Giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh

Từ ngày 1-1-2021, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ thực hiện thêm nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với 449/457 đại biểu tán thành, chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật được thông qua nêu rõ, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính...

Điểm mới quan trọng trong Luật vừa được thông qua là bổ sung quy định “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ảnh:Quochoi.vn

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ảnh:Quochoi.vn

Trước đó, khi cho ý kiến, thảo luận về nội dung này, có nhiều quan điểm khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 2 phương án.

Phương án 1, bổ sung quy định “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức Giám định tư pháp (GĐTP) công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Phương án 2, giữ quy định Điều 12 Luật Giám định tư pháp hiện hành.

Kết quả, 69,8% trên số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 51,35% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 1; 30,64% trên số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 22,77% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2.

Luật được sửa đổi đã tiếp thu theo đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội, bổ sung chức năng giám định cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy, với qui định mới này, người dân, cơ quan tố tụng sẽ có thêm lựa chọn khi cần trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh.

Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, có ý kiến cho rằng, Điều 15 dự thảo Luật quy định điều kiện về thời gian 3 năm làm giám định viên để thành lập Văn phòng GĐTP là chưa phù hợp, cần giữ quy định 5 năm như hiện hành; ngoài điều kiện về thời gian làm giám định viên, cần bổ sung điều kiện về hoạt động GĐTP thường xuyên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người đăng ký thành lập Văn phòng GĐTP phải có thời gian làm giám định viên ít nhất 3 năm đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, yêu cầu người đó phải hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực GĐTP là xác đáng. Vì vậy, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định người đăng ký thành lập văn phòng GĐTP có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên theo hướng giảm thời gian đã qua thực tế chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo từ 5 năm xuống còn 3 năm.

Do yêu cầu đặc biệt về chuyên môn của giám định viên tư pháp, ngoài các điều kiện về trình độ đào tạo thì thời gian công tác thực tế đối có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm chất lượng đội ngũ giám định viên, đề nghị cho giữ quy định về thời gian công tác thực tế của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp như quy định hiện hành.

Về thời hạn giám định, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với trường hợp giám định theo vụ việc thì ở từng lĩnh vực giám định như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ,... do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau. Để bảo đảm tính khả thi, Luật GĐTP chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2021.

Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lý về hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

(Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp)

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-dinh-tu-phap-ve-am-thanh-hinh-anh-197314.html