Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về việc sáp nhập toàn bộ 30 trung tâm dân số

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc sáp nhập 30 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vào Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã sẽ giúp tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, nhưng không làm giảm vai trò của công tác dân số trong tình hình mới.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

- Hà Nội đã tổ chức xong việc sáp nhập 30 Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Có vướng mắc phát sinh khi thực hiện chủ trương này không, thưa ông?

TS Nguyễn Khắc Hiền: Đến thời điểm này, công tác sáp nhập cơ bản đã thực hiện xong. Từ ngày 1-8-2018, các đơn vị đã tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ để triển khai hoạt động. Chỉ còn về trụ sở làm việc, trong số 30 trung tâm y tế, 19 đơn vị có trụ sở làm việc riêng và 11 đơn vị có trụ sở chung với UBND các quận, huyện, thị xã, nên việc bố trí nơi làm việc cho cán bộ dân số còn gặp khó khăn.

Tất nhiên, việc sáp nhập không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Sở Y tế đã và đang phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình bàn giao để việc sáp nhập phát huy hiệu quả.

- Vậy sau khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế, hiệu quả hoạt động của hệ thống này có bị ảnh hưởng, nhất là vai trò của công tác dân số có bị giảm sút hay không, thưa ông?

- Cái được lớn nhất sau khi sáp nhập không chỉ là tinh gọn bộ máy mà quan trọng hơn là thống nhất trong quản lý, chỉ đạo công tác y tế dự phòng tại cơ sở.

Trước đây, cùng một nhiệm vụ có thể liên quan đến 2 đơn vị, nên khi triển khai tới cơ sở bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đôi khi chỉ đạo không thống nhất. Cùng đó, sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng lên, trang thiết bị tập trung ở một nơi, rất thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra các tình huống cần huy động nhân lực, phương tiện lớn.

Công tác DS-KHHGĐ của Thủ đô những năm qua đạt được nhiều thành tích quan trọng. Để tiếp tục duy trì, đạt hiệu quả hoạt động của công tác dân số sau khi sáp nhập; Sở Y tế Hà Nội xác định, phải tạo vị thế rất rõ của công tác dân số trong bộ máy tổ chức của trung tâm y tế sau khi sáp nhập.

Chính vì vậy, sau sáp nhập, Trung tâm DS-KHHGĐ trở thành một phòng của Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Đồng thời phải duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác dân số quận, huyện, thị xã.

Với việc giữ nguyên trạng bộ máy làm công tác dân số sau khi sáp nhập, công tác y tế, dân số chắc chắn sẽ hỗ trợ nhau tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thành phố.

Nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số đặt ra cho Trung tâm Y tế mới là phải triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS-KHHGĐ của trạm y tế xã và cộng tác viên dân số. Mặt khác, quản lý, triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ và các dự án được phân công.

- Vậy trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sau khi được tổ chức, sắp xếp lại sẽ hoạt động như thế nào?

- Mục đích quan trọng nhất mà ngành Y tế hướng đến từ việc sáp nhập là phải nâng cao hiệu quả thực chất của mô hình “2 trong 1”. Đó là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu và quan tâm đầu tư đúng mức công tác y tế dự phòng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn.

Chính vì vậy, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã sau khi được tổ chức, sắp xếp lại sẽ được vận hành theo mô hình trung tâm đa chức năng, cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật và y tế dự phòng, nghiệp vụ dân số; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Duy Tiến (ghi)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/giam-doc-so-y-te-ha-noi-noi-ve-viec-sap-nhap-toan-bo-30-trung-tam-dan-so/780039.antd