Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực của ngành Nông nghiệp tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết đã có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri.

* Cử tri kiến nghị về tình trạng sạt lở một số đoạn đê sông, đê biển trên địa bàn TX. Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Về tình hình sạt lở, tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn sông Mê kông, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn, làm phù sa, bùn, cát từ thượng nguồn về giảm đáng kể; mật độ dân cư, hạ tầng tập trung ven sông tăng mạnh, gây áp lực về tải trọng lên bờ sông, bờ biển làm cho sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt 3 năm gần đây sạt lở đã không theo quy luật thời gian và địa điểm (xảy ra mọi tháng trong năm và trên hầu hết địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng), công tác phòng, chống và khắc phục hết sức khó khăn.

Sạt lở bờ sông, sạt lở bờ Kênh số 1 - đoạn qua khu vực chợ Kế Sách; Rạch Vọp - đoạn qua khu vực chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội; đoạn trước UBND xã Trinh Phú, huyện Kế Sách; sạt lở bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Mọp, huyện Long Phú chiều dài khoảng 990m, có khoảng 270 hộ dân bị ảnh hưởng, trụ sở Đảng ủy, UBND thị trấn Đại Ngãi, chợ, đường giao thông đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm; sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn các xã, thị trấn, huyện Cù Lao Dung ảnh hưởng trụ sở đồn biên phòng, xã An Thạnh 3, 21 hộ dân khu vực Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 và cây trái, hoa màu của người dân sống dọc theo tuyến đê tả, hữu Cù Lao Dung.

Sạt lở bờ biển: Chiều dài khoảng 6km, từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4, thuộc địa bàn xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trong đó: đoạn sạt lở từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 2, thuộc địa bàn xã Lai Hòa, TX. Vĩnh Châu, chiều dài khoảng 3km. Vừa qua, đã được Trung ương bố trí vốn để thực hiện hạng mục công trình gia cố sạt lở đê (từ nguồn vốn chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh), hiện tỉnh đang triển khai thực hiện dự án. Đoạn từ cống số 2 đến cống số 4 thuộc địa bàn xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu, chiều dài khoảng 3.000m hiện có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh, đã phát sinh thêm 16 điểm sạt lở mới (chiều dài đoạn sạt lở > 20m), tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, TX. Vĩnh Châu và TP. Sóc Trăng, chiều dài khoảng 1.810m, làm thiệt hại 25 căn nhà bán kiên cố, sạt lở trên 1.000m đường giao thông, điện hạ thế… UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm, các địa phương triển khai các bước khắc phục sạt lở theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ gia cố sạt lở từ năm 2018 đến nay: Vốn Trung ương: đã hỗ trợ cho tỉnh 190 tỉ đồng để gia cố sạt lở bờ sông, trong đó: 110 tỉ đồng, gia cố sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách, đã triển khai công trình kè gia cố dài 1.493 mét tại bờ kênh số 1, khu vực chợ Kế Sách. Hiện công trình đã bàn giao, sử dụng; 80 tỉ đồng gia cố sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Hiện tại đang triển khai bước lập dự án đầu tư.

UBND tỉnh đã có văn bản trình Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh khoảng 475 tỉ đồng (gia cố sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách 43 tỉ đồng, huyện Long Phú 208 tỉ đồng, TX. Vĩnh Châu 120 tỉ đồng và 2 dự án di dời dân khu vực sạt lở trên địa bàn TX. Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung với tổng kinh phí khoảng 104 tỉ đồng).

Vốn địa phương: tỉnh đã trích dự phòng ngân sách tỉnh khoảng 25,2 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục các đoạn sạt lở bờ sông nguy hiểm (huyện Long Phú: 5,4 tỉ đồng, Mỹ Xuyên: 4 tỉ đồng, Cù Lao Dung 3,3 tỉ đồng, huyện Kế Sách dự kiến khoảng 7 tỉ đồng, TP. Sóc Trăng khoảng 3 tỉ đồng và TX. Vĩnh Châu khoảng 2,5 tỉ đồng). Ngoài ra, từ nguồn Trung ương hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2019 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, theo đề nghị của địa phương đã hỗ trợ 2 huyện xung yếu là Kế Sách và Cù Lao Dung đầu tư gia cố bờ bao, khắc phục sạt lở với tổng kinh phí trên 20 tỉ đồng.

Giải pháp đối với các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển: UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm tại các khu vực sạt lở trên địa bàn tỉnh (ban hành 4 quyết định).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp sở, ngành liên quan và địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở để cảnh báo người dân hạn chế ở và đi vào các khu vực sạt lở nguy hiểm; di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân có nhà trong khu vực sạt lở di dời đến nơi ở khác an toàn.

Chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng kè gia cố khẩn cấp khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách.

Tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình và thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển, để người dân nâng cao nhận thức không xây dựng nhà ở ven sông, rạch.

UBND các huyện, thị chỉ đạo tăng cường kiểm soát địa bàn, không để phát sinh mới trường hợp xây dựng nhà ven sông, kênh, rạch đề phòng sạt lở.

* Cử tri kiến nghị về công trình giao thông hư hỏng, xuống cấp tại Bến cá Mỏ Ó, huyện Trần Đề.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Công trình giao thông lộ và cầu ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đang trong thời gian bảo hành.

Lộ giao thông có bị bong tróc một số vị trí: Nguyên nhân do xe quá tải đi trên tuyến (tải trọng 10 tấn, nhưng xe tải đi trên đường từ 15 - 20 tấn, thậm chí 25 tấn), mặt khác một bên người dân làm ruộng đắp đất lên mé đường không cho nước chảy xuống ruộng và một bên công trình nạo vét kênh đắp lên, tạo thành mương chứa nước.

Cầu giao thông 2 bên mố cầu và thân cầu chưa láng nhựa: Do chờ lún theo thiết kế nhưng đã rải đá, xe qua lại bình thường.

Ngày 11-11-2019, Ban Quản lý Dự án (QLDA) Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với huyện, xã, đơn vị giám sát và thi công sẽ khắc phục các tồn đọng trên như sau: Huyện sẽ cử lực lượng công an huyện, xã kiểm soát lượng xe quá tải không cho lưu thông trên đường; UBND xã Liêu Tú có phương án di dời lượng đất thừa hai bên lề đường để thoát nước mặt đường, đề xuất huyện đầu tư nạo vét 1 kênh thủy lợi phía bên ruộng để tiêu thoát nước cho người dân và tránh ứ đọng nước trên mặt đường; đơn vị thi công sẽ khắc phục các tồn đọng hoàn thành trước ngày 15-12-2019; Ban QLDA Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng và đơn vị giám sát có trách nhiệm giám sát quá trình khắc phục của nhà thầu. Hiện nay nhà thầu thi công cho phương tiện đến công trình hoàn thiện mố cầu và thân cầu đến ngày 5-12-2019 và sau đó dặm vá lại những vị trí bị bong tróc.

* Cử tri kiến nghị về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão huyện Trần Đề.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Dự án Đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá Kinh Ba, huyện Trần Đề đã được phê duyệt dự án tại Quyết định số 1175/QĐHC-CTUBND, ngày 15-8-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Công trình đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, hiện khu neo đậu bị bồi lắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí vốn nạo vét công trình, cụ thể như sau: Tên công trình: Nạo vét khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Kinh Ba. Địa điểm: huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; nguồn vốn: kinh phí thực hiện chính sách sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2017 (vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư); quy mô đầu tư: tổng chiều dài nạo vét khoảng 1,120km; tổng mức đầu tư: 4.973.086.448 đồng; đơn vị trúng thầu thi công xây dựng: Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Mai - Công ty TNHH MTV Hà Minh Kiên; thời gian thực xây lắp: 80 ngày; tiến độ thực hiện: khởi công ngày 12-10-2019; tiến độ hợp đồng: 45/80 ngày, khoảng 56%...

* Cử tri kiến nghị về nguồn nước sinh hoạt thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn ở TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: TX. Vĩnh Châu: Công trình cấp nước sinh hoạt cho khu tái định cư Trà Sết xã Vĩnh Hải (UBND TX. Vĩnh Châu bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn) nguồn nước ngầm khai thác từ giếng bị nhiễm mặn. Trung tâm đã thực hiện công trình lắp đặt tuyến ống mở rộng mạng dẫn nước ngọt từ Trạm Cấp nước Giồng Chùa thuộc ấp Huỳnh Kỳ xã Vĩnh Hải dẫn nước cấp sinh hoạt cho khu tái định cư Trà Sết, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 18-10-2019 đến nay.

Trạm Cấp nước xã Lai Hòa đang cấp nước cho 529 hộ dân, để tăng cường công tác cấp nước đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho người dân, thời gian vừa qua trung tâm đã thực hiện nâng cấp cải tạo hệ thống lọc và súc xả toàn bộ tuyến ống cấp nước, đã thực hiện hoàn thành ngày 5-11-2019.

Khu vực xã Lạc Hòa: Đầu tháng 11-2019, hộ dân phản ánh nước bị nhiễm mặn, trung tâm đã tiến hành xác minh lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước tại nhà hộ dân, kết quả độ mặn dưới ngưỡng 300mg/lít, đạt tiêu chuẩn cấp nước, kết quả xét nghiệm đã gửi UBND xã Lạc Hòa.

TX. Ngã Năm: Trạm Cấp nước xã Mỹ Bình, giếng khoan bị nhiễm mặn, trung tâm đã khắc phục từ năm 2017 bằng giải pháp dẫn nước từ Trạm Cấp nước Long Bình và Trạm Cấp nước Mỹ Quới đấu nối vào tuyến ống mạng của Trạm Mỹ Bình và ngưng khai thác giếng khoan tại Trạm Mỹ Bình. Đến nay các trạm cấp nước đều hoạt động bình thường, phục vụ cấp nước ngọt cho người dân, không phát hiện giếng khoan nào bị nhiễm mặn mới.

* Cử tri kiến nghị: dịch tả heo châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp, giá gia cầm giảm sâu. Giải pháp của tỉnh trong việc ngăn chặn dịch bệnh, công tác thống kê, hỗ trợ heo bị tiêu hủy và khôi phục lại đàn heo, ổn định tình hình chăn nuôi, sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh lở mồm long móng, tai xanh nhưng chỉ xuất hiện nhỏ lẻ và đã được khống chế nên không lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên từ tháng 10-2019 đến nay, dịch bệnh đã giảm, chỉ xuất hiện nhỏ lẻ do ý thức người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh.

Ngày 1-11-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 2334/SNN-CCCNTY về việc hướng dẫn điều kiện tái đàn heo sau dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể như sau: Có quyết định công bố hết dịch tại địa phương; phải đăng ký với chính quyền địa phương trước khi tái đàn gồm các thông tin cơ bản: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc con giống, số lượng, lứa tuổi, trọng lượng bình quân/con, ngày dự kiến thả nuôi...; người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan tài nguyên và môi trường đối với các trường hợp phải đăng ký với cơ quan tài nguyên và môi trường theo quy định; khi tái đàn phải chấp hành nghiêm chỉnh việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn và các điều kiện về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Về thống kê hỗ trợ tiêu hủy, đến ngày 31-9-2019, UBND tỉnh đã có các quyết định hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là 114.323.333.000 đồng để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Các giải pháp ổn định trong thời gian tới, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như: Thông tin tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát, xác minh, tiêu hủy heo bệnh; kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo trên địa bàn; vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và những nơi dễ phát sinh dịch bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi và tái đàn.

Hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được khống chế, dịch chỉ xuất hiện nhỏ lẻ, do đó ngành nông nghiệp xác định chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch. Để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại, cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi về dịch bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu khống chế dập tắt dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm vào trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn, đặt biệt là các cơ sở chăn nuôi heo nái, heo đực giống. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhiệp, tổ chức, hộ chăn nuôi có sản phẩm heo an toàn được xuất bán và tiêu thụ.

Thực hiện tái đàn có kiểm soát, từng bước quản lý, kiểm soát chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tập trung khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi khép kín.

* Cử tri kiến nghị về dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung (gọi tắt là dự án WB9) đang chậm triển khai.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch. Về nguyên nhân chậm tiến độ: Do sử dụng vốn ODA nên các thủ tục và hồ sơ đều phải thông qua Ban QLDA TW các dự án thủy lợi (CPO) và Ngân hàng thế giới (WB) nên kéo dài thêm thời gian thực hiện. Trong dự án, có hợp phần sinh kế, đây là công việc rất mới và theo quy định của WB thì kế hoạch thực hiện các mô hình sinh kế phải được WB thông qua, khi đó mới triển khai phần xây dựng. Dự án cần phải lập nhiều khung chính sách (như chính sách tái định cư, chính sách môi trường xã hội, chính sách dân tộc thiểu số…). Do có sự thay đổi về nhân sự từ phía ngân hàng nên nhiều thủ tục phải giải trình và làm rõ nhiều lần. Công tác giải phóng mặt bằng: Hội đồng giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện cơ bản phương án bồi hoàn hạng mục Đường tỉnh 933B. Tuy nhiên, đến ngày 2-8-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND quy định về mật độ, định mức, đơn giá bồi thường. Do đó, hội đồng phải kiểm đếm, xác định lại phần cây cối, hoa màu… bị ảnh hưởng nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Hầu hết các gói thầu Đường tỉnh 933B, xây lắp khôi phục rừng ngập mặn; đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp; đê sông; đê biển sẽ được triển khai trong tháng 11 và 12-2019.

* Cử tri kiến nghị có chính sách bình ổn giá đối với các mặt hàng nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra sản phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, mua bán; bình ổn giá thịt heo; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Việc bình ổn giá ở các địa phương thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đem lại hiệu quả khá thiết thực. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của kinh tế thế giới, trong nước và khu vực, nên giá cả một số mặt hàng có biến động mạnh, để bình ổn giá đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban, ngành tại địa phương phải vào cuộc đồng bộ. Với câu hỏi này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ghi nhận sẽ phối hợp với sở, ngành của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu các giải pháp để tham mưu tốt cho cơ quan có thẩm quyền quyết định chính sách bình ổn giá đối với các mặt hàng nông nghiệp.

Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Về công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm: Kiểm tra đánh giá định kỳ, kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 282 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản và thủy sản; xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho 34 sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm. Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi: thu 370 mẫu thủy sản. Kết quả: phát hiện 2 mẫu tôm sú thương phẩm, 7 mẫu tôm chân trắng thương phẩm tồn dư lượng kim loại nặng nhưng chưa vượt giới hạn cho phép theo quy định. Hoạt động chuyên ngành: Thực hiện lấy 300 mẫu sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản kiểm tra chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả: 32 mẫu phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,7%), 15 mẫu phát hiện dư lượng hóa chất nhưng chưa vượt giới hạn cho phép (chiếm 5%). Đối với các mẫu nhiễm, chi cục đã thông báo kết quả phân tích mẫu cho cơ sở biết và yêu cầu phối hợp với chi cục tiến hành xác định nguyên nhân mẫu nhiễm và đề xuất với Phòng Thanh tra pháp chế hậu kiểm lại các hộ có sản phẩm không đảm bảo và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đề án Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản xuất nhập khẩu: thực hiện lấy 120 mẫu phân tích chỉ tiêu kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật. Kết quả: phát hiện 22 mẫu gạo tồn dư kim loại nặng nhưng chưa vượt giới hạn cho phép.

Thực hiện công tác thu mẫu nông sản nhập khẩu: thu 150 mẫu (100 mẫu trái cây và 50 mẫu thịt). 15/100 mẫu nhiễm As, thuốc bảo vệ thực vật (Propiconazol, Carbendazim, Acetamiprid Tebuconazole, Difenoconazole) không vượt giới hạn cho phép và 1/50 mẫu thịt (gà, trâu, bò) nhiễm Enrofloxacin không vượt giới hạn cho phép.

Thu 75 mẫu vật tư nông nghiệp: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y, chế phẩm sinh học. Kết quả: 7/30 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 2/15 mẫu chế phẩm sinh học, 4/5 mẫu phân bón có hàm lượng hoạt chất thấp hơn so với mức ghi trên nhãn.

Công tác thanh tra an toàn thực phẩm. Trong năm đã triển khai thực hiện 8 kế hoạch thanh tra liên ngành đột xuất về an toàn thực phẩm. Qua đó, chi cục đã thanh tra, kiểm tra 83 cở sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm nông sản và thủy sản đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 95.533.000 đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực sản xuất có côn trùng, động vật gây hại; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đội mũ, mang khẩu trang theo quy định; không tự công bố lại sản phẩm, đăng ký lại bản tự công bố sản phẩm theo quy định; sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đáp ứng kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, buôn bán trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp.

* Cử tri kiến nghị tiếp tục mở rộng mô hình liên kết nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa theo chuỗi liên kết tại các hợp tác xã HTX); đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển các HTX nông nghiệp, đồng bộ với các HTX thương mại - dịch vụ, quan tâm thực hiện tốt liên kết 4 nhà nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương; quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Tiếp tục mở rộng mô hình liên kết nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa theo chuỗi liên kết tại các HTX, trong thời gian qua, ngành đã tập trung hỗ trợ HTX ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động: Toàn tỉnh có 27 HTX, tổ hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ (tiêu chuẩn VietGAP, ASC) vào sản xuất, trong đó 19 HTX, THT ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP); 8 HTX, THT nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có doanh nghiệp bao tiêu cho thành viên HTX, THT.

Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển các HTX nông nghiệp, đồng bộ với các HTX thương mại - dịch vụ, quan tâm thực hiện tốt liên kết 4 nhà nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài việc triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, các huyện, thị xã, UBND các xã và HTX tổ chức hội thảo gặp gỡ đối thoại giữa HTX, THT và doanh nghiệp, nên trong thời gian qua công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn ngày càng nhiều. Tính đến nay, có 34 HTX và 467 THT có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp; diện tích có hợp đồng bao tiêu là trên 64.180ha. Tình hình liên kết ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và thương lái tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Hàng năm đều có phối kết hợp với các đơn vị có liên quan tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả ra diện rộng trong sản xuất lúa và các lĩnh vực khác.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, phấn đấu mỗi địa phương 1 mô hình, đối với những địa phương đã có mô hình tiếp tục nhân rộng. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình VietGAP, công nghệ sản xuất sinh học...

Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản chế biến nông sản. Khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị bảo quản sơ chế, chế biến nông sản kết hợp với các biện pháp tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Tăng cường công tác thông tin về thị trường và dự báo thị trường nông sản để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nông dân.

Tiếp tục vận động, tuyên truyền, mời gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, THT ngày càng nhiều để người dân giảm chi phí đầu vào và tiêu thụ nông sản được ổn định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết tranh chấp hợp đồng xảy ra theo hướng hài hòa lợi ích các bên tham gia và đảm bảo đúng luật, đúng quy định.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX, THT làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất trong thời gian tới.

Quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhìn chung, các quy hoạch, đề án đã được tổ chức triển khai thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và lộ trình quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

* Cử tri kiến nghị sớm có chủ trương nhân rộng mô hình sản xuất lúa ST25; kiến nghị Trung ương có văn bản hướng dẫn chi tiết, thống nhất về nhiệm vụ, quy trình, thủ tục thực hiện đánh giá sản phẩm OCOP; sớm quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung để dễ quản lý, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Sớm có chủ trương nhân rộng mô hình sản xuất lúa ST25. Giống lúa thơm ST25 được doanh nghiệp Hồ Quang nghiên cứu, lai tạo và sản xuất trong thời gian gần đây, nên diện tích sản xuất và sản lượng còn ít. Đơn vị sẽ phối hợp với doanh nghiệp Hồ Quang tiến hành giới thiệu cho nông dân sản xuất thử trên diện rộng tại các vùng chuyên canh lúa đặc sản trong tỉnh, nhằm đủ điều kiện hồ sơ xét công nhận giống quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất lúa thơm ST25 trên diện rộng, thông qua Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020.

Kiến nghị Trung ương có văn bản hướng dẫn chi tiết, thống nhất về nhiệm vụ, quy trình, thủ tục thực hiện đánh giá sản phẩm OCOP. Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đã ban hành quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cũng như quy định thành phần hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP các cấp, quy định yêu cầu về hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP.

Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có kiến nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn chi tiết để triển khai công tác đánh giá sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị Trung ương bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá những sản phẩm đặc thù của địa phương vào bộ tiêu chí quốc gia, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sớm quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung để dễ quản lý, hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Tính đến tháng 10-2019, tổng số nhà yến trên địa bàn tỉnh là 482 nhà, cụ thể: TP. Sóc Trăng 108 nhà, Châu Thành 22 nhà, Kế Sách 68 nhà, Long Phú 14 nhà, Mỹ Tú 10 nhà, Mỹ Xuyên 43 nhà, Trần Đề 42 nhà, TX. Ngã Năm 14 nhà, Thạnh Trị 14 nhà, Cù Lao Dung 15 nhà, TX. Vĩnh Châu 132 nhà. Đến ngày 25-11-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y mới nhận đủ văn bản đề xuất vùng nuôi chim yến trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trong tuần đầu của tháng 12-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tổng hợp đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến cụ thể cho từng địa phương sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của dân cư tại khu vực nuôi chim yến.

Trong lúc chờ Luật Chăn nuôi, nghị định Chính phủ, thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hướng dẫn cụ thể có hiệu lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan cùng địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22-7-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 1712/UBND-TH, ngày 15-8-2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2022/UBND-TH, ngày 24-9-2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc kiểm soát hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi chim yến, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên chim yến và một số bệnh có thể lây sang người (cúm H5N1), có lộ trình cụ thể chấm dứt tình trạng phát triển nuôi tự phát trong các khu nội thành, nội thị.

* Cử tri kiến nghị hỗ trợ di dời, tái định cư khu vực bờ kè ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội; sớm hoàn thành tuyến đường thuộc ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Về hỗ trợ di dời, tái định cư khu vực bờ kè ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, theo rà soát vị trí tái định cư khu vực ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội thì đây là địa điểm sạt lở phát sinh mới, không có trong danh mục dự án được phê duyệt tại Quyết định số 307/QĐ-UBND, ngày 5-2-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Dự án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 9-9-2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 1902/UBND-VX gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề xuất danh mục Dự án Bố trí ổn định dân cư thực hiện trong năm 2019 - 2020, trong đó, có đề xuất Dự án Bố trí dân cư cấp bách vùng thiên tai, sạt lở tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. Theo nội dung công văn, có đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.

Về việc sớm hoàn thành tuyến đường thuộc ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, công trình giao thông lộ và cầu ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đang trong thời gian bảo hành. Lộ giao thông có bị bong tróc một số vị trí: Nguyên nhân do xe quá tải đi trên tuyến (tải trọng 10 tấn, nhưng xe tải đi trên đường từ 15 - 20 tấn, thậm chí 25 tấn). Mặt khác, một bên người dân làm ruộng đắp đất lên mé đường không cho nước chảy xuống ruộng và một bên công trình nạo vét kênh đắp lên, tạo thành mương chứa nước. Cầu giao thông hai bên mố cầu và thân cầu chưa láng nhựa: Do chờ lúng theo thiết kế nhưng đã rải đá xe qua lại bình thường.

Ngày 11-11-2019, Ban QLDA Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với huyện, xã, đơn vị giám sát và thi công sẽ khắc phục các tồn đọng trên như sau: Huyện sẽ cử lực lượng Công an huyện, xã kiểm soát lượng xe quá tải không cho lưu thông trên đường. UBND xã Liêu Tú có phương án di dời lượng đất thừa hai bên lề đường để thoát nước mặt đường, đề xuất huyện đầu tư nạo vét 1 kênh thủy lợi phía bên ruộng để tiêu thoát nước cho người dân và tránh ứ đọng nước trên mặt đường. Đơn vị thi công sẽ khắc phục các tồn đọng hoàn thành trước ngày 15-12-2019.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung. Ngày 29-11-2019, chủ đầu tư đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2, UBND huyện Cù Lao Dung, các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng và các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao mặt bằng thi công gói thầu ST-CW-01: Thi công xây dựng tuyến đường 993B. Hiện đơn vị thi công đang gấp rút chuyển xe, máy, trang thiết bị, nhân lực và xây dựng lán trại, bến bãi để sớm triển khai thi công tuyến lộ nêu trên.

Về công tác giải phóng mặt bằng: Tiếp tục đôn đốc Ban Quản lý Dự án 2, Sở Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Cù Lao Dung tiếp tục tiến hành chi trả đền bù cho dân trên khu vực tuyến lộ 933B; hoàn thiện kiểm đếm và lên phương án đền bù GPMB tuyến đê biển và đê sông; phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ cho đào đắp đê biển. Tiếp tục đôn đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, cấp nước sạch nông thôn gấp rút di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm trả mặt bằng phục vụ thi công.

Tiến hành bổ sung, hoàn thiện hồ sơ liên quan để chuẩn bị cho việc phê duyệt điều chỉnh dự án, giải pháp thi công đê biển... (phát sinh chi phí GPMB và vốn tư nhân để thực hiện các mô hình sinh kế.

Kiến nghị UBND tỉnh bổ sung vốn trung hạn do phát sinh tăng chi trả đền bù GPMB. Tiến hành ký kết các hợp đồng thi công xây lắp; tư vấn giám sát thi công xây dựng và tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu sinh kế năm 2019.

* Cử tri kiến nghị tổ chức đánh giá tình hình hoạt động của Trại giống cây trồng Long Phú, qua đó có những giải pháp cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực hơn; chấn chỉnh hoạt động của các trạm chăn nuôi và thú ý, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, nhất là công tác phối hợp với chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Tổ chức đánh giá tình hình hoạt động của Trại giống cây trồng Long Phú, qua đó có những giải pháp cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Tình hình hoạt động: Diện tích đất lúa: Trại giống Long Phú tập trung nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi tốt với điều kiện địa phương cho nông dân trong tỉnh, đạt hiệu quả cao.

Diện tích đất vườn: Trước đây nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao cho nông dân trong tỉnh. Những năm gần đây do giá mía xuống thấp, diện tích mía thu hẹp và chuyển sang cây trồng khác. Trại giống chỉ sử dụng một phần diện tích để trồng duy trì 1 số giống mía mới đã được nghiên cứu trước đây. Hiện nay, đơn vị có kế hoạch sử dụng diện tích này phục vụ công tác nhân giống cây ăn trái kết hợp xây dựng mô hình nghiên cứu kỹ thuật sản xuất các giống cây màu ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tận dụng ao mương có sẵn để nuôi trồng thủy sản.

Triển khai thực hiện hợp đồng sản xuất và cung ứng cây giống mít Thái và cây nhào cho doanh nghiệp Cẩm Châu.

Khó khăn: Do đơn vị không được hợp đồng lao động phổ thông nên gặp nhiều khó khăn trong công tác sản xuất của trại giống. Thiếu hụt và phụ thuộc vào nhân công lao động phổ thông tại chỗ vào lúc xuống giống và thu hoạch tập trung, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc của trại giống.

Giải pháp: Tổ chức nhân giống cây ăn trái cung cấp cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sản xuất. Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây ăn quả phía Bắc nghiên cứu và sản xuất cây trồng thích nghi tốt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như cây diêm mạch, các giống cây trồng nhập nội, các giống rau ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tập trung sản xuất và cung ứng cho nông dân các giống lúa cao sản và đặc sản chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương của tỉnh. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho đơn vị được phép ký hợp đồng dài hạn với nhân công lao động phổ thông tại trại giống, nhằm đảm bảo nguồn lao động thường xuyên phục vụ cho công tác sản xuất giống lúa, cây ăn trái, sản xuất cây màu có giá trị kinh tế cao.

Chấn chỉnh hoạt động của các trạm chăn nuôi và thú ý, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, nhất là công tác phối hợp với chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Về tổ chức, ngành nông nghiệp đặt tại địa bàn cấp huyện: Trạm chăn nuôi và thú y đặt ở huyện, thị, thành phố trong tỉnh (10 trạm) thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật đặt ở huyện, thị, thành phố trong tỉnh (10 trạm) thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Trạm khuyến nông đặt ở huyện, thị, thành phố trong tỉnh (10 trạm) thuộc Trung tâm Khuyến nông.

Về hoạt động quản lý: Để hoạt động có hiệu quả, năm 2017, ngành đã tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành quy chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức thuộc ngành nông nghiệp đặt tại địa bàn cấp huyện với UBND cấp huyện, các nhân viên kỹ thuật nông nghiệp trên địa bàn cấp xã với UBND cấp xã (Quyết định số 1028/QĐ-UBND, ngày 8-5-2017).

Qua phản ánh của cử tri chưa nêu rõ nội dung cần chấn chỉnh là gì trong hoạt động các trạm đặt tại huyện. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có trạm đặt tại huyện nghiêm túc thực hiện quy chế quản lý, phối hợp công tác với địa phương; tận tình phục vụ nhân dân trong hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. .

* Cử tri kiến nghị mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn; tăng công suất, nâng cao chất lượng nguồn nước trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đầu tư dự án chương trình nước sạch nông thôn cho huyện Thạnh Trị; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai dự án cấp nước tại ấp Rạch Rê, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú mà trước đây Trung tâm Nước sạch quốc gia đã khảo sát và chuyển giao lại cho sở.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết trả lời:

Để thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn; tăng công suất, nâng cao chất lượng nguồn nước trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ đề án cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2023, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1912/QĐ-UBND, ngày 6-8-2018. Để huy động nguồn vốn thực hiện đề án, trung tâm đã trình phương án điều chỉnh đề án cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2023. Theo đó, kiến nghị vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho tạm mượn 80.075 triệu đồng để thực hiện đề án (50% tổng nguồn vốn). Hiện nay, đề án đã được lấy ý kiến thông qua các sở, ban ngành và đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, trong đó, tổng chiều dài thực hiện nâng cấp mở rộng mạng là 719.688m, phục vụ cho 24.394 hộ dân.

Về đầu tư dự án chương trình nước sạch nông thôn cho huyện Thạnh Trị, căn cứ theo Đề án Cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh đề án và hỗ trợ cho tạm mượn 80.075 triệu đồng để thực hiện đề án, Trung tâm Nước sạch sẽ thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước cho các trạm cấp nước trên địa bàn huyện Thạnh Trị với tổng chiều dài 38.686m, phục vụ 970 hộ dân trên địa bàn các xã Lâm Tân, Tuân Tức, Thạnh Trị và xây dựng mới Trạm Cấp nước xã Vĩnh Thành, huyện Thạnh Trị.

Về việc đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai dự án cấp nước tại ấp Rạch Rê, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú mà trước đây Trung tâm Nước sạch quốc gia đã khảo sát và chuyển giao lại cho sở, căn cứ Công văn số 2136/UBND-KT, ngày 9-10-2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng, trong tháng 10-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao hồ sơ dự án 2 giếng khoan tại ấp Rạch Rê, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú cho Trung tâm Nước sạch. Trong thời gian tới, trung tâm tiến hành lập hồ sơ xin cấp phép khai thác theo quy định và thu hồi đất để xây dựng trạm cấp nước, giải quyết nhu cầu nước sạch của các hộ dân trên địa bàn ấp Rạch Rê, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú.

* Cử tri kiến nghị phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư (tiêu chí giao thông, trường học) cho xã Vĩnh Thành (xã điểm chỉ đạo của tỉnh), tạo điều kiện cho địa phương phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; bố trí kinh phí làm đập ngăn triều cường tại Rạch Chà và Rạch Bà Thủy để chống ngập tại chợ Mỹ Xuyên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết: Phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư (tiêu chí giao thông, trường học) cho xã Vĩnh Thành (xã điểm chỉ đạo của tỉnh), tạo điều kiện cho địa phương phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.

Hiện nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh có gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thị đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020. Sau khi tổng hợp, Văn phòng Điều phối nông thôn mới sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh để rà soát mức độ đạt các tiêu chí, đồng thời cân đối đề xuất ngân sách tỉnh (từ nguồn vốn xổ số kiến thiết) hỗ trợ cho các địa phương, đảm bảo năm 2020, có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Trước mắt, đề nghị UBND huyện Thạnh Trị quan tâm hỗ trợ cho xã Vĩnh Thành từ nguồn ngân sách huyện, tập trung nguồn vốn theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh cho xã Vĩnh Thành, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác giúp cho xã Vĩnh Thành sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Bố trí kinh phí làm đập ngăn triều cường tại Rạch Chà và Rạch Bà Thủy để chống ngập tại chợ Mỹ Xuyên. Báo cáo số 135/BC-HĐND, ngày 20-11-2019 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát kiến nghị của cử tri đối với tình trạng ngập nước tại khu vực chợ Mỹ Xuyên nêu rõ: “Khi triều cường, nước từ Rạch Chà và Rạch Bà Thủy theo hệ thống cống thoát nước tràn lên mặt đường, gây ngập khu vực chợ và nhà dân...”. Qua đó, tổ giám sát HĐND kiến nghị chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp lâu dài chống ngập hiệu quả gắn với việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Từ cơ sở trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huyện Mỹ Xuyên chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thống nhất đề xuất với cấp trên về giải pháp lâu dài nhằm khắc phục tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường; đồng thời đảm bảo giao thông tại khu vực chợ Mỹ Xuyên.

T.T

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/giam-doc-so-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-34673.html