Giám đốc điều hành Youtube Susan Wojcicki bình tĩnh vượt qua 'giông bão'

Là người điều hành nơi được cho là hỗn loạn nhất trên mạng Internet – trang chia sẻ video lớn nhất toàn cầu Youtube, nhưng thật khó để bắt gặp hình ảnh bà Susan Wojcicki (50 tuổi) - Giám đốc điều hành YouTube hoang mang khi giải quyết khủng hoảng. Thay vào đó lại luôn là hình ảnh một nhà lãnh đạo bình tĩnh, trầm ổn.

Khi bà Susan Wojcicki tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành YouTube vào năm 2014, đâu đâu cũng ca ngợi bà là người phụ nữ quyền lực nhất trong ngành quảng cáo. Họ tin rằng bà sẽ đưa bí mật kiếm tiền trong thời gian làm việc tại Google áp dụng vào YouTube. Và trên thực tế, trong 5 năm qua, bà Susan đã giới thiệu hàng loạt hình thức quảng cáo mới cũng như các dịch vụ đăng ký trên YouTube đem lại lợi nhuận “khủng”.

Trong thời gian làm giám đốc điều hành YouTube, công việc của Susan Wojcicki nghiêng về ngăn chặn nội dung độc hại hơn là về tăng trưởng

Trong thời gian làm giám đốc điều hành YouTube, công việc của Susan Wojcicki nghiêng về ngăn chặn nội dung độc hại hơn là về tăng trưởng

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, công việc của bà dường như thiên về việc ngăn chặn các nội dung độc hại, xử lý khủng hoảng, hơn là tăng trưởng kinh doanh quảng cáo.

Có thể nói, với vai trò giám sát một trang web có lượt truy cập hàng ngày “khủng” hơn Facebook, bà Susan đã làm việc rất tốt. Đặc biệt là khi Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg (Giám đốc điều hành Facebook), Jack Dorsey (CEO Twitter) và nhiều nhà điều hành các trang mạng xã hội khác đều nhận được sự chia sẻ từ sự giám sát của công chúng, thì bà Wojcicki lại không. Năm ngoái, khi các giám đốc điều hành các trang mạng xã hội bị triệu tập vào Quốc hội Mỹ vì những ảnh hưởng tiêu cực từ các trang mạng này thì bà Susan cũng “bình an vô sự”.

Susan Wojcicki là ai?

Không giống như nhiều đồng nghiệp CEO khác của mình, chuyện học hành, khởi nghiệp của bà Susan Wojcicki không có gì quá đặc sắc để kể với phóng viên. Bà không bỏ học Harvard, mà tốt nghiệp thành công tại ngôi trường danh giá này.

Năm 1998, vợ chồng bà thuê một phần của ngôi nhà ở Menlo Park, California với giá 1.700 USD/tháng cùng với cho 2 cậu sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford tên là Larry Page và Sergey Brin. Khi đó, họ vừa mới bắt đầu một công cụ tìm kiếm mang tên Google.

Vào một ngày nọ, khi bà vẫn đang làm việc cho Intel, bà không thể tìm thấy một thông tin quan trọng nào vì Google ngừng hoạt động. Nhận ra bản thân đã trở nên phụ thuộc vào trang web được phát triển bởi 2 anh chàng sống trong nhà để xe của mình, bà Susan đã quyết định gia nhập Google với tư cách là nhân viên thứ 16 và là người quản lý tiếp thị đầu tiên của công ty.

Bà Susan đã thuê nhà để xe của ngôi nhà cũ của mình cho Larry Page và Sergey Brin sử dụng nó để ra mắt công cụ tìm kiếm Google

Dù phải nuôi 1 con nhỏ, nhưng bà vẫn quyết làm việc cho một công ty không có doanh thu. Bà đã giúp Google phát triển sản phẩm quảng cáo đặc trưng - AdWords và giám sát bước đột phá đầu tiên của nó trong lĩnh vực chia sẻ nội dung - Google Video. Năm 2006, bà đã khuyến khích Google mua dịch vụ đối thủ có tên YouTube với giá 1,65 tỷ USD. (Ngân hàng Morgan Stanley gần đây ước tính, YouTube hiện trị giá 160 tỷ USD).

Kể từ khi tiếp quản YouTube, danh tiếng là điều mà bà Susan luôn cố tránh, nhưng không vì thế mà bà trở nên khó gần. Bà Susan luôn để lại ấn tượng ấm áp và dễ gần. Bà đến văn phòng với trang phục như bao nhân viên Google khác. Thậm chí, phong cách của bà bình thường đến mức nhàm chán.

Đứng đầu nền tảng video lớn nhất và biến động nhất thế giới, nhưng bà Susan luôn bình tĩnh. Thái độ này của bà thực sự mâu thuẫn với tốc độ và quy mô phát triển khủng khiếp, cũng như sự ngu ngốc rỗng tuếch không ngừng phát sinh trên YouTube – nơi bà đang phải quản lý.

Bà Susan chia sẻ, việc phải xem các video có hại và các hành vi đáng ghét của mọi người trên mạng là phần tồi tệ nhất trong công việc của bà. Nhưng có lẽ đây cũng là một trong những công việc quan trọng nhất mà bà làm trong sự nghiệp của mình, bởi vì nó đặt ra một tiêu chuẩn trách nhiệm trên mạng Internet.

Bà Susan rất giản dị trong cuộc sống và trầm ổn trong công việc

“Một cách nghĩ của tôi khi ra quyết định là đặt bản thân vào tương lai và suy nghĩ: Trong 5 hay 10 năm nữa, họ sẽ nói gì? Nếu một ai đó nhìn lại những quyết định mà chúng ta đưa ra, liệu họ có cảm thấy chúng ta đang ở bên phải của lịch sử không? Tôi sẽ cảm thấy tự hào chứ? Các con tôi có cảm thấy rầng tôi đã đưa ra quyết định tốt không?”, bà Susan chia sẻ về cách ra quyết định của mình.

Chuyên gia giải quyết khủng hoảng

Cách dễ nhất để đánh giá hiệu suất công việc của một CEO là nhìn vào kết quả tài chính của công ty họ. Nhưng nếu áp dụng cách này với bà Susan, có lẽ là hơi khó vì kết quả tài chính của Youtube không bao giờ được tiết lộ.

Kênh chia sẻ video lớn nhất thế giới này chỉ tiết lộ dữ liệu một cách nhỏ giọt. Ví dụ, Google cho biết số lượng kênh YouTube có hơn 1 triệu người theo dõi tăng gần gấp đôi năm ngoái và số lượng người tạo kênh kiếm được hơn 10.000 USD/năm đã tăng hơn 40%. Nhưng các nhà đầu tư tuyệt nhiên không biết lợi nhuận hay chi phí mà YouTube bỏ ra. Và họ càng không biết ảnh hưởng của bà Susan đến những con số này là như thế nào.

Tuy nhiên, từ những gì có thể lượm lặt được, thì việc kinh doanh của YouTube dường như đang phát triển rất mạnh. Các nhà phân tích ước tính, doanh thu hàng năm của YouTube đã vượt 15 tỷ USD và đang tăng trưởng ở mức 30 - 40 %/năm.

Làm thế nào để khách hàng quảng cáo luôn hài lòng - là phương châm làm việc của bà Susan

Một yếu tố khác có thể cho thấy hiệu quả làm việc của bà Susan đó là cách bà điều hành Youtube, giải quyết khủng hoảng để không làm mất lòng khách hàng. Bà vẫn luôn ghi nhớ kỹ năng mà bà đã học được từ rất sớm tại Google: Làm thế nào để khách hàng quảng cáo luôn hài lòng.

Marc S. Pritchard - Giám đốc thương hiệu của Procter & Gamble (P&G), người chịu trách nhiệm cho một trong những ngân sách quảng cáo lớn nhất thế giới, cho biết công ty của ông từng vài lần gặp rắc rối với YouTube trong những năm qua và trong những lần đó, bà Susan luôn là người xuất hiện đầu tiên.

Giống như một vài nhãn hiệu quảng cáo lớn khác, P&G đã ngừng trả tiền cho YouTube vào đầu năm 2017 khi phát hiện quảng cáo của mình chạy bên cạnh các video bạo lực, có ngôn ngữ cực đoan và các yếu tố không thân thiện với người tiêu dùng. Ông Pritchard kể lại, khi ông gọi cho bà Susan, bà không hề tranh cãi mà chỉ nói: “Ông là một đối tác quan trọng. Chúng tôi sẽ làm việc để sửa lỗi này”.

Gần một năm sau, P&G tiếp tục ngưng chi tiền quảng cáo cho Youtube khi thử thách Tide Pod (thử thách ăn viên nước giặt Tide - một trong những thương hiệu hàng đầu của P&G) bắt đầu lan rộng trên YouTube. Ông Pritchard cho biết, bà Susan đã gọi ngay cho ông và trấn an rằng công ty của bà đang đặt vấn đề này lên hàng đầu. Quả thực, chỉ vài giờ sau đó, các video về thử thách Tide Pod đã bị xóa khỏi YouTube và nền tảng đã thay đổi thuật toán để người tìm kiếm chỉ xem những video an toàn. Kết quả, vài tháng sau, P&G thông báo họ sẽ tiếp tục quảng cáo trên YouTube.

Bà Susan chia sẻ, bà tham gia Google vì muốn làm điều gì đó có ý nghĩa với cuộc sống của mình và thấy nhiệm vụ của công ty là giúp mọi người tìm thấy thông tin phù hợp như một cách truyền cảm hứng. Nhưng bây giờ, bà nhận ra rằng, di sản cuối cùng của bà sẽ là việc liệu YouTube có thể xử lý các vấn đề của nó hay không.

Trà Li Lược dịch từ The New York Times

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/giam-doc-dieu-hanh-youtube-susan-wojcicki-binh-tinh-vuot-qua-giong-bao-post58463.html