Giảm được tình trạng đầu tư công dàn trải

* Chính phủ sẽ sớm phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội dành trọn ngày 29-10 để thảo luận sâu tại hội trường về ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là ngày thứ 3, Quốc hội thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề. “Luật Đầu tư công ra đời nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận” - Bộ trưởng khẳng định. Bộ trưởng dẫn chứng, giai đoạn 2011-2015 có gần 21 ngàn dự án đầu tư mới, trong khi giai đoạn 2016-2020 con số chỉ là 9.620 dự án. Trong số hơn 9 ngàn dự án này cũng có tới hơn 8 ngàn dự án là của giai đoạn 2011-2015 chuyển qua, dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách Trung ương chỉ là 412 dự án và chiếm chưa tới 4%.

Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn đã có những hạn chế như: giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ cũng nhận thức được một số tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật và đã ban hành nghị định mới để sửa các nghị định trước đó về công tác đầu tư công trung hạn với quan điểm là phân cấp triệt để cho từng địa phương, các bộ, ngành; đảm bảo quản lý chặt chẽ theo đúng Luật Đầu tư công. Hiện tại, ngân sách đang đáp ứng 53% tổng giá trị nhu cầu của 21 chương trình mục tiêu; các dự án quan trọng, trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể đã tham gia giải trình về tiến độ, tình hình giải ngân thực hiện 2 dự án quan trọng: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng Sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tháng 3-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ để tổ chức thẩm định, góp ý. Tháng 7-2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình lần thứ 2. Hiện nay, 25 thành viên của Hội đồng Thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến và hồ sơ đã trình Chính phủ, khả năng đầu tháng
11-2018 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án.

Đối với phần nhiệm vụ của Bộ Giao thông - vận tải, Bộ đã tiến hành tổ chức đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tháng 6-2018 đã ký hợp đồng chính thức lập dự án với liên danh 5 nhà thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành việc này vào tháng 7-2019, tháng 3-2019 xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 10-2019 sẽ cố gắng báo cáo Quốc hội” - Bộ trưởng thông tin. Dự kiến, đến tháng 11-2018, nếu Chính phủ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng cho Sân bay Long Thành thì mới sử dụng đến khoản 23 ngàn tỷ đồng bố trí cho công tác này.

Hôm nay 30-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, sẽ nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sau đó Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.

Đảm bảo tính bền vững của ngân sách, duy trì ổn định vĩ mô

Về kết quả thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 và tính bền vững của ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực. Một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn. Tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô.

Thu ngân sách nhà nước 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54-55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch). Tỉ trọng thu nội địa tăng từ 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016-2018 bằng 1,5 lần của giai đoạn bình quân giai đoạn 2011-2015.

Trong chi ngân sách, kết quả cơ cấu lại cũng khá tích cực, sớm đạt yêu cầu theo Nghị quyết 25 của Quốc hội. Theo đó, tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng, giảm tỉ trọng chi thường xuyên. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ hơn, cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP.

Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 bội chi ngân sách nhà nước là 5,79% GDP thì năm 2018 dự kiến chỉ còn 3,67% GDP. Đồng thời, các khoản nợ công được kiểm soát chặt chẽ; bố trí trả nợ đầy đủ. Nhờ vậy, tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa, từ mức 18% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 9,6% của 3 năm 2016-2018.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201810/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv-giam-duoc-tinh-trang-dau-tu-cong-dan-trai-2917473/