Giám đốc mê mò mẫm đáy biển nhặt lon bia, vớt rác ở Đà Nẵng

Hơn 8 năm nay, người dân dọc bãi biển và bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) quen với hình ảnh vị giám đốc ngày ngày lặn biển vớt rác với mong muốn làm sạch môi trường và đáy biển.

XEM CLIP:

Anh là Đào Đặng Công Trung (42 tuổi), sống tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), hiện là giám đốc một công ty cổ phần.

Để chuẩn bị cho một ngày mới hay kết thúc một ngày làm việc vất vả, anh Trung tự tìm niềm vui cho bản thân bằng công việc đi nhặt rác cùng nhóm bạn trong câu lạc bộ bơi lội Thanh Khê…

Anh Trung chia sẻ: “Sau những giờ làm việc căng thẳng, tôi thường đến với bán đảo Sơn Trà hòa mình vào thiên nhiên để giảm stress. Khách du lịch tổ chức các buổi picnic, ăn uống trên này đã bỏ lại rất nhiều rác làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Tôi quyết tâm biến suy nghĩ thành hành động và bắt tay vào việc nhặt rác từ năm 2011 đến bây giờ”.

Anh Trung cùng nhóm bạn ngày ngày dọn dẹp đáy biển Đà Nẵng

Anh Trung cùng nhóm bạn ngày ngày dọn dẹp đáy biển Đà Nẵng

Sau thời gian nhặt rác trên bán đảo Sơn Trà, anh thấy không chỉ đất liền mà dưới đáy biển, những nơi tụ tập khách du lịch ven biển có rất nhiều rác thải khó phân hủy đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển.

Những vỏ lon bia, nước ngọt mà du khách vứt ra khiến đáy biển ô nhiễm nghiêm trọng, cản trở sự sống của sinh vật biển nơi đây. Các rạn san hô, sinh vật biển khó sống sót do rác thải che lấp, dẫn đến việc hệ sinh thái quanh đất liền bị ảnh hưởng nặng nề. Anh Trung quyết tâm lặn biển vớt rác.

“Chiến lợi phẩm” sau hơn 1 tiếng làm việc

Nhân rộng ý thức xã hội

Ngày 4/8, anh Trung cùng nhóm bạn lặn biển với độ sâu từ 3-10m, vớt hơn 10kg rác, chủ yếu là vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, thủy tinh, túi nilon mà du khách và người dân để lại.

Với anh Trung, khó khăn trong công việc này chính là thời gian không cho phép mình làm nhiều hơn để giúp ích cho môi trường. Bên cạnh đó, dụng cụ vẫn chưa có những cây gắp rác để gắp những loại rác thải nằm sâu bên trong các hóc đá. Khi cố gắng với tay nhặt rác những nơi này dễ bị rắn hay các loại động vật biển khác cắn.

Công việc lặn biển đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó

Rác dưới đáy biển thường là lon bia, nước ngọt, nilon do du khách và người dân để lại

“Việc chúng tôi làm xuất phát từ sự tự nguyện với mong muốn bảo vệ môi trường, góp phần nhỏ làm cho TP Đà Nẵng đẹp hơn khi du khách ghé thăm” - anh Trung chia sẻ. Anh mong muốn người dân và khách du lịch khi vui chơi, dã ngoại không vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường…

Việc làm của anh đến nay đã có sức lan tỏa, nhiều bạn trẻ, nhiều học sinh, sinh viên đã lập những nhóm nhỏ tham gia nhặt rác quanh bán đảo Sơn Trà và các bãi biển ở Đà Nẵng.

Công Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/giam-doc-me-mo-mam-day-bien-nhat-lon-bia-rac-thai-o-da-nang-556224.html