Giảm lãi suất cho vay bằng cách nào?

Phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ phấn đấu giảm thêm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất huy động vẫn neo cao

Theo các chuyên gia ngân hàng, muốn giảm lãi suất cho vay chỉ có hai cách: Hoặc là giảm lãi suất huy động, hoặc là tiết giảm chi phí hoạt động. Thế nhưng, chi phí hoạt động của các nhà băng đã ở ngưỡng giới hạn do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây. Thậm chí, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của hệ thống có xu hướng co lại do mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể kéo giảm được mặt bằng lãi suất huy động, cơ quan quản lý nên nới lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn so với dự kiến trước đó.

Dư địa tăng NIM của các ngân hàng trở nên hạn chế hơn do áp lực huy động vốn trung-dài hạn, tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, trong khi cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng, lại thêm hệ số cho vay trên huy động (LDR) đã được đẩy sát ngưỡng”, VDSC cho biết và nhấn mạnh thêm, chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục tăng ở một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng còn dư nợ xấu tại VAMC, khiến chi phí hoạt động của các nhà băng này bị đẩy lên và NIM bị thu hẹp hơn.

Như vậy, giải pháp duy nhất để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là phải giảm được lãi suất huy động. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn đang neo ở mức rất cao và khó giảm từ nay đến cuối năm 2019 do tính mùa vụ.

Trên thực tế, mặc dù hiện đã có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, song số này là không nhiều, mức giảm cũng không lớn, chỉ khoảng 10-20 điểm cơ bản và cũng chỉ tập trung ở một số kỳ hạn ngắn.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, giữ được lãi suất cho vay không tăng đã là một thành công bởi theo như nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, từ nay đến cuối năm, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1%.

Cần “chia lửa” từ chính sách

Cũng có chung quan điểm là lãi suất khó giảm cuối năm nay, song một chuyên gia ngân hàng cho rằng, không phải không có khả năng giảm lãi suất cho vay trong năm 2020 nếu kéo giảm được lãi suất huy động.

Theo ông, lãi suất huy động có xu hướng tăng từ giữa năm 2018 và tiếp tục bị đẩy lên trong các tháng đầu năm nay không phải do các ngân hàng thiếu vốn mà trái lại thanh khoản của hệ thống hiện đang rất dồi dào. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do thanh khoản dư thừa, NHNN đã tăng cường phát hành tín phiếu nhằm hút ròng tiền về. Số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 10 đã lên tới 72 nghìn tỷ đồng (thay cho mức 0 đồng vào tháng 8). Lãi suất tín phiếu cũng được NHNN liên tiếp cắt giảm, hiện chỉ còn 2,25%.

Mặc dù các ngân hàng đang khá dư thừa vốn, song chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi cái thiếu của các nhà băng lại là vốn trung – dài hạn để đáp ứng quy định của NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn về 30%.

Trong khi đó, lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành, hay diễn biến trên liên ngân hàng mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm, cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ năm 2020.

Trên thực tế, mặc dù 4 NHTM Nhà nước lớn đã có 2 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, song mức độ lan tỏa là không lớn trong bối cảnh chi phí vốn của các ngân hàng cổ phần, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, là rất cao.

Để có thể kéo giảm được mặt bằng lãi suất huy động, cơ quan quản lý nên nới lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn so với dự kiến trước đó. Bởi vì, không ít ngân hàng thương mại đã trót “bóc ngắn cắn dài” trong thời gian trước khi NHNN siết chặt tín dụng bất động sản, nên khó có thể giảm được tỷ trọng này trong một sớm một chiều.n

Hạ Vy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/giam-lai-suat-cho-vay-bang-cach-nao-161333.html