Giám định buộc Grab bồi thường Vinasun hơn 41 tỷ đồng là không hợp lý

Theo công ty kiểm toán độc lập, việc Cửu Long tính toán thiệt hại yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng cho Vinasun là bất thường, không có cơ sở.

Trong tất cả các phiên tòa xử vụ kiện Vinasun - Grab, công ty Cửu Long đều vắng mặt.

Trong tất cả các phiên tòa xử vụ kiện Vinasun - Grab, công ty Cửu Long đều vắng mặt.

Theo đơn khởi kiện Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu GrabTaxi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 do Grab vi phạm Luật cạnh tranh. Kết quả về thiệt hại của Vinasun được giám định bởi Công ty Cổ phần thẩm định - giám định Cửu Long (sau đây gọi tắt là TĐGĐ Cửu Long) đơn vị độc lập được tòa chỉ định.

Trong suốt quá trình xét xử, Grab nhiều lần khẳng định kết quả giám định sai lầm nghiêm trọng và yêu cầu cần tranh luận với TĐGĐ Cửu Long – đơn vị tư vấn giám định thiệt hại của Vinasun (nếu có). Tuy nhiên, trong tất cả các phiên tòa xử vụ kiện Vinasun - Grab, TĐGĐ Cửu Long đều cáo vắng.

Grant Thornton, công ty kiểm toán độc lập có uy tín trên quốc tế đã chất vấn Vinasun tại phiên xử về dữ liệu mà họ cung cấp cho Cửu Long để tính toán những thiệt hại (nếu có) của họ. Theo công ty này, việc tính toán giám định về thiệt hại của Vinasun yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng là bất thường và không có cơ sở.

Cách tính toán thiệt hại của Vinasun trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/06/2017 của TĐGĐ Cửu Long là lấy tổng giá trị thiệt hại của Vinasun do hoạt động của Grab tại Việt Nam bằng tổng số xe đăng ký chạy Grab hoặc tổng số xe đăng ký chạy Grab và Uber (chỉ riêng ngày 30/6/2017) nhân với các chi phí liên quan đến xe taxi nằm bãi cộng với giảm vốn hóa thị trường để cho ra kết quả chi phí khấu hao cộng lãi suất khấu hao cộng các chi phí khác hoặc giá sổ sách - giá thị trường của cổ phiếu (riêng ngày 30/6/2017) nhân với tổng số cổ phần sở hữa của các cổ đông.

Trong khi đánh giá của Công ty kiểm toán và dịch vụ chuyên nghiệp độc lập Grant Thornton cho rằng không cần suy xét đến bất cứ yếu tố hoặc lựa chọn di chuyển thay thế nào khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vinasun. Thay đổi hành vi di chuyển của người dùng có thể do người dùng chọn đi bộ, đi xe đạp, đi xe buýt hay tự lái xe thay vì đi taxi hoặc thậm chí chuyển nhà đến gần nơi làm việc hơn để giảm thời gian di chuyển. Các yếu tố nội tại ảnh hưởng đến thương hiệu Vinasun như dịch vụ khách hàng, chất lượng phương tiện, trải nghiệm người dùng, phúc lợi cho tài xế…

Trong suốt quá trình xem xét báo cáo giám định thiệt hại, Grant Thornton đánh giá Cửu Long có 2 sai lầm cơ bản và quan trọng nhất khi tính toán toàn bộ thiệt hại mà Vinasun cho rằng bị gây ra do hoạt động kinh doanh của Grab.

Việc sụt giảm giá trị vốn hóa của Vinasun bao gồm tổng giá trị cổ phiếu sở hữu bởi các cổ đông trong công ty không phải là minh chứng cho thấy thiệt hại thực tế của Vinasun. TĐGĐ Cửu Long áp dụng phương pháp này mà không dẫn chứng được bất kỳ tiêu chuẩn kiếm toán nào để làm bằng chứng. Tính toán con số sụt giảm dựa trên chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá vốn thị trường của Vinasun tại một thời điểm cụ thể (ngày 30/6/2017) chứ không cần tính toán dựa trên toàn bộ một quãng thời gian cần xem xét.

Theo Grant Thornton, giá trị cổ phiếu của một công ty thay đổi liên tục theo ngày và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vi mô và vĩ mô bao gồm cả chất lượng cổ phiếu và kỳ vọng của nhà đầu tư. Vì vậy rất vô lý nếu Grab phải chịu trách nhiệm cho những biến động trên thị trường của các doanh nghiệp khách bao gồm cả Vinasun.

Giả định rằng hoạt động kinh doanh của Grab là nguyên nhân duy nhất làm xe taxi Vinasun nằm bãi thì đây cũng là giả định không hợp lý vì việc đánh giá không xem xét đến nhiều yếu tố phụ trợ khác như: xe cũ chờ được sửa chữa, bảo trì hoặc thay thế, tài xế nghỉ phép, tác động từ việc Vinasun chuyển đổi mô hình kinh doanh qua hình thức xe thương quyền, từ việc tài xế là nhân viên thì chuyển thành cho tài xế thuê xe. Tài xế cũng có thể thuê xe hoặc mua xe từ các công ty khác.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Quốc Việt, có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng các chương trình khuyến mại, lý do người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ taxi của Vinasun vì không có thông tin về chuyến xe, thời gian chờ xe lâu, thái độ không thân thiện của tài xế, xe không sạch. Những lý do này không có liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab.

Là một trong những doanh nghiệp taxi lớn nhất Việt Nam với lợi thế sân nhà và là người mở đường cho thị trường, cũng như hiểu biết về thị trường địa phương tốt hơn bất kỳ doanh nghiệp nào Vinasun có nhiều lợi thế để cạnh tranh. Tuy nhiên thực tế Vinasun đã đầu tư phát triển ứng dụng đặt xe VCAR để cạnh tranh với các ứng dụng khác, các doanh nghiệp vận tải khác, duy trì sự cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp kết nối xe công nghệ như Grab.

Khách hàng có quyền lựa chọn chuyển đổi loại hình di chuyển bao gồm vẫy xe trên đường với các hãng taxi và đặt qua ứng dụng và tài xế cũng có thể lựa chọn chuyển đổi tham gia các công ty khác nếu các điều kiện hiện hành như giá và thu nhập không có lợi cho họ.

Tất cả doanh nghiệp đều có thể phát huy lợi thế cạnh tranh như nhau nếu tập trung vào sáng tạo, đổi mới, tăng cường chất lượng dịch vụ và đặt khách hàng lên hàng đầu. Không cần phải đi kiện một công ty khác với lý do cạnh tranh “không công bằng” nếu một doanh nghiệp có thể giữ chân tài xế và khách hàng giữ được lòng trung thành của họ.

Grant Thornton cho rằng, TĐGĐ Cửu Long đã đưa ra giả định một chiều rằng tất cả thiệt hại mà Vinasun cáo buộc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến 30/6/2017 đều chỉ do sự cạnh tranh từ các đơn vị cung cấp dịch vụ xe công nghệ là Grab và sau đó là Uber. Công thức mà TĐGĐ Cửu Long dùng để tính toán thiệt hại của Vinasun có nhiều điểm bất thường. TĐGĐ Cửu Long kết luận rằng Vinasun có thiệt hại gây ra bởi hoạt động của Grab Việt Nam dựa trên sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường và chi phí phát sinh do các xe phải nằm bãi và không có khách. Cửu Long cũng đã không quan tâm đến sự thật rằng Vinasun đã được trao cơ hội công bằng như 8 doanh nghiệp khác để cùng cạnh tranh theo Đề án 24 thí điểm dịch vụ xe hợp đồng điện tử tại 5 tỉnh thành (Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng).

Trong quá trình Grab chất vấn Vinasun về ứng dụng Vinasun/dịch vụ VCAR hoạt động theo Quyết định 24, Vinasun đã thừa nhận rõ ràng trong lời khai của họ trước tòa rằng liên quan đến dịch vụ VCAR, họ không thực hiện cả hợp đồng giấy lẫn hợp đồng điện tử với hành khách, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Quyết định 24. Dù vậy, Vinasun lại đưa ra luận điểm này để chống lại Grab mà không có sự can thiệp nào của chủ tọa. Trước sự bất thường trong giám định của TĐGĐ Cửu Long, Grab đã yêu cầu tòa án triệu tập đơn vị giám sát để được chất vấn trực tiếp với TĐGĐ Cửu Long để làm rõ nhưng không được tòa án chấp nhận. Và cả đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cũng đề nghị tòa án chấp thuận báo cáo giám định thiệt hại của Công ty Cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long.

Dự kiến phán quyết sơ thẩm của TAND TP.HCM sẽ được tuyên vào ngày 29/10/2018.

Thắng Khang

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/giam-dinh-buoc-grab-boi-thuong-vinasun-hon-41-ty-dong-la-khong-hop-ly-d67318.html