Giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án này được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong đó, đề án đưa ra các nội dung cải cách như: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra: Chặt, thông thường, giảm để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra…

Một trong những nội dung cải cách đáng chú ý của mô hình mới là áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa; thay đổi cách tiếp cận từ kiểm tra chất lượng theo hàng hóa gắn với chủ hàng sang kiểm tra chất lượng theo hàng hóa. Nội dung cải cách này được thể hiện qua việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm. Chẳng hạn, hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, có cùng tên gọi, mã số hồ sơ và giống nhau về mọi phương diện đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (không phân biệt nhà nhập khẩu) được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ).

Số liệu được đưa ra tại một cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây cho thấy, tỷ lệ tờ khai KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu đã giảm dần theo từng năm: tỷ lệ tờ khai KTCN/tổng số tờ khai trong các năm 2015 - 2018 lần lượt là 25,93%; 23,24%; 20,36%; 20,19%. Riêng năm 2019, tỷ lệ này còn 19,1%. Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng KTCN vẫn tồn tại những bất cập như: danh mục mặt hàng KTCN còn nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng thấp (chỉ từ 0 - 0,47 %); việc áp dụng quản lý rủi ro chưa phát huy tính hiệu quả; có mặt hàng vẫn còn 2-3 cơ quan kiểm tra gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, những điểm cải cách nổi bật trong đề án, nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, được ví như cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ví dụ như, việc thực hiện đề án giảm thời gian của doanh nghiệp đến cơ quan có chức năng kiểm tra (tối thiểu giảm được 2 ngày cho 1 lô hàng). Đặc biệt, khi cơ quan hải quan tích hợp được dữ liệu về kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa để áp dụng cho lô hàng sau này thì sẽ giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra rất lớn.

Tuy vậy, việc triển khai đề án này phải đi kèm với hoạt động xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Bởi vì hoạt động KTCN giao cho Tổng cục Hải quan làm đầu mối không có nghĩa Tổng cục Hải quan làm toàn bộ những khâu kiểm tra và đánh giá chất lượng, mà trở thành đầu mối trong công tác tổ chức hoạt động đó; lực lượng tham gia vào khâu KTCN và đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa cần được đẩy mạnh xã hội hóa. Cùng với đó là có sự phân định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan với trách nhiệm của tổ chức KTCN của các bộ, ngành.

QUANG MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-chi-phi-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-686492.html