Giám đốc chứng khoán Everest: Năm 2019 VN-Index có thể ở mức cao nhất 1.068 điểm

Theo ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest (EVS), dù thị trường chứng khoán đã có thời điểm gặp khó khăn nhưng vẫn nên nhìn nhận tích cực vào thành quả và triển vọng của thị trường.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest (EVS).

Từ mức chỉ chiếm 18%/GDP năm 2008 vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng lên 72% sau 10 năm, tương ứng đạt 172,5 tỷ USD cuối năm 2018, tăng gần 10 lần so với mức 17,7 tỷ USD năm 2008.

Nguồn EVS.

VN-Index hầu như không tăng trưởng trong 10 năm, 4 năm giảm điểm và 7 năm tăng điểm. Năm 2017 là năm tăng trưởng vượt trội thứ 2 sau năm 2009 với mức tăng 48%, cũng là năm kéo dài chuỗi tăng thứ 6 liên tiếp.

Trong tháng 4/2018, PE đạt đỉnh ở mức 23 lần và theo ông Cường đây là mức chỉ sau kỷ lục 24 lần vào năm 2007 trước khi khép lại cuối năm 2018 ở mức PE quanh 15,5 lần, tiệm cận PE trung bình 10 năm.

Cùng với đó, khối ngoại liên tiếp mua ròng 10 năm, trừ năm 2016. Tổng cộng hơn 63 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 3 tỷ USD, nếu tính cả các giao dịch thỏa thuận SAB, VHM và MSN khối này đã chi tổng cộng 8,3 tỷ USD.

Trong nửa cuối năm 2018, những sự kiện và tin tức hoặc “khoảnh khắc Donald Trump” trở thành tác nhân ảnh hưởng trực tiếp và tác động mạnh hơn đến thị trường.

VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử ở mức 1.204 điểm vào ngày 09/04/2018. Từ đó, VN-Index có thời điểm thấp nhất sụt giảm 26%. Kết thúc 2018 giảm 9,3% tại mức 983 điểm. Sau khi đạt mức tăng trưởng 19% trong quý I/2018, chỉ số VN-Index đánh mất 19% trong quý II/2018, một trong những mức giảm mạnh nhất tính theo quý và là một trong những thị trường tệ nhất trên thế giới tính tại thời điểm cuối quý II/2018.

Trong năm 2019, những câu chuyện dang dở vẫn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và chính trị thế giới như câu chuyện Apple và Tổng thống Mỹ Trump khai mào cuộc chiến thương mại toàn cầu, Fed và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất năm 2018 và dự kiến tăng trong 2019, kết thúc QE. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, dự báo 2,9%.

Cùng với đó, câu chuyện châu Âu, Brexit cần nhiều thời gian để giải quyết trong khi đó tại châu Á bầu cử mới tại Ấn độ, Thái Lan cũng sẽ là những tác nhân sẽ phần nào ảnh hưởng đến Kinh tế Việt Nam.

Hiện PE của VN-Index so với các nước trong khu vực ở mức hợp lý quanh 15-16 lần. So với lịch sử 24 lần 2007 và 23 lần tháng 4/2018, PE hiện tại đang ở mức khá hấp dẫn.

Biến động của PE 10 năm. (Nguồn EVS)

Ở các cổ phiếu vốn hóa vừa, chỉ số PE còn đang rẻ nhất từ xưa đến nay về mức 7,4 lần trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận các công ty niêm yết 2019 ước đạt 21%.

Trong bối cảnh đó, trên thị trường phái sinh, hiện đang trong giai đoạn tích lũy chờ đợi giá trị giao dịch thị trường cơ sở tăng lên và đồng thời tăng vượt qua giá trị giao dịch thị trường phái sinh, khi đó VN-Index sẽ chính thức xoay chiều và xác lập xu hướng tăng điểm.

Nguồn EVS.

Theo phân tích của EVS, thị trường sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy trong quý I/2019 và sớm xác lập xu hướng tăng điểm sau giai đoạn tích lũy này. Mức đáy trung hạn hay vùng hỗ trợ ở vùng 855-862 điểm, khi đó thị trường sẽ kiểm định thành công ngưỡng này trong nhịp điều chỉnh sắp tới sau đó chỉ số VN-Index sẽ xác lập sóng tăng trở lại với mức mục tiêu 1.068 điểm trong năm 2019.

Những ngành sẽ tăng trưởng vượt trội trong năm 2019 là ngành hàng tiêu dùng (F&B, Bán lẻ, Vận tải và Logistics), sản xuất công nghiệp (SXCN Xây lắp, SXCN Phụ trợ), ngân hàng và dược phẩm.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/giam-doc-chung-khoan-everest-nam-2019-vn-index-co-the-o-muc-cao-nhat-1068-diem-3490151.html