Giám đốc Sở GD Thái Bình nêu 4 đề xuất để phát triển giáo dục giai đoạn tới

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong phát triển giáo dục và đào tạo, Sở GD&ĐT Thái Bình có đề xuất 4 nhóm nội dung quan trọng.

LTS: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo kế hoạch, ngày 14/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để có góc nhìn toàn diện về giáo dục và đào tạo trong thời gian qua của tỉnh Thái Bình - một trong các địa phương nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình.

Phóng viên: Là một địa phương nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”? Đồng thời, ông có kỳ vọng gì thông qua Hội nghị này?

Ông Nguyễn Viết Hiển: Thái Bình là một trong những tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, có lợi thế về phát triển giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, giáo dục Thái Bình nói riêng, giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Để giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa; hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết và kịp thời.

Với dự kiến thành phần tham dự hội nghị bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương, lãnh đạo các địa phương trong vùng, chúng tôi kỳ vọng hội nghị sẽ đánh giá đầy đủ, chi tiết các lợi thế của vùng; kết quả, chất lượng giáo dục đạt được của giáo dục và đào tạo giai đoạn vừa qua; chỉ ra được những khó khăn, hạn chế vướng mắc đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tăng cường sự liên kết vùng; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của các địa phương…

Phóng viên: Thời gian qua, giáo dục và đào tạo tại địa phương đã gặt hái được kết quả tiêu biểu nào? Bên cạnh đó, có phải đối mặt những khó khăn, vướng mắc nào không thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Hiển: Trong thời gian qua, ngành giáo dục Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; các văn bản của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời thể chế các văn bản của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Quy mô trường lớp được bố trí sắp xếp lại theo hướng tinh gọn đầu mối, mở rộng quy mô số lớp/trường, tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân học tập nhưng vẫn đảm bảo giữ vững ổn định chất lượng dạy và học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tỉ lệ phòng học kiên cố tăng đều qua các năm học. Ngành giáo dục và đào tạo luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được giao trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ.

Là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước đạt phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Thái Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022. Như vậy, Thái Bình là tỉnh thứ 7 của cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và chuẩn xóa mù chữ ở mức cao nhất.

Thái Bình là tỉnh thứ 7 của cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và chuẩn xóa mù chữ ở mức cao nhất. Ảnh: NVCC.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ổn định ở mức cao (trên 98%). Năm học 2021-2022, Thái Bình nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có phổ điểm trung bình chung tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất cả nước.

Từ năm 2014 đến nay, đã có 03 lượt học sinh đoạt huy chương vàng Toán quốc tế. Giáo dục toàn diện được chú trọng và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, năm 2022 Thái Bình đạt giải Nhì toàn quốc tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; giành giải cao tại Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh học sinh trung học phổ thông toàn quốc; học sinh Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà) đạt quán quân cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22”

Công tác tự chủ quản trị trường học được tăng cường gắn với trách nhiệm giải trình; công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng, việc quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả; công tác công khai, kiểm định chất lượng đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Trong năm học 2021-2022 đã tổ chức thanh tra hành chính đối với 51 cơ sở giáo dục; thanh tra chuyên ngành đối với 02 phòng Giáo dục và Đào tạo và 55 cơ sở giáo dục.

Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng, nhiều mô hình học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Thái Bình là tỉnh có mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên của cả nước, hiện toàn tỉnh có 260 Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng, cơ cấu và được chuẩn hóa. Toàn tỉnh có có 84,70% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn (trong đó 22,88% trên chuẩn); 100% cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý. Hầu hết cán bộ, giáo viên yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã có sự tập trung ưu tiên cho các tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý được đẩy mạnh. Dạy học trực tuyến đã được triển khai trong tất cả các cơ sở giáo dục. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến được triển khai đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho cơ quan quản lý các cấp.

Ngoài ra, trong năm học vừa qua, ngành giáo dục Thái Bình còn tích cực tổ chức và tổ chức thành công các cuộc thi, hội thi dành cho cả cán bộ giáo viên và học sinh trên toàn tỉnh, thúc đẩy tinh thần thi đua, sáng tạo; tạo động lực học tập và phát triển giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, giáo dục Thái Bình vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc như:

Công tác phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn bất cập, cơ cấu đội ngũ chưa đồng bộ, thừa, thiếu cục bộ; có cấp học mầm non và một số môn học tiểu học thiếu nguồn tuyển dụng. Một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Điều kiện làm việc và chế độ chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, chưa tạo động lực cho đội ngũ trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng cao, nhất là cấp học mầm non.

Chủ trương mở rộng quy mô cấp tiểu học, trung học cơ sở loại hình trường tư thục chưa đạt được kết quả đề ra; quy mô và chất lượng giáo dục ở các trường trung học phổ thông ngoài công lập chưa đồng đều, chưa ổn định.

Hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục chưa đảm bảo cho việc chuyển đổi số mạnh mẽ, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu.

Những khó khăn, vướng mắc trên có những nguyên nhân chủ yếu như:

Thái Bình đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đã đạt được những bước phát triển bứt phá, tuy nhiên, vẫn là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ảnh hưởng nhiều đến sự quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục;

Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vài trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, nhà giáo giỏi tích cực phấn đấu và yên tâm công tác.

Thực hiện phân cấp quản lý giáo dục còn bất cập, quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính chưa đồng bộ.

Học sinh thực hành giờ Tin học. Ảnh: NVCC.

Phóng viên: Đối với những chính sách hỗ trợ và phát triển, đặc biệt trong đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Thái Bình có gặp bất cập gì trong thực tiễn triển khai, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Hiển: Xã hội hóa giáo dục là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, là nhiệm vụ mang tầm chiến lược, được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời xã hội hóa giáo dục là con đường quan trọng để thực hiện dân chủ hóa giáo dục, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, còn có những khó khăn nhất định, giải pháp huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp trong xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng xã hội học tập, tham gia kế hoạch giáo dục của nhà trường, nhất là cùng nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm, nâng cao chất lượng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm..., góp phần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất cần thiết.

Đồng thời, việc thực hiện vận động, thu hút sự tham gia, ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của nhân dân trong việc đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thành lập cơ sở giáo dục tư thục... sẽ góp phần tích cực trong việc huy động trẻ đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm áp lực tuyển sinh lên các trường công lập; thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới.

Công tác xã hội hóa giúp người dân được thụ hưởng, có thêm sự lựa chọn, tạo điều kiện cho các cấp quản lý điều chỉnh chính sách về giáo dục, tạo việc làm cho đội ngũ nhà giáo, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa trường công lập và trường tư thục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy giáo dục phát triển.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xã hội hóa giáo dục như:

Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó khuyến khích, ưu tiên phát triển các trường mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, đô thị và khu vực có điều kiện kinh tế phát triển; Quy định một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Thái Bình đến năm 2020; Quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó có một có phần huy động sự đóng góp từ gia đình người học để phát triển giáo dục; Đề án dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; trong đó 100% nguồn vốn thực hiện là huy động kêu gọi đầu tư của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân; Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”...

Do đó, công tác xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Nhận thức về công tác xã hội hóa giáo dục của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân có nhiều chuyển biến; đã có sự quan tâm, chăm lo, huy động sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, đặc biệt là cha mẹ học sinh trong việc đóng góp công sức, xây dựng trường lớp, vận động học sinh đi học và tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội. Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục tăng nhanh, đặc biệt ở cấp học mầm non và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, tư vấn du học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình gặp mặt học sinh tiêu biểu năm học 2021-2022. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Đề án xã hội giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030 nhằm giải quyết những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn đã gặp phải xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia vào xã hội hóa giáo dục như:

Chính sách hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ tiền học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng các chính sách; đối với trẻ 5 tuổi, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ học tại các trường tư thục bằng mức học phí của các trường mầm non công lập trên địa bàn;

Đối với học sinh trung học cơ sở, hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tư thục bằng mức học phí của các trường công lập cùng cấp trên địa bàn;

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ tất cả các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện hoạt động, mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non;

Đối với các trường tiểu học, trung học và các độ tuổi phổ cập mẫu giáo: Nhà nước hỗ trợ thiết bị dạy học tối thiểu (theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo) định mức áp dụng bằng định mức các trường công lập trên địa bàn. Giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bình đẳng như giáo viên công lập trên địa bàn...

Phóng viên: Từ những khó khăn, vướng mắc đó, Sở có kiến nghị, đề xuất gì để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Viết Hiển: Thứ nhất, đề nghị Quốc hội bổ sung quy định về phổ cập mẫu giáo 3, 4 tuổi, vì hiện nay, theo Điều 14 của Luật Giáo dục 2019, quy định: Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chưa có quy định đối với 02 độ tuổi này, trong khi đó với các điều kiện thuận lợi của khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và của Thái Bình nói riêng, các tiêu chí về phổ cập mẫu giáo cơ bản đã đáp ứng.

Việc bổ sung độ tuổi phổ cập nhằm tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, góp phần nâng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường; đảm bảo được mục tiêu theo Điều 23 Luật Giáo dục 2019: Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 đảm bảo phù hợp với các Luật hiện hành; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 trong đó bổ sung đối tượng giáo viên, trẻ em ở các cụm công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ (hiện đang quy định hỗ trợ ở khu công nghiệp, chưa có quy định hỗ trợ ở cụm công nghiệp); Không thực hiện việc tinh giản biên chế giáo viên hằng năm một cách cơ học để giảm áp lực về thiếu đội ngũ cho ngành giáo dục.

Thứ ba, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành, hoặc tham mưu ban hành: Quy định về dạy thêm, học thêm (thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm).

Hiện nay, chương trình thay sách giáo khoa đang được triển khai, văn bản quy phạm pháp luật về định mức, cơ cấu giáo viên thay đổi, dẫn đến việc xác định số lượng giáo viên cần và giáo viên từng môn học còn nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung trên; ban hành quy định chức danh nghề nghiệp cần có sự thống nhất, đồng bộ so với các lĩnh vực, chuyên ngành khác.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu ban hành chính sách đối với nhân viên trường học; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với các cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, đề nghị các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-doc-so-gd-thai-binh-neu-4-de-xuat-de-phat-trien-giao-duc-giai-doan-toi-post235915.gd