Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam - Park Nark Jong: 'Tôi muốn làm 'Đại sứ văn hóa' quảng bá văn hóa Việt Nam...'

Những năm gần đây, nhiều người dân VN không chỉ biết đến văn hóa của Hàn Quốc (HQ) thông qua các hình thức đại chúng như phim truyền hình, K-Pop… mà còn thông qua những hoạt động đa dạng khác do Trung tâm Văn hóa HQ tại VN tổ chức như: Triển lãm mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dạy nấu ăn, dạy tiếng Hàn…

Nhiều người dân HQ đang sinh sống và làm việc tại VN cũng có cơ hội được hiểu biết, yêu mến văn hóa VN thông qua các hoạt động khác nữa của Trung tâm. Năm nay, Trung tâm Văn hóa HQ kỷ niệm 10 năm hoạt động tại VN, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Park Nark Jong, GĐ Trung tâm về những hoạt động này. Ông Park Nark Jong cho hay:

Theo tôi được biết, trong quá trình Trung tâm chuẩn bị thành lập thì khâu xin giấy phép không dễ dàng một chút nào vì có lẽ thời điểm bấy giờ, các nhà làm chính sách của VN cũng như các cơ quan chính quyền cho rằng việc quảng bá văn hóa HQ nói riêng và hình ảnh của HQ nói chung ở VN sẽ mang lại hiệu quả không được khả quan lắm. Bên cạnh đó, cho dù khi đó làn sóng hanlyu (Hàn lưu. BT) đã có xu hướng phát triển và phổ biến tại VN. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách sâu sa trong tâm hồn người VN cũng như trong suy nghĩ của người VN thì họ khá là dè dặt khi đón nhận một làn sóng văn hóa mới và có thể thấy là ảnh hưởng của nó tới dân VN không nhiều.

Cuối cùng thì Trung tâm đã được thành lập và hoạt động tương đối nổi trội so với một số trung tâm văn hóa nước ngoài khác ở VN…

- Một yếu tố tác động không nhỏ tới việc quảng bá văn hóa HQ tại VN đó là sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của hoàn cảnh xung quanh. Yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là sự phát triển rất nhanh quá trình hợp tác kinh tế giữa hai nước, VN và HQ đã trở thành đối tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại của nhau. Chính vì vậy, trong bối cảnh mà hai nước có sự hội nhập giao lưu về kinh tế cũng như văn hóa thương mại cần có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa để tăng cường giao lưu. Một yếu tố thứ hai đó là sự phát triển rất nhanh của các gia đình đa văn hóa tại HQ, những cô dâu VN sang HQ lấy chồng ngày càng tăng, đặc biệt, lực lượng XKLĐ cũng càng ngày càng nhiều lên (đến nay có khoảng 160.000 người). Tuy nhiên, thời điểm đó, dư luận đang rất quan tâm chú ý đến sự kiện như cô dâu VN bị sát hại, bị bạo hành tại HQ hay là những doanh nghiệp HQ làm việc tại VN cũng xảy ra những bất đồng hay là có sự bạo hành đối với NLĐ... Tất cả sự kiện mang tính thời sự như vậy đều có thể giải thích rằng đó là do cả hai bên đều không hiểu rõ về văn hóa của nhau.

Nhưng theo tôi được biết, nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là quảng bá văn hóa HQ tại VN. Vậy thì làm sao để cho người HQ hiểu về văn hóa của VN để hóa giải những “xung đột” trên, thưa ông?

- Ngay sau khi nhậm chức ở VN tôi đã rất băn khoăn, trăn trở làm thế nào để có thể liên kết các dự án về văn hóa của Trung tâm với công cuộc cân bằng hóa cán cân giao lưu giữa hai nước để không bị thiên lệch, chỉ tập trung quảng bá văn hóa HQ. Tất nhiên, năm đầu tiên tôi sang (2013) chưa triển khai được việc đó. Nhưng từ sau đó trở đi tôi luôn cố gắng triển khai các dự án có liên quan đến giao lưu văn hóa lẫn quảng bá văn hóa. Điều này cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi có quan niệm khi chúng ta hiểu rõ về văn hóa của nhau một cách sâu sắc thì mới không còn xung đột nữa, mới thực sự trở thành những quốc gia có quan hệ hữu nghị. Gần đây, có rất nhiều ví dụ và hình ảnh cho thấy văn hóa VN đang dần được quảng bá rất rộng rãi tại HQ. Rất nhiều tiệm bán phở của VN mở tại HQ và người HQ đang có nhìn nhận về văn hóa của VN một cách rất tích cực. Có thể nói đây là một dấu hiệu rất đáng mừng khi có bước chuyển về nhận thức của người HQ về văn hóa VN. Có thể thấy một ví dụ điển hình là gần đây nhất, khi chúng tôi phối hợp tổ chức một triển lãm ảnh mang tên “Di sản văn hóa thế giới của VN” tại HQ, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả HQ cũng như các cơ quan, tổ chức cùng tham gia hỗ trợ, chuẩn bị một cách tự nguyện, không cần phải có sự kêu gọi hay phát động từ phía Trung tâm. Đặc biệt có rất nhiều đoàn thể của người HQ tự lập lên với tinh thần thể hiện tình yêu đối với VN và quan tâm đến VN. Điều này cho thấy, tình cảm cũng như nhận thức của người HQ về VN đang thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Thế còn những hoạt động quảng bá văn hóa VN tại Trung tâm như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi cũng cố gắng giới thiệu về văn hóa VN đối với người xem cũng như đối với cộng đồng người HQ tại VN. Nhưng cũng phải thú thật là những dự án mang tính chất độc lập, đơn thuần là văn hóa VN tiến hành chưa được nhiều. Những dự án mà chúng tôi giới thiệu văn hóa VN tại Trung tâm có thể chia làm 2 hướng. Thứ nhất là tổ chức rất nhiều triển lãm mỹ thuật cũng như triển lãm ảnh do các tác giả VN sáng tác hoặc là các tập thể tác giả VN. Khi tổ chức các sự kiện như vậy, chúng tôi tiến hành quảng bá rất mạnh và cũng mời nhiều đại diện của hội người HQ cũng như cộng đồng người dân HQ đang sinh sống tại VN tới xem triển lãm để họ có thể hiểu thêm về văn hóa VN. Một hướng nữa là khi mời các đoàn của HQ sang biểu diễn thì tùy từng tính chất của các cuộc biểu diễn, chúng tôi luôn kết hợp để có thể mời thêm một vài nghệ sĩ VN hoặc các đoàn nghệ sĩ VN phối hợp biểu diễn, tham gia giao lưu để có thể vừa quảng bá văn hóa HQ tại VN vừa có thể nhấn mạnh ý nghĩa giao lưu cũng như tăng cường sự hiểu biết văn hóa của nhau.

Thưa ông, ngoài những sự kiện văn hóa nói trên, Trung tâm còn có những hoạt động gì để tạo được dấu ấn trong những người yêu văn hóa của cả hai nước?

- Trong thời gian qua, nội dung văn hóa HQ mà chúng tôi giới thiệu ở VN cũng có sự thay đổi nhất định. Thời điểm ban đầu khi Trung tâm mới thành lập cho đến 5 năm đầu tiên, chúng tôi cố gắng tập trung quảng bá cho những văn hóa đại chúng như phim truyền hình, điện ảnh, K-Pop... Thời điểm hiện nay, tôi cố gắng tìm kiếm những yếu tố hoặc nội dung văn hóa truyền thống tương đồng giữa hai nước VN và HQ với mục tiêu hình thành sự đồng cảm giữa người dân hai nước. Tổng kết năm 2014, chúng tôi đã triển khai được 14 buổi biểu diễn các chương trình nhạc cụ truyền thống ở cả HN và TPHCM. Việc biểu diễn như thế mang đến cho người xem sự cảm nhận rất quan trọng. Nhưng cá nhân tôi đánh giá một chương trình nữa quan trọng hơn đối với yếu tố biểu diễn hoặc những yếu tố văn hóa nghe nhìn, đó là chương trình hoạt động tổ chức thường kỳ tại Trung tâm như lớp học nghệ thuật (bộ môn gõ của nghệ thuật HQ), hay là lớp học Taekwondo, lớp học tiếng Hàn được tổ chức tại Trung tâm Sejong... Tôi cho rằng, đây là phương thức quảng bá cũng như phương thức tiếp cận văn hóa gần gũi và dễ tiếp cận hơn so với những hình thức nghe nhìn kể trên.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa HQ tại VN còn đảm nhận vai trò quảng bá văn hóa ngoại giao của ĐSQ; Hỗ trợ cho các hoạt động của các cơ quan chính phủ khác đang hoạt động tại VN như KOIKA, KTO, aT...

Ông có gặp khó khăn gì không khi thay đổi hướng quảng bá hai chiều, thay vì một chiều như chiến lược của cơ quan chủ quản?

- Chiến lược chung của Viện Quảng bá văn hóa ra nước ngoài (thuộc Bộ VHTT&DL HQ), áp dụng cho tất cả 29 Trung tâm văn hóa hiện có trên 25 quốc gia, vùng lãnh thổ là tập trung quảng bá văn hóa HQ tại nước sở tại. Tuy nhiên, tùy theo từng khu vực phải có chiến lược mang tính đặc trưng để gây được hiệu ứng tại nước sở tại. Đó là nhiệm vụ của GĐ trung tâm văn hóa ở mỗi nước, mỗi khu vực. Khi bắt đầu nhiệm kỳ ở VN tôi đã tìm hiểu và đã suy nghĩ rất nhiều mới có thể quyết định được chiến lược hoạt động trong suốt nhiệm kỳ đó là cân bằng hóa cán cân giao lưu văn hóa giữa hai nước. Khi tôi báo cáo chiến lược đó với cơ quan chủ quản của chúng tôi - họ khá mơ hồ về ý nghĩa của nó, dù họ có đồng ý phương án của tôi làm chiến lược điều hành trong suốt nhiệm kỳ nhưng không đánh giá đó là chiến lược tốt. Đến năm 2015, sau một thời gian áp dụng chiến lược đó, họ cảm thấy quả thật cần có một chiến lược có sự cân bằng về giao lưu văn hóa ở khu vực, ví dụ VN chẳng hạn.

Sau nhiệm kỳ làm việc, ông có những ấn tượng thế nào về VN nói chung và về văn hóa VN nói riêng?

- VN là đất nước có nhiều loại hình văn hóa, có thể nói là vô tận - tài nguyên văn hóa đồ sộ và đặc sắc. Cảm nhận của tôi là văn hóa VN đa dạng: Vừa là văn hóa truyền thống bản địa, vừa có sự tiếp cận với văn hóa phương Tây và văn hóa Trung Quốc...

Ngoài ra, văn hóa VN có rất nhiều điểm tương đồng với văn hóa HQ. Tôi cảm nhận người VN có khả năng sáng tạo cũng như có nét gì đó rất độc đáo và dường như chỉ riêng VN mới có. Có thể nói nội hàm văn hóa VN có nhiều tính chất như vậy. Đây là tài sản vô cùng quý giá để về sau người VN có thể áp dụng nhằm để phát triển nền công nghiệp văn hóa của mình. Bởi vì để phát triển công nghiệp văn hóa thì cần phải có những yếu tố về nội dung và đề tài hay. Tôi cho rằng, đó là những yếu tố để tăng cường khả năng cạnh tranh khi VN phát triển nền công nghiệp văn hóa của mình vươn ra tầm thế giới. Theo ý tôi, đối với văn hóa truyền thống thì Chính phủ VN đang tiến hành các chính sách bảo tồn khá tốt, nhưng chúng ta cũng cần thay đổi hướng nhận thức, có nghĩa là bên cạnh việc bảo tồn, chúng ta cần phải phát triển như thế nào đó để có thể áp dụng cho nền công nghiệp Văn hóa của mình.

Được biết, nhiệm kỳ làm việc của ông tại VN cũng sắp kết thúc. Ông có dự định gì trong tương lai, và những dự định đó có liên quan đến văn hóa VN không, thưa ông?

- Kế hoạch tương lai của tôi chưa có gì là chắc chắn cả. Khi trở về HQ, tôi sẽ sắp xếp lại công việc và bắt đầu từ năm sau, tôi lên kế hoạch cho một dự án liên quan đến nội dung văn hóa giữa hai nước HQ - VN. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa của VN phát triển và có thể hướng tới vấn đề giao lưu văn hóa giữa hai nước. Ngoài ra tôi cũng nhận được lời mời làm giáo sư để giảng bài ở các trường đại học. Tôi cũng có nhận được câu hỏi từ báo giới VN là nếu Chính phủ VN chọn ông là đại sứ quảng bá văn hóa VN tại HQ thì ông có nhận lời không? Có thể nói là tôi rất là vui và vinh dự, nếu việc đó xảy ra. Bản thân tôi, sau khi về HQ, tôi vẫn muốn phát huy vai trò của mình với tư cách là một “đại sứ văn hóa” để quảng bá văn hóa VN tại HQ và hỗ trợ các công việc liên quan đến phát triển văn hóa của VN.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Xin chúc ông thực hiện được những dự định trong tương lai!

Trước khi sang Việt Nam, ông Park Nark Jong đã có 35 năm làm việc tại Bộ VHTTDL Hàn Quốc và trải qua rất nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau: Thể thao; giao lưu thanh thiếu niên; phát triển và nuôi dưỡng văn hóa và nghệ thuật; chính sách phát triển công nghiệp du lịch; các công việc hành chính liên quan đến văn hóa tôn giáo (hỗ trợ để cho các hoạt động liên quan đến văn hóa tôn giáo được triển khai một cách thuận lợi ở Hàn Quốc); Trưởng phòng Phòng Nội dung văn hóa quảng bá ra nước ngoài. Học vị: Thạc sĩ ngành hành chính công; Tiến sĩ ngành khai thác và phát triển du lịch.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giam-doc-trung-tam-van-hoa-han-quoc-tai-viet-nam-park-nark-jong-toi-muon-lam-dai-su-van-hoa-quang-ba-van-hoa-viet-nam-561673.bld