Giải trình thuyết phục hơn cho đề xuất tăng tuổi phục vụ của sĩ quan, công nhân công an

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, công nhân công an.

Tăng tuổi phục vụ của sỹ quan, công nhân công an theo lộ trình phù hợp

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, khoản 1 Điều 30 của Luật Công an nhân dân hiện hành được sửa đổi, bổ sung theo hướng: bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Chính phủ cũng xác định lộ trình tăng tuổi phục vụ của công an là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Chính phủ cũng đề xuất, thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021, không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thay vì từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Chính phủ sẽ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Bên cạnh đó, tại Điều 30 cũng sửa đổi, bổ sung một số khoản khác theo hướng nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành về nội dung này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Hồ sơ dự án Luật theo Tờ trình số 146/TTr-CP về cơ bản bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Một số ĐBQH tán thành với việc nâng độ tuổi phục vụ cao nhất đối với sỹ quan, công nhân công an, nhưng cũng đề nghị cần xem xét kỹ vấn đề này để bảo đảm có sự đồng bộ, không chênh lệch về tuổi phục vụ của các ngành nghề. Thực tế, hiện nay cử tri đang đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng giáo viên, trong đó có đội ngũ giáo viên mầm non; còn bên Quân đội thì tuổi nghỉ hưu lại đang quá sớm…

Có thực sự phù hợp với quy định tại Bộ luật Lao động?

Về đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, công nhân công an, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, kéo dài tuổi phục vụ "nghe rất mông lung", nếu kéo dài thì có thể tận dụng, phát huy được chất xám, kinh nghiệm, nhưng đề nghị chỉ kéo dài ở vị trí chuyên môn, không nên ở vị trí quản lý. Thực tế, ngành công an là ngành nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều người có thể không muốn làm việc kéo dài, do đó đề nghị cân nhắc vấn đề này. Tương tự như những ngành nghề khác cũng vậy, nếu kéo dài tuổi làm việc thì chỉ nên ở vị trí chuyên môn.

Tại Khoản 3, Điều 30 của dự thảo Luật quy định cấp úy, thiếu tá, trung tá, thượng tá giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể kéo dài tuổi phục vụ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Với quy định này, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, cần cân nhắc, vì căn cứ kéo dài thời gian phục vụ rất định tính. Có ai khẳng định được sức khỏe để làm thêm một số năm nữa? Việc giỏi chuyên môn, nghiệp vụ cũng là những quy định định tính, dễ bị lợi dụng; điều kiện tự nguyện thì chắc chắn nhiều người tự nguyện; đủ phẩm chất thì đa số lực lượng công an đều đáp ứng? Có nên quyết định kéo dài thêm tuổi trong khi đang thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ, lực lượng?

Theo ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), hồ sơ dự án Luật chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng là công nhân công an. Thực tế, qua tiếp xúc cử tri ghi nhận nhiều ý kiến, nhất là công nhân, giáo viên, những người công tác trong lĩnh vực đặc thù, nặng nhọc đều không mong tăng tuổi nghỉ hưu. Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người lao động đều kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu, nhưng trong dự án Luật này lại kiến nghị tăng tuổi hưu. Đại biểu cho rằng, cần lý giải thuyết phục cho các đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, và trong quá trình xây dựng chính sách cần hài hòa nhu cầu, lợi ích của người lao động.

Nếu được chấp thuận, Chính phủ đề xuất thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, công nhân công an từ 1.1.2021 để tương thích với thời điểm Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành. Phân tích đề xuất này, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dù rằng quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Lao động, nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ với trường hợp có hiệu lực trở về trước, thì không được quy định trách nhiệm nặng hơn với đối tượng chịu tác động. Trong trường hợp này cần giải trình thêm về việc đây có phải trách nhiệm pháp lý nặng hơn không, kéo dài thời gian lao động có gây áp lực, tăng vất vả với nữ công an nhân dân không? Người có khả năng đóng góp thì họ muốn làm việc thêm, nhưng với quy định này có người sẽ thấy phải lao động thêm, tăng trách nhiệm phục vụ của mình hay không? Những vấn đề này đều phải có khảo sát, đánh giá kỹ càng, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị.

Thực tế cho thấy, công nhân công an có thể có những ngành nghề khác nhau, được sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc, yêu cầu cần trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, có chứng chỉ nghề sơ cấp, trong những việc làm này có thể có những vị trí đặc thù với môi trường đặc biệt. Trong khi đó, một số ĐBQH chỉ rõ, khoản 3, khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, từ phân tích của các ĐBQH trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật này cho thấy, quy định "cứng" về việc nâng độ tuổi phục vụ của sỹ quan, công nhân công an như đề xuất của Chính phủ có nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn. Chính phủ báo cáo thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, đánh giá tác động về sức khỏe, tính công bằng khi thực hiện chính sách trong lực lượng công an nhân dân trước khi dự án Luật được Quốc hội thảo luận tại phiên họp ở hội trường ngày 2.6 tới.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giai-trinh-thuyet-phuc-hon-cho-de-xuat-tang-tuoi-phuc-vu-cua-si-quan-cong-nhan-cong-an-i330578/