Giám đốc Công an TP.HCM: 'Không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê'

Ngày 9.12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê và nắm các dấu hiệu đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng dưới mọi hình thức.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM trả lời chất vấn kỳ họp - Ảnh: Phan Diệu

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM trả lời chất vấn kỳ họp - Ảnh: Phan Diệu

TP.HCM giảm gần một nửa nhóm tín dụng đen

Trả lời chất vấn đại biểu về tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, Công an TP.HCM xác định trong năm nay còn khoảng 51 nhóm, 178 người có dấu hiệu thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Con số này đã giảm nhiều so với cùng kỳ, khi năm 2018 là 94 nhóm và 383 đối tượng.

Đặc biệt, năm 2018, ngành công an không xử lý hình sự được vụ nào, nhưng năm nay thành phố khởi tố được 9 vụ với 31 đối tượng và tính chung, xử lý 38 nhóm và 168 đối tượng. Còn các hành vi đe dọa, hăm dọa, tạt chất bẩn… năm nay cũng hạn chế bớt được một số vụ, không rộ lên như năm 2018.

“Công an TP.HCM xác định hành vi này là trái pháp luật nhưng vẫn còn một số khó khăn trong việc chứng minh dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý hình sự”, ông Phong thông tin.

Tuy nhiên, Công an TP.HCM đã yêu cầu công an các địa phương phải chủ động phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi đe dọa, tạt chất bẩn. Công an TP.HCM cũng đã tham mưu cho UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ bỏ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự công cộng.

“Chúng tôi có kiến nghị và UBND TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ là không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Vì theo quy định, đây là dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch bình thường, nhưng thực tế, những doanh nghiệp đòi nợ thuê lại thường có đối tượng xấu ẩn trong đó. Cách thức đòi nợ thuê lại thường khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho người bị đòi nợ và ảnh hưởng an ninh trật tự. Quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê và Công an TP.HCM phải nắm các dấu hiệu đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng dưới mọi hình thức”, Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.

Trung tướng Phong cũng thông tin, trước đây, hành vi cho vay lãi nặng rất khó chứng minh, phải bằng bao nhiêu % lãi suất ngân hàng, phải chứng minh người cho vay chỉ sống bằng nghề cho vay lãi cao. Hiện nay, quy định có dễ hơn, chỉ cần chứng minh lãi suất ở mức nào đó là có cơ sở xử lý, không cần phải chứng minh người cho vay sống bằng nghề cho vay lãi cao.

Trong khi đó, đề cập đến hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền, Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, cần phải tăng cường trách nhiệm trong việc nắm tình hình và phối hợp với các ngành chức năng để nắm được chức năng và hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có kinh doanh bất động sản. Mặt khác, cần thông tin đầy đủ đến người dân để hiểu được thông tin thật về các dự án.

“Chẳng hạn vụ Alibaba, đất ở đâu mà cũng không biết là có dự án hay không có dự án, nhưng cứ quảng cáo rầm rộ và bao nhiêu người mắc lừa. Công an TP.HCM mới khởi tố vụ án và xử lý được đối tượng. Ban đầu, chỉ có 2 người tố cáo; còn đa số người ta vẫn hy vọng đó là sự thật, vì người ta thiếu thông tin. Vì vậy, cơ quan chức năng cần thông tin tới người dân khi tham gia giao dịch, cần tìm hiểu kỹ. Bộ Luật Dân sự quy định khi tham gia giao dịch, người dân có nghĩa vụ phải tìm hiểu tính xác thực của giao dịch đó. Đó là trách nhiệm 2 bên. Trong vụ Alibaba, nhiều người bị lừa bởi hấp dẫn lãi suất được hứa hẹn mà không có căn cứ gì để cho thấy niềm tin lãi suất đó là sự thật”, ông Phong nói thêm.

Chậm cấp sổ đỏ chung cư là do chủ đầu tư

Liên quan đến việc chậm cấp giấy quyền sử dụng nhà gắn liền với đất ở tại các chung cư, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đến nay TP.HCM đã cấp 62.000 giấy chứng nhận của 194 dự án nhà ở tập thể và chung cư.

Hiện tại, có 3 nhóm vấn đề tồn tại khiến việc cấp giấy chứng nhận chậm. Cụ thể là chủ đầu tư được cấp phép nhưng khi xây xong chủ đầu tư không nộp tiền để lấy giấy chứng nhận đã thế chấp ngân hàng trước đó. Giải pháp hiện nay là cho phép phối hợp ngân hàng giữ lại phần của chủ đầu tư tương ứng số tiền phải nộp cho ngân hàng để cấp giấy phép cho người dân.

Tiếp đó là tình trạng chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép cấp; trách nhiệm chủ đầu tư phải khắc phục sai mới được cấp giấy. Giải pháp là ngành xây dựng và ngành tài nguyên - môi trường cùng địa phương phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ để không xây dựng sai.

Ngoài ra, các trường hợp chủ đầu tư không xây dựng hạ tầng xã hội với chung cư cũng sẽ không được nghiệm thu. Hiện nay, sở đã ban hành 5 mức xử phạt. Do vậy, ông Thắng cho rằng quan trọng nhất chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm ngay từ lúc đầu với sự giám sát các cơ quan chức năng.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/giam-doc-cong-an-tphcm-khong-chap-nhan-dich-vu-doi-no-thue-127250.html