Giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh HIV

Bắt đầu từ ngày 8-3, tại 188 cơ sở y tế tiến hành cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT cho bệnh nhân HIV. Việc khám chữa bệnh bằng BHYT không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh thông thường mà với bệnh nhân HIV lại càng có ý nghĩa vì đây là bệnh mãn tính, người bệnh phải điều trị suốt đời.

Nói về lợi ích của sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Với những người không nhiễm HIV tham gia BHYT để khi đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả. Với người nhiễm HIV tham gia BHYT thì càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi vì người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng vi-rút liên tục, suốt đời.

Bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi-rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... “Số tiền mua thẻ BHYT nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS”, TS. Trần Đình Cảnh nhấn mạnh.

 Bệnh nhân HIV tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe. (Ảnh:T.A)

Bệnh nhân HIV tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe. (Ảnh:T.A)

Đặc biệt với việc điều trị ARV thông qua BHYT càng có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn ARV viện trợ của các tổ chức quốc tế kết thúc vào năm 2018. Trong khi đó, Việt Nam có trên 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Với chủ trương BHYT toàn dân thì việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để có thẻ BHYT, người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường. Trong trường hợp người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng BHYT thì cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, TP mua tập trung.

Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành. Theo tổng hợp từ các tỉnh/TP, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, TP đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT.

Để chuẩn bị cho việc phát thuốc ARV qua nguồn BHYT, các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được kiện toàn lại để ký hợp đồng khám chữa bệnh với BHYT. Đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

TS. Trần Đình Cảnh cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nhiễm hiểu và chủ động tham gia BHYT.

Việc thực hiện đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV hiện còn khó khăn do hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Khắc phục điều này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay đã có 35/63 tỉnh, TP được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh, TP phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Lợi ích của BHYT là quá rõ ràng với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân. BHYT lại càng cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS. Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Vì ngoài chi phí khám, điều trị HIV/AIDS bằng BHYT, các chi phí khám chữa bệnh khác như người không nhiễm HIV cũng được BHYT chi trả. Do vậy người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham ngay từ bây giờ, TS. Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-ganh-nang-kinh-te-cho-nguoi-benh-hiv-139760.html