Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: 'Chúng tôi không e dè, sợ sệt'

'Nhiều nhà báo hỏi sau khi hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì liên quan mua sắm thiết bị, vật tư y tế, các giám đốc bệnh viện e dè, sợ sệt. Cá nhân tôi trả lời không và nhiều giám đốc các bệnh viện khác cũng không', PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Sáng 13/7, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Gỡ khó trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế". Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những ngày vừa qua, các bệnh viện hết sức khó khăn trong việc cung ứng đủ thuốc, vật tư, đặc biệt là vật tư tiêu hao phục vụ thăm khám, chữa trị cho người bệnh.

"Đây là thực trạng chung, không riêng gì của bệnh viện tuyến trung ương hay cơ sở, phía Bắc hay phía Nam", ông Cơ nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ trao đổi tại tọa đàm tổ chức sáng 13/7. Ảnh: Như Ý

Theo ông Cơ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành đã vào cuộc quyết liệt và có nhiều giải pháp chỉ đạo cấp bách cho vấn đề này. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ vị trí trực tiếp quản lý điều hành một bệnh viện lớn, ông Cơ cho biết, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư.

Cụ thể, hai năm qua dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng người đi khám chữa bệnh tăng lên đột biến. Ví dụ như tháng 3/2022, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai tăng gấp 5 lần so với tháng 1/2022, số lượng ngoại trú là 6.000-8.000 người/ngày, trong khi trước đó quý I bình quân chỉ khoảng 1.000 người/ngày. Bệnh nhân nội trú đang ở công suất 150%, nhiều khoa lên tới 200%, tình trạng bệnh nhân nằm ghép rất nhiều.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Cơ, sau dịch bệnh, có tình trạng hết sức phổ biến là nhiều thuốc, vật tư tiêu hao trúng thầu rồi nhưng nhà thầu không cung ứng được. Đây là nguyên nhân rất cơ bản, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay cả ở nước sản xuất, họ cũng thiếu những mặt hàng này. Nhiều mặt hàng thuốc sản xuất được trong nước nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu, hoạt chất sản xuất.

"Nhiều nhà báo hỏi sau khi hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì liên quan mua sắm thiết bị, vật tư y tế, các giám đốc bệnh viện e dè, sợ sệt. Cá nhân tôi trả lời không và nhiều giám đốc các bệnh viện khác cũng không", ông Cơ khẳng định, đồng thời cho rằng, một số văn bản pháp quy, thông tư, nghị định không mang tính cập nhật.

Ông Cơ nêu Thông tư 14/2020 về nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, trong đó chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu. Ví dụ nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu.

"Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó. Vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng, ta rơi "vào bẫy", muốn mua vật tư tốt của Châu Âu, Mỹ, Nhật rất khó. Với cách phân nhóm của Thông tư 14, chúng tôi sẽ mua được vật tư rẻ tiền, đi liền với chất lượng, nhiều thứ chất lượng rất không như ý", ông Cơ nêu.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, việc công bố giá trong đấu thầu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, chưa có cơ quan nào thẩm định và chịu trách nhiệm. Bệnh viện phải dựa vào công bố giá đó để lấy giá kế hoạch làm bài thầu, dẫn đến "bẫy giá".

"Liệu giá đó có đúng không? Đó là câu chuyện của Việt Á khi giá của công ty này cũng chính là giá đã được công bố. Ai chịu trách nhiệm mức giá đó? Cần có cơ quan chịu trách nhiệm. Hiện nay có tình trạng chủ đầu tư loay hoay khi tổ chức mua sắm phải chờ nghị định sửa mới dám làm bài thầu, nếu không sẽ dễ mua phải thiết bị không như ý", ông Cơ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cơ, quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch. Hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các bệnh viện không thể tìm được hợp đồng trúng thầu.

Một cái khó nữa là gần đây có việc mua hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm. Thực tế, hãng A sản xuất ra máy thì thường sản xuất hóa chất đi kèm nhưng trong bài thầu mà chúng ta mà viết về kỹ thuật hóa chất A đáp ứng máy A thì rơi vào "bẫy" chỉ định thầu nên chủ đầu tư làm các bài thầu hết sức lúng túng.

"Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để thực hiện các bài thầu trong công tác mua sắm, tránh tình trạng rơi vào các "bẫy" chỉ định thầu", ông Cơ nêu.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất, nhiều thiết bị y tế chính hãng hay thuốc chính hãng chỉ có một hãng sản xuất. Việc tổ chức đấu thầu đôi khi rất khó. Bộ Y tế, Bộ Tài chính cần đàm phán giá, sau đó căn cứ vào giá đàm phán, các bệnh viện dựa vào đó để mua bán, giải quyết được bài đấu thầu.

Băn khoăn vấn đề "thổi giá"

Về vấn đề công bố giá thuốc, vật tư y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ông Cơ chia sẻ thêm, các cơ quan, bệnh viện đều đang rất vướng về vấn đề này. Nhiều bệnh viện không biết giá thật của vật tư y tế là bao nhiêu bởi sau giá Hải quan nhập về còn thêm thuế, đào tạo nghiên cứu, chuyển giao mới thành giá bán ra thị trường.

Vì thế, giá thành bán có thể lên tới 130-140% nhưng cũng có thể lên gấp đôi gấp ba và dễ được cho là thổi giá.

"Vậy cơ quan nào thẩm định, chịu trách nhiệm giá công bố, giúp cơ sở y tế không bị cho là thổi giá. Chúng tôi đề nghị trong văn bản pháp quy tới phải có hướng dẫn cụ thể, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá, đặc biệt là giá vật tư y tế", ông Cơ nêu thêm.

Chia sẻ về hoạt động của bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn hiện nay, ông Cơ cho biết, bệnh viện phải tổ chức lại ca kíp làm việc ở các đơn vị khoa phòng, đặc biệt là khối khám bệnh ngoại trú để 6.000 - 8.000 bệnh nhân đến khám không phải chờ quá lâu. Nhiều nhân viên Bạch Mai hiện nay đi làm từ 5 giờ sáng, khoa bệnh nhân nội trú chuyển sang chiếu chụp buổi chiều, trừ bệnh nhân cấp cứu, có những ca kíp 10 giờ đêm mới ra về.

Nguyễn Hoài - Trường Phong - Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-doc-benh-vien-bach-mai-chung-toi-khong-e-de-so-set-post1453303.tpo