Giải trình về sách giáo khoa: Điều Bộ Giáo dục chưa nói

Trong báo cáo giải trình, Bộ GD-ĐT chưa giải thích được vì sao SGK không dùng lại được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo giải trình Quốc hội về chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa (SGK) gây dư luận vừa qua.

Lý giải về việc in bài tập vào SGK dẫn đến SGK chỉ dùng một lần, lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, báo Người lao động dẫn báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định, khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu những kinh nghiệm về SGK của quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách; đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận trong danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là SGK bán kèm theo. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, vì NXB Giáo dục Việt Nam phát hành SGK không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là "SGK bài tập" bắt buộc học sinh phải mua như SGK.

Bộ GD-ĐT khẳng định khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu những kinh nghiệm về SGK của quốc tế. Ảnh minh họa

Bộ GD-ĐT khẳng định khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu những kinh nghiệm về SGK của quốc tế. Ảnh minh họa

"Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và không phê duyệt danh mục sách bổ trợ, sách tham khảo đi kèm SGK. Đồng thời chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ cho ngành là mục tiêu hàng đầu, tức là phải bảo đảm cung ứng SGK theo các mục tiêu: sách phải đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK", Bộ GD-ĐT cho biết.

Cũng theo Bộ này, để khắc phục thực trạng SGK chỉ dùng được một lần, Bộ vừa ban hành chỉ thị chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản tốt SGK, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội...

Bộ GD-ĐT cũng sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.

Nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản bảo đảm SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.

Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh.

Như vậy dù giải thích và đưa ra một số biện pháp nhưng nội dung quan trọng nhất mà người dân và các ĐBQH đã hỏi thì Bộ GD-ĐT lại chưa trả lời được trong báo cáo giải trình, đó là tại sao SGK lại không dùng lại được? Tại sao năm nào học sinh cũng phải mua mới và làm bài tập luôn vào SGK.

Trước đó, trước phản ứng gay gắt của người dân và các ĐBQH về việc SGK dùng một lần gây lãng phí, vào tháng 9/2018, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chính thức lên tiếng thừa nhận có sự lãng phí này.

Tuy nhiên, ông Độ lại cho rằng, việc viết vào sách giáo khoa không phải là chủ trương của Bộ mà là do giáo viên và học sinh.

"Tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí dư luận phản ánh", ông Độ nói.

Ông Độ cũng khẳng định: “Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD-ĐT xác định: sách giáo khoa cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội.”

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, trong sách của giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục hôm 12/9, phân tích về sự lãng phí, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng: Năm học 2018-2019, NXB Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa và100 triệu bản SGK này sang năm hoàn toàn không được sử dụng mà “nếu có thì là bán đồng nát”.

“Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ để mua SGK. Học sinh tiểu học ít nhất phải mua 6 cuốn, mỗi cuốn 45-78.000 đồng ; cấp trung học cơ sở 7-15 cuốn, mối cuốn 97.000 – 144.000 đồng”, bà Hải nêu.

Đáng chú ý, theo Trưởng ban Dân nguyện, những quyển sách đó chỉ sử dụng được 1 lần là do có phần bài tập đi kèm hoặc các ô trống để học sinh điền vào chứ không có nội dung gì khác năm trước. Sang năm tái bản cũng lại vẫn như vậy. Trước đây, học sinh làm vào vở bài tập nên quyển sách đó vẫn dùng lại được cho các năm sau.

“Vấn đề này cử tri theo đuổi, nói rất nhiều, bản thân đại biểu Quốc hội, bản thân tôi cũng đã đề xuất cả với Bộ trưởng khóa trước và Bộ trưởng khóa này rất nhiều lần. Đề nghị sửa đổi luật này, các đồng chí cần quan tâm”, bà Hải nói.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giai-trinh-ve-sach-giao-khoa-dieu-bo-giao-duc-chua-noi-3367207/