Giám đốc HTX dám nghĩ, dám làm

Bằng ý chí và sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Phí Hải Vân, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai đã thành công từ mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Vân, chúng tôi ấn tượng với những lồng cá được nối tiếp nhau san sát nổi trên mặt nước. Anh Vân chia sẻ: Nhận thấy lợi thế của diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện rất thích hợp với việc nuôi cá lồng, năm 2011, tôi bàn với gia đình đầu tư 200 triệu đồng, nuôi 8 lồng cá trắm, lăng... Bởi kinh nghiệm nuôi thủy sản còn ít, đàn cá mắc nhiều bệnh, phát triển chậm, năm đó, 8 lồng cá của gia đình mất trắng.

Không chấp nhận thất bại, từ năm 2011 – 2015, anh Vân đã dành thời gian để đi học tập kinh nghiệm của các mô hình hiệu quả từ các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương và nghiên cứu thông tin trên sách, báo và mạng internet, về chế độ dinh dưỡng, đặc tính và sự thích nghi của các loại cá đối với các vùng nước và phương pháp phòng, trừ bệnh cho đàn cá… Năm 2015, anh tiếp tục nuôi 1 lồng cá trắm cỏ, với diện tích lồng 72m2, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, với 40 kg cá giống, sau 1 năm, đàn cá phát triển tốt, cho sản lượng trên 1 tấn, bán được hơn 100 triệu đồng.

Anh Phí Hải Vân kiểm tra đàn cá lăng chuẩn bị xuất bán

Trước hiệu quả mang lại, năm 2016, anh Vân đã mở rộng lên 5 lồng cá nuôi các loại cá lăng, cá nheo. Cùng với đó, anh thực hiện việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ cá tại các tỉnh, Hải Dương, Hà Nội và các nhà hàng lớn. Đặc biệt, anh thực hiện việc "tập thể dục" cho cá, để thịt cá được săn chắc hơn, giảm bớt mỡ, như vậy có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau, được nhiều người ưa thích.

Anh Vân chia sẻ: Đàn cá lăng nuôi từ 16 -18 tháng, sẽ cho trọng lượng từ 4 – 5kg, khi đó, cá sẽ được tập luyện 2 lần/ ngày. Vào thời điểm không có nắng gắt, mỗi lần cho cá tập luyện từ 10 – 15 phút. Liên tục trong vòng 6 tháng, chất lượng cá chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Trong thời gian luyện tập cho cá, chế độ ăn của cá cũng rất quan trọng, cần bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm và chất xơ, để tăng khả năng phát triển thịt cá và giúp cá tiêu hóa tốt các loại thức ăn.

Đàn cá lăng được “tập thể dục, theo phương pháp tăng cơ giảm mỡ”

Từ năm 2016 đến nay, anh Vân đã phát triển lên 16 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá như: Trắm, lăng, chép. Năm 2021, anh Vân thành lập HTX Hải Vân Quỳnh Nhai, do anh làm giám đốc và cùng liên kết với 6 hộ thành viên, hiện tổng lồng cá của HTX lên đến 70 lồng, cho sản lượng trên 100 tấn cá/năm, với giá bán từ 100 – 120 nghìn đồng/kg, mang về cho các thành viên HTX khoảng 500 triệu đồng/ hộ/ năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ với mức lương thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Anh Trần Văn Thương, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Là thành viên của HTX, chúng tôi được hỗ trợ thêm về kiến thức chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ về việc bao tiêu các sản phẩm cá, giúp cho các hộ thành viên tăng thêm thu nhập, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về trên 500 triệu đồng từ 8 lồng cá.

Khu vực chăn nuôi cá của HTX Hải Vân Quỳnh Nhai

Chia sẻ về những dự định đối với việc phát triển HTX, anh Phí Hải Vân thông tin: Hiện nay, HTX đang thực hiện khảo sát địa điểm và đánh giá nhiệt độ nước một số khu vực tại xã Phiêng Mựt để nuôi cá tầm. Qua đó, sẽ góp phần đa dạng các sản phẩm cá của HTX và nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Đức Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/giam-doc-htx-dam-nghi-dam-lam-RqlzrEHIg.html