“Giảm béo thần kỳ” và mặt trái

Ngày nay, không chỉ hàng công nghệ, hàng tiêu dùng, quần áo, mỹ phẩm, mà chế độ ăn kiêng cũng phải nhập ngoại mới... đáng tin. Khỏi phải nói, chị em vô cùng thích thú với "mặt hàng"này. Cho dù các chuyên gia dinh dưỡng không ngừng khuyên nhủ chị em tập thể dục để gìn giữ vóc dáng, nâng cao sức khỏe nhưng dường như không "ăn thua" so với sức hút của những thực đơn ăn kiêng, đặc biệt là phương pháp giảm béo low-carb. Người người, nhà nhà rủ nhau "giảm béo thần kỳ", nhưng sự thật thì low-carb có đáng tin?

Giảm béo không áp lực

Cho đến thời điểm này, nhiều ý kiến còn thắc mắc vì sao chế độ ăn kiêng low-carb được nhiều chị em "ngưỡng mộ". Có thể giải thích nôm na thế này: Đây là phương pháp giảm cân được yêu thích nhất bởi nó có một thực đơn ăn uống đa dạng nên không phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi như các phương pháp khác mà kết quả cũng rất khả quan. Hơn nữa, sự khác biệt lớn nhất của low-carb với các phương pháp giảm béo khác là không bị tình trạng béo phì trở lại và không phải nhịn, giảm ăn. Vấn đề ở chỗ, nếu muốn có được kết quả như mong muốn thì bạn cần hiểu rõ về low-carb.

Có thể nói, những "tín đồ" low-carb đều "kỳ thị" tinh bột và đường - những thủ phạm gây béo phì. Tất nhiên, họ cũng dựa vào những cơ sở đáng tin cậy. Những nghiên cứu của các trường đại học (Mỹ), viện nghiên cứu lớn và uy tín trên thế giới kèm theo khảo sát từ hàng triệu người bị béo phì... cho thấy, thừa tinh bột, đường (chất ngọt) mới là nguyên lý gây ra béo phì và các loại bệnh tật của xã hội loài người. Chất đạm, chất béo không phải là tác nhân gây ra các loại bệnh như gút, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp...

Chị em cũng khó mà cưỡng nổi chế độ low-carb tuyệt vời với thực đơn hoàn toàn linh hoạt và phong phú cùng các loại thịt, rau xanh được chế biến đa dạng như thịt quay, nướng, hầm, luộc; các loại hải sản; rau xào, luộc miễn là không tẩm ướp đường và tinh bột.

Ở Việt Nam, nhiều "tấm gương" béo phì đã lấy lại vóc dáng chuẩn nhờ low-carb được "hô hào" lại càng khiến chị em đứng ngồi không yên.

Vội vã mà không hiểu nguyên lý

Cũng giống như nguyên lý của việc dùng thuốc, người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng nếu không muốn phản ứng "ngược", chế độ ăn kiêng low-carb cũng vậy, muốn thành công, bạn cần hiểu biết về thực phẩm, nắm được nguyên lý, có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị thực đơn để có thể chủ động và quan trọng là phải hết sức kiên trì!

Khi chuyển sang một chế độ ăn uống mới như low-carb, bạn cần phải biết phân tích các thành phần món ăn, những món ăn, đồ uống không chứa đường và tinh bột, bao gồm cả gia vị chế biến. Điều này có nghĩa là bạn phải có sự hiểu biết tối thiểu về cách đọc thành phần thực phẩm. Ví dụ, khi cầm một hộp mayonaise lên thì ở đằng sau hay ở đáy hộp có ghi thành phần carbohydrate, protein, fat. Bạn chỉ cần quan tâm tới phần thông số carbohydrate mà thôi.

Dù không phải chuyên gia sức khỏe thì những ai không bị cuốn theo trào lưu giảm béo cũng sẽ ý thức được khái niệm cân bằng trong dinh dưỡng. Theo sơ đồ dinh dưỡng hình tháp, những chất cần phải nạp cho cơ thể chia thành 6 nhóm: nhóm tinh bột; nhóm rau củ; nhóm trái cây; nhóm sữa; nhóm thịt cá; nhóm chất béo, đường muối. Tùy vào từng độ tuổi, tháp dinh dưỡng sẽ có sự thay đổi tỷ lệ.

Tháp dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nhìn vào chế độ "giảm béo thần kỳ" low-card thì nhóm tinh bột thực sự bị... "kỳ thị". Do vậy, rất nhiều ý kiến khác vẫn kiên định cho rằng low-carb là chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, khiến cơ thể suy nhược, nồng độ cholesterol tăng. Cùng với việc tiêu thụ quá ít đường, người ăn low-carb cũng bị giảm chức năng não bộ, đầu óc luôn lơ mơ, không hoạt động trí não bình thường được.

Đáng sợ hơn, nhiều người còn cho rằng low-carb chỉ có thể áp dụng trong 1, 2 năm đầu và sau đó dễ gây hiện tượng béo phì trở lại. Một khi người từng theo low-carb tái béo phì thì không loại thuốc nào có thể chữa được. Người theo chế độ low-carb thường dễ chóng mặt, mệt mỏi trong thời gian đầu thực hiện, vì vậy họ thường xuyên nhận được lời khuyên nên bổ sung các loại vitamin tổng hợp kết hợp với tập luyện thể dục thể thao.

Chế độ low-carb nghe có vẻ dễ dàng nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Có nhiều lý thuyết khác nhau về low-carb nhưng thông thường, những người theo low-carb ăn theo chế độ liên tục trong 3 tuần. Sau 3 tuần này, họ có 2 ngày ăn "thả cửa" những gì họ muốn và từ đó về sau cứ 5 ngày ăn low-carb lại 2 ngày ăn thoải mái. Tuy nhiên, không phải loại rau, quả nào cũng được dung nạp. Những loại hoa quả có chứa đường và tinh bột như chuối, dưa hấu, dứa... đều không nằm trong thực đơn low-carb. Trong khi đó, ở những thực đơn ăn kiêng khác, chuối lại là thực phẩm "thần kỳ" giúp giảm béo!

Những tranh cãi về low-carb vẫn chưa có hồi kết. Suy cho cùng, điều thần kỳ cũng có mặt trái của nó, giống như bên cạnh những trường hợp béo khỏe béo đẹp thì cũng không ít trường hợp béo xấu, béo bệnh. Thậm chí, sở hữu một thân hình chuẩn như người mẫu cũng không hẳn tốt bởi về sau này, cơ thể bạn có thể bị suy nhược bởi chế độ ăn kiêng dài hạn. Hãy tìm hiểu kỹ càng những nguyên lý về dinh dưỡng trước khi áp dụng phương pháp "giảm béo thần kỳ".

Đặng Hoàng Hưng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130906034223820p59c118/giam-beo-than-ky-va-mat-trai.htm