Giám đốc sở GD&ĐT Đà Nẵng: Môn Lịch sử quá hàn lâm

Ông Nguyễn Đình Vĩnh thẳng thắn nhận định, chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử hiện nay quá hàn lâm, phù hợp với các nhà nghiên cứu hơn là học sinh.

Sáng 11/7, sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều khiến mọi người bất ngờ, không khỏi xót xa khi môn Lịch sử điểm khá thấp với phổ điểm từ 2 đến 4,75 điểm. Trong đó, chỉ có 10,3% thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh trao đổi với phóng viên.

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên về vấn đề này. Ông Vĩnh cho rằng, chương trình Lịch sử tại các cấp cần có sự thay đổi lớn.

Chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng nề, hàn lâm, phù hợp với những người nghiên cứu hơn là học sinh. Ở cấp tiểu học, môn Lịch sử được dạy về những anh hùng như Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo… với những câu chuyện kể hấp dẫn. Bộ GD&ĐT cũng nhận ra điều này.

Vị Giám đốc sở GD&ĐT hy vọng chương trình mới khi viết nội dung các bài học về Lịch sử các khối cấp học nhẹ nhàng hơn, nghiêng về cảm hứng gắn liền với đời sống thực tế hơn. Chương trình mới sẽ tránh cách viết hàn lâm với những sự kiện, mốc thời gian khó nhớ.

Cách dạy của giáo viên cũng cần thay đổi. Giáo viên cần áp dụng công nghệ thông tin, mô hình, sa hình gây hứng thú đối với học sinh.

Đối với việc ra đề thi, bộ GD&ĐT cũng cần nhìn nhận lại. Đối với việc ra đề môn Lịch sử như hiện nay, nhiều so sánh đối chiếu với tư liệu lớp 12, tư liệu nội dung lớp 11 đối với học sinh là quá sức. Trong đề thi cần có những câu hỏi đúng yêu cầu của mình đặt ra là nhận biết, hiểu biết nâng cao và nâng cao chuyên sâu. Phổ điểm nâng tầm cao hơn hiện nay.

Theo ông Vĩnh, việc tổ chức các tổ hợp thi, cách xét tuyển vào đại học cũng phải thay đổi, tạo hứng thú hơn đối với học sinh. Điều này sẽ giúp học sinh có hứng thú khi nhập cuộc với môn học Lịch sử.

Điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Lịch sử tại TP.Đà Nẵng có gần 90% dưới trung bình.

Vị này cũng thừa nhận, các em học sinh chọn môn Lịch sử để thi, xét tuyển đại học không nhiều. Các em có định hướng chọn môn Lịch sử vì nằm kẹp trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội.

Ở tổ hợp này, ngoài Lịch sử còn có môn Địa lý và Giáo dục công dân. Thí sinh chỉ cần 3 điểm môn Lịch sử, 7 đến 8 điểm môn Giáo dục công dân và 5 điểm môn Địa lý là trung bình chung đã vượt quá 5 điểm. Với mốc điểm này, thí sinh đã có thể đạt đủ điểm để xét đại học. Tư tưởng như thế cũng ảnh hưởng đến điểm Lịch sử thấp như kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/giam-doc-so-gddt-da-nang-mon-lich-su-qua-han-lam-a377390.html