Giám đốc Sở Giáo dục Hậu Giang nêu 8 khó khăn khi phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Đa số học viên các lớp xóa mù chữ trong độ tuổi tham gia lao động nên việc duy trì các lớp xóa mù chữ không đảm bảo đến khi kết thúc lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 18/3/2023.

Điểm mới của Dự thảo là quy định rõ hơn về độ tuổi của đối tượng phổ cập giáo dục.

Cụ thể, đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 tính đến trước ngày 1/7/2020 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học (bổ sung tính thời gian cho đối tượng phổ cập); Đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 62 chưa biết chữ (tăng tuổi tối đa cho đối tượng xóa mù - quy định hiện hành đang quy định độ tuổi từ 15 đến 60)...

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ. Trong đó, tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.

Đối với xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 62 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Đối với xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo không chia thành các đơn vị hành chính cấp xã, tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ nào áp dụng theo tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của cấp xã ở mức độ đó.

Bàn về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng đã có những chia sẻ về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đồng thời chỉ ra những khó khăn, nỗ lực khắc phục của ngành giáo dục tỉnh.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Trung học phổ thông Tân Phú (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Trường Trung học phổ thông Tân Phú.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Trung học phổ thông Tân Phú (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Trường Trung học phổ thông Tân Phú.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, tính đến hiện tại, qua kết quả kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2022, tỷ lệ người chưa biết chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi của địa phương là 4,05%. Trong đó, tỷ lệ người mù chữ mức độ 1 là 0,07%; tỷ lệ người mù chữ mức độ 2 là 3,98%.

“Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được sự quan tâm sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn toàn tỉnh”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị, nhiều cơ chế chính sách của tỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo đã ban hành, đặc biệt là Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 25/4/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 01/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

“Thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, hệ thống quy mô trường, lớp ổn định và phát triển, các điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học ở các trường hàng năm được đầu tư, bổ sung, môi trường sư phạm được cải thiện, công tác huy động học sinh ra lớp hàng năm đạt tỷ lệ ngày càng cao.

Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực, phong trào đổi mới phương pháp dạy học được cán bộ quản lý, giáo viên nhiệt tình hưởng ứng. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã nhận được sự hưởng ứng của toàn thể xã hội.

Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp tới các ấp, khu vực và dòng họ. Giáo dục dân tộc được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

8 khó khăn trong thực tế triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Cho ý kiến Dự thảo về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Chính phủ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang nhận thấy đây là những sửa đổi phù hợp.

Song, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thực tế ở địa phương.

Thứ nhất, nguồn kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu, quy mô phát triển của giáo dục và đào tạo, nhu cầu thực tế của địa phương. Đặc biệt, nguồn kinh phí đầu tư cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, các điều kiện đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và tốc độ phát triển của ngành.

Theo vị lãnh đạo Sở, cơ sở vật chất, phòng học tuy đã được ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa theo hướng kiên cố nhưng diện tích một số phòng chưa đạt yêu cầu. Một số trường còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, môi trường vui chơi, học tập cho học sinh còn hạn chế.

Thứ ba, việc theo dõi, cập nhật và quản lí đối tượng phổ cập cũng như vận động đối tượng trong độ tuổi ra lớp phổ thông, lớp xóa mù chữ khó khăn do nhiều hộ gia đình chuyển chỗ ở từ nông thôn ra thành thị, các khu, cụm công nghiệp để làm kinh tế.

Thứ tư, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tuy tăng lên hàng năm, song ở các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho khối lớp 4 và lớp 5.

Thứ năm, đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Thứ sáu, trong quá trình thực hiện phổ cập, ở cấp trung học cơ sở, thói quen của người dân vẫn muốn con em học lên để thi vào các trường cao đẳng, đại học, không muốn cho con học nghề sớm, dẫn đến tình trạng tỉ lệ học nghề sau tốt nghiệp trung học cơ sở thấp. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Thứ bảy, công tác huy động, duy trì sĩ số gặp nhiều khó khăn.

“Đa số học viên các lớp xóa mù chữ trong độ tuổi tham gia lao động nên việc duy trì các lớp xóa mù chữ không đảm bảo đến khi kết thúc lớp. Bên cạnh đó, công tác điều tra, cập nhật đối tượng phổ cập gặp nhiều khó khăn”, bà Hằng chia sẻ.

Thứ tám, hệ thống phần mềm quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn hiện tượng lỗi khi cập nhật dữ liệu, thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cho các địa phương còn trễ và không đủ thời gian để các đơn vị hoàn thành cập nhật số liệu.

Chủ động khắc phục khó khăn, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, ngành giáo dục đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Công văn số 620-CV/TU ngày 13/3/ 2018 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

Trong đó, cụ thể hóa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ phù hợp theo điều kiện của từng địa phương, nâng mức độ những nơi có điều kiện.

Tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền để chỉ đạo, triển khai tốt ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban ngành, tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đưa trẻ ra lớp khi đến tuổi quy định, trẻ bỏ học trở lại trường, đảm bảo huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, đồng thời tạo điều kiện để các em hoàn thành chương trình lớp học, cấp học... tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu.

"Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đẩy mạnh tiến hành rà soát tình hình biên chế, phân công cán bộ giáo viên ở cơ sở, thẩm định các đề án ghép trường, điểm trường tại cơ sở. Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ sinh viên/dân, công tác huy động, duy trì sĩ số học sinh, chống lưu ban bỏ học đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Cũng theo vị giám đốc Sở, ngành giáo dục tỉnh cũng phối hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giúp đỡ học sinh có khó khăn trong học tập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Đồng thời, phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức trong và ngoài nhà trường để hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, nhằm ngăn chặn tình trạng các em bỏ học giữa chừng; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, thu hút học sinh.

Đẩy mạnh tham mưu xây dựng chế độ chính sách cho người học, người dạy góp phần tạo điều kiện dạy tốt - học tốt, duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-doc-so-giao-duc-hau-giang-neu-8-kho-khan-khi-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-post232889.gd