Giảm giá vé qua trạm BOT: Chỉ giúp 'hạ sốt', chưa đủ 'trị bệnh'?

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành rà soát toàn bộ dự án BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác để tiến hành điều chỉnh, giảm phí BOT. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, động thái này chỉ mang tính chất xoa dịu dư luận, giống như sử dụng thuốc “hạ sốt” chứ không có tác dụng “trị bệnh” dứt điểm.

Dự kiến, nếu được thông qua, hầu hết các trạm BOT đều giảm giá vé cho phương tiện trong tháng 11 tới. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Áp lực quá lớn nên... giảm

Theo Bộ Giao thông vận tải: Hiện Bộ này đang rà soát toàn bộ hơn 50 dự án BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác để điều chỉnh mức phí theo hướng giảm. Hiện, đã có 31 dự án BOT được điều chỉnh giảm mức giá vé khi qua trạm.

Dự kiến, sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát với chủ đầu tư các dự án để thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét, phê duyệt. Nếu được thông qua, tháng 11 tới sẽ tiến hành giảm phí tại hầu hết các trạm BOT.

Thời gian qua, những bất cập, sai phạm tại các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đã không ít lần trả lời báo chí về những sai phạm ở các dự án BOT cụ thể hay đầu tư BOT giao thông nói chung, câu trả lời quen thuộc của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải là Bộ luôn làm đúng quy trình, có sự tính toán kỹ lưỡng về mức đầu tư, giá phí cũng như thời gian thu phí. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giao thông vận tải lại chính là đơn vị tiến hành rà soát, giảm phí BOT cho đúng với thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Thực tế, các dự án BOT có quá nhiều khuất tất, lợi ích nhóm, làm biến tướng một chủ trương tốt đẹp khiến người dân bức xúc. Sự phản ứng gay gắt từ người dân, dư luận xã hội tạo ra áp lực lớn đến mức Quốc hội, Chính phủ phải “vào cuộc”. Chính những điều này đã tạo áp lực xuống khiến Bộ Giao thông vận tải khiến Bộ này phải tiến hành “sửa sai”, mà cụ thể trước mắt ở đây là rà soát lại để giảm phí BOT.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng: Việc Bộ Giao thông vận tải rà soát, giảm phí BOT là triển khai theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải đẩy mạnh giảm các loại phí chính thức và không chính thức cho DN, người dân. Đối với lĩnh vực giao thông, việc giảm phí đó chính là nỗ lực giảm phí BOT.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự (Hà Nội): Việc giảm phí BOT bắt nguồn từ những phản ứng dữ dội của người dân về bất cập của dự án BOT. Tuy nhiên, ở đây phải xem xét kỹ lưỡng xem có thực sự giảm phí BOT hay chỉ đơn thuần là giảm giá vé cho phương tiện qua trạm BOT. “Nếu là giảm giá vé, đó chỉ là động thái mang tính tạm thời, giống như sử dụng Paracetamon để “hạ sốt” chứ không phải là giải pháp giúp “trị bệnh” dứt điểm. Giảm giá vé mà lại kéo dài thời gian thu phí thì tổng mức phí vẫn cao. Việc này giống như đời cha chưa gánh hết phí thì đời con gánh tiếp”, ông Lập nhấn mạnh.

Phải giám sát chặt chẽ

Nhìn nhận sự rà soát giảm phí BOT mà Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành là chậm, song các chuyên gia cũng cho rằng đó là chút tín hiệu tích cực đáng ghi nhận. Theo ông Thanh, song song với việc rà soát giảm phí này, các cơ quan có thẩm quyền phải tham gia giám sát chặt chẽ, rà lại toàn bộ tổng mức đầu tư các dự án, mức phí, giá phí… xem việc giảm phí thực sự đúng chưa. Điều này tránh tình trạng mức phí có thể được giảm xuống 20-30% so với hiện tại nhưng lại kéo dài thời gian thu phí. Đặc biệt, mọi thông tin rà soát, kết quả ra sao cần được thông báo công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát.

Xung quanh câu chuyện này, ông Liên bổ sung: Thực tế, bất cập nổi cộm của các dự án BOT giao thông ngoài giá phí cao còn có vị trí đặt trạm chưa phù hợp và việc thu phí cả đoạn đường mà người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ, không cho dân có quyền lựa chọn. Bởi vậy, sau khi làm “yên lòng dư luận” qua việc rà soát, giảm phí, cần xem xét lại toàn bộ các vấn đề đầu tư BOT để giải quyết cả những bất cập kể trên.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích kỹ lưỡng hơn: Điều xã hội trông đợi không phải đơn thuần làm giảm giá vé cho phương tiện qua các trạm BOT mà là đánh giá lại tổng thể các dự án BOT giao thông về đầu tư ra sao, kiểm toán sổ sách rõ ràng, đánh giá chất lượng có tương xứng hay không… Trên cơ sở đó mới đưa ra giá phí, thời gian thu phí chính xác. “Trước mắt, tôi cho rằng nên dừng việc đầu tư BOT, chờ Luật BOT ra đời để mọi quy định liên quan được chặt chẽ, rõ ràng hơn. Trong tương lai nên hạn chế đầu tư BOT giao thông đường bộ mà đẩy mạnh đầu tư BOT trong các lĩnh vực khác như đầu tư xây dựng cảng biển, dự án xử lý chất thải, trường học, bệnh viện… Nếu tiếp tục đầu tư BOT giao thông đường bộ, cần đảm bảo người dân có quyền lựa chọn đi đường mất tiền hay không mất tiền”, ông Lập nói.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giam-gia-ve-qua-tram-bot-chi-giup-ha-sot--chua-du-tri-benh.aspx