp các cấp. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu bằng việc ban hành một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Ðảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017, thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường Tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18. Ðồng thời, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành năm 2016 là 15.949 vụ việc với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là gần 60 nghìn tỷ đồng.

Số lượng nợ xấu lớn đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. Trong tình huống này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về một số vấn đề kinh tế xã hội lần đầu tiên đã có lưu ý về bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ nợ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan chuyên môn đã dự thảo một văn bản pháp quy để xử lý tình huống đột xuất này.

TS Nguyễn Ðức Kiên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33003002-giai-toa-ganh-nang-no-xau.html