Giám đốc DN dọa đánh gãy răng nhà báo: Chỉ rút kinh nghiệm!

Dù có hành vi dọa dẫm, đe dọa đánh gãy răng nhà báo nhưng giám đốc doanh nghiệp chỉ xin rút kinh nghiệm...

Cơ quan điều tra PC44 Công an tỉnh Ninh Bình vừa gửi Thông báo kết quả điều tra vụ việc nhà báo Quốc Cường, phóng viên báo điện tử Dân Trí bị ông Nguyễn Tăng Cường sử dụng những lời lẽ lăng mạ, dọa đánh gãy răng nhà báo.

Theo thông báo số 03/TB- PC44 của Cơ quan CSĐT, CA tỉnh Ninh Bình do Thượng tá Phạm Trung Trực, Phó thủ trưởng ký ngày 19/7/2015 nêu rõ: “Ngày 19/7, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Ninh Bình (PC44) đã ra quyết định không khởi tố hình sự với vụ việc nêu trên theo khoản 2 điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự”. Lý do đưa ra là đối với hành vi của ông Nguyễn Tăng Cường không có đủ căn cứ để xử lý bằng pháp luật tội “làm nhục người khác” quy định tại điều 121, Bộ luật hình sự hay hành vi “lăng mạ, đe dọa nhà báo khi đang hoạt động nghề nghiệp” theo đề nghị của nhà báo Phạm Quốc Cường mà đây chỉ là vấn đề trong văn hóa ứng xử giao tiếp mà bản thân ông Nguyễn Tăng Cường đã tự ý rút kinh nghiệm. Đối với nhà báo Nguyễn Quốc Cường, thông báo cũng nêu rõ, không đủ căn cứ để xử lý nhà báo Quốc Cường về tội “Vu khống” theo đề nghị của ông Nguyễn Tăng Cường.

 Nhà báo Phạm Quốc Cường trao đổi với PV Kiến Thức.

Nhà báo Phạm Quốc Cường trao đổi với PV Kiến Thức.

Ngay sau khi nhận được thông báo từ PC44, Công an tỉnh Ninh Bình, báo điện tử Dân Trí đã có Công văn số 70/ĐTDT do Phó tổng biên tập Nguyễn Lương Phán ký ngày 27/7/2015 gửi Bộ Công an và cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc nhà báo Phạm Quốc Cường tố bị ông Nguyễn Tăng Cường (Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, đóng tại tỉnh Ninh Bình) lăng mạ, đe dọa trong khi tác nghiệp. Công văn cũng gửi trực tiếp đến Hội nhà báo Việt Nam; Giám đốc Công an và Viện trưởng VKS tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, Ban biên tập báo điện tử Dân trí bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách giải quyết vụ việc của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình. Theo tờ báo này, vừa qua, tòa soạn nhận được Thông báo kết quả giải quyết vụ việc của Công an tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, báo Dân trí cho rằng, thông báo của cơ quan này có dấu hiệu không khách quan, không đúng sự thật, trái Luật Báo chí hiện hành về cả nội dung lẫn hình thức.

Công văn của báo Dân trí khẳng định: “Việc phóng viên Quốc Cường liên hệ trao đổi thông tin qua điện thoại và được ông Nguyễn Tăng Cường đồng ý trả lời là hợp pháp, đúng Luật Báo chí. Theo tường trình và tài liệu chứng cứ, trong quá trình trao đổi, lời nói và thái độ của phóng viên Quốc Cường hoàn toàn vô tư khách quan. Trong khi đó ông Nguyễn Tăng Cường lại dùng những lời lẽ đe dọa, sỉ nhục nhà báo”.

Vậy nhưng thông báo của Công an tỉnh Ninh Bình lại cho rằng: "Nhà báo Phạm Quốc Cường là người có lỗi trước và lỗi này là nguyên nhân dẫn đến việc ông Cường có lời lẽ thiếu kiềm chế". Và Thông báo kết luận vụ việc của Cơ quan điều tra gửi đến báo là ông Nguyễn Tăng Cường cũng đã xin rút kinh nghiệm về sự việc.

Theo đại diện báo Dân trí, như vậy là chưa công tâm khách quan và nội dung trên của cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình trái với thực tế, trái Luật báo chí, Luật khiếu nại và không đúng thẩm quyền.

Đặc biệt, Ban biên tập báo điện tử Dân trí nhấn mạnh: Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình chỉ là cơ quan công an ở địa phương, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cũng không phải là tổ chức công dân bị báo thông tin sai sự thật để có quyền khiếu nại về nội dung báo đăng tải.

Hơn nữa, công an tỉnh Ninh Bình cũng không được ông Nguyễn Tăng Cường ủy quyền đi khiếu nại. Vậy mà Công an Ninh Bình lại có các ý kiến đánh giá nhận xét báo chí, thậm chí đề nghị báo phải gỡ bỏ thông tin đăng tải về việc nhà báo Quốc Cường bị lăng mạ, đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng là trái pháp luật và không đúng thẩm quyền.

Về hình thức, theo Ban biên tập báo điện tử Dân trí, Công văn của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cũng thể hiện chưa chuẩn mực. Thế nên, báo Dân trí đã có đơn Khiếu nại đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình hủy bỏ toàn bộ văn bản thông báo nói trên. Cùng đó là đề nghị Cơ quan điều tra thông báo kết quả về đề nghị của Hội Nhà báo VN, Liên chi hội nhà báo Dân trí về hành vi lăng mạ, đe dọa nhà báo của ông Nguyễn Tăng Cường.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ - Luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội kiêm Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân cho biết, ông vừa chính thức nhận lời tư vấn về pháp lý cho nhà báo Phạm Quốc Cường liên quan đến việc bị ông Nguyễn Tăng Cường lăng mạ, đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng, tinh thần và sức khỏe nhà báo Quốc Cường. Theo đó, Văn phòng luật sư Vì Dân cũng đã có văn bản gửi Công an, Viện kiểm sát và Ban Nội chính tỉnh Ninh Bình về những ý kiến pháp lý liên quan đến vụ việc.

Văn bản khiếu nại của báo Dân trí.

Theo văn bản, Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng VP luật sư Vì Dân) khẳng định: Việc nhà báo Phạm Quốc Cường thận trọng, muốn có thông tin đa chiều nên gọi điện thoại cho ông Nguyễn Tăng Cường để xác minh là cần thiết, đúng thực tế.

Việc xúc phạm danh nhự nhà báo và đe dọa là đã có đủ bằng chứng hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Tăng Cường.

Văn phòng Luật sư Vì Dân đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn làm rõ thực hư việc xây dựng những chiếc cầu dân sinh tại huyện Chợ Mới. Nếu có vi phạm, mất mát tài sản nhà nước, ảnh hưởng giao thông nhân dân, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trả lời phóng viên, Đại tá Đinh Hoàng Dũng (GĐ Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết, vừa qua, cơ quan điều tra đã mời nhà báo Quốc Cường (Phóng viên báo điện tử Dân Trí) và ông Nguyễn Tăng Cường (GĐ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung) lên làm việc.

"Việc nhà báo liên hệ tác nghiệp bằng điện thoại là đúng chứ không có vấn đền gì", Vị lãnh đạo công an nói. Theo ông, qua nghe băng ghi âm, lúc đầu câu chuyện vui vẻ, thịnh tình, một người hỏi một người trả lời. Sau đó có một số câu gợi mở về vấn đề sụt lún, sạt lở, trách nhiệm cá nhân thì xung đột xảy ra. Đại tá Dũng cũng cho rằng, thái độ của doanh nghiệp đối với nhà báo như vậy là thiếu kiềm chế. "Tuy nhiên, mức độ xử lý sẽ dựa theo quy định pháp luật." - Ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng liên quan vụ việc, nhà báo Quốc Cường cho biết: “trong các cuộc làm việc với cơ quan điều tra, tôi đã cung cấp thêm cho cơ quan điều tra một số bằng chứng như băng ghi âm, tin nhắn về việc lăng mạ đe dọa của ông Nguyễn Tăng Cường (GĐ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, đóng ở Ninh Bình). Tôi cũng đã đưa cho cán bộ điều tra tin nhắn của ông Nguyễn Tăng Cường với giọng điệu đầy thách thức, đại loại "Trước đó, một tờ báo đã phải xin lỗi tôi rồi..."

Theo nhà báo Cường, là một phóng viên làm nhiệm vụ cho tòa soạn mà lại bị doanh nghiệp lăng mạ, đe dọa như vậy khiến anh cảm thấy bị xúc phạm danh dự và tổn thương lòng tự trọng nặng nề.

Tại các buổi làm việc với cơ quan điều tra trên tư cách à người bị hại, anh Cường cũng đã trình bày nhiều vấn đề cho thấy cuộc sống sinh hoạt của anh bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi vụ việc xảy ra. Trong đó, công việc viết báo của anh Cường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Tôi không đồng ý với bản thông báo kết luận vụ việc của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình và nội dung xin rút kinh nghiệm của ông Nguyễn Tăng Cường thể hiện trong bản thông báo. Bởi, những hậu quả mà ông Cường gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với tôi và gia đình tôi. Đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của một nhà báo như tôi” - Nhà báo Quốc Cường cho biết.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/doc-30s/giam-doc-dn-doa-danh-gay-rang-nha-bao-chi-rut-kinh-nghiem-534566.html