Giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận ngân hàng còn 'sung' ?

Với việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo vận động từ phía nhà điều hành, nhiều ngân hàng sẽ phải tiếp tục cơ cấu nguồn thu để không ảnh hưởng quá lớn tới lợi nhuận năm 2021...

Ảnh minh họa

Mặc dù mới có một vài ngân hàng chính thức công bố kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2021, nhưng nhìn chung thông tin đưa ra đều cho thấy bức tranh lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, với đợt giảm lãi suất cho vay sắp tới, liệu đà tăng này có còn tiếp tục?

NHỮNG CON SỐ KHỦNG

6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch năm. Tính tới thời điểm hiện tại, Vietcombank tiếp tục phá vỡ kỷ lục của bản thân và giữ vững vị trí quán quân về lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Xếp liền sau là VietinBank với lợi nhuận ước tính đạt 13.000 tỷ đồng, tăng tới 74% so với kỳ bán niên năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Tương tự MBBank cũng tăng trưởng mạnh về tổng tài sản và báo lãi khủng. Tại buổi họp báo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MB Group (gồm ngân hàng mẹ MB và các công ty con) đã đạt hơn 524 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của MB Group đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ; riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 7.038 tỷ đồng, tăng trưởng 55%.

Vẫn như thường lệ, TPBank là ngân hàng công bố kết quả kinh doanh đầu tiên với lợi nhuận trước thuế đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 54% kế hoạch năm. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,15%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26%. Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 242.000 tỷ đồng, dự báo sẽ vượt xa kế hoạch 250.000 tỷ đồng vào cuối năm.

Nhìn chung, hầu như ngân hàng nào đã công bố ước tính kết quả kinh doanh đều báo lãi tăng mạnh, trong đó gồm ABBank đạt 1.164 tỷ đồng, tăng 85%; MSB đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ; LienVietPostBank đạt 1.700 tỷ đồng trong 5 tháng, tăng 32%...

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành ngân hàng có được kết quả trên chủ yếu nhờ vào việc tín dụng tăng trưởng tốt và hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng.

Cụ thể, suốt thời gian qua và cho đến nay, nguồn vốn của hệ thống luôn trong trạng thái dư thừa, Ngân hàng Nhà nước tại điều kiện điều tiết nguồn dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp cũng như sẵn sàng tạo nguồn hỗ trợ trên thị trường mở. Trong khi đó, lãi suất cho vay lại giảm chậm hơn mức giảm của lãi suất huy động.

Ước tính của các công ty nghiên cứu cho biết, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và kéo dài sang đầu năm 2021, hiện đang ở mức cao lịch sử khoảng 4%.

GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY, LỢI NHUẬN NHUẬN GIẢM TỐC?

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngành ngân hàng đã tự nguyện giúp doanh nghiệp vượt khó bằng các hình thức khác nhau. Thế nhưng với việc vẫn lãi lớn nhờ vào NIM đã khiến nhiều ngân hàng khó ăn nói với thị trường.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 ngân hàng lớn nhất hệ thống nhằm vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Dù chỉ chiếm khoảng một nửa số lượng các ngân hàng thương mại nhưng nhóm ngân hàng này lại đang nắm phần lớn thị phần. Theo đó, nếu có sự thống nhất, việc giảm lãi suất cho vay sẽ mở rộng toàn thị trường.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao tinh thần đồng cam cộng khổ của các ngân hàng thương mại với khách hàng, với nền kinh tế giữa lúc dịch Covid-19 ngày càng có diễn biến phức tạp.

Đồng thời, ông Hà cũng nhìn nhận rằng, quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng sẽ là khác nhau. “Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước muốn chi tiết những con số hỗ trợ để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm ngành, lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều nhìn thấy sự chia sẻ, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng, là thực chất”, ông Hà nói.

Kết quả là, các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất cho vay, mức độ sẽ cân đối tùy từng ngân hàng và thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Đánh giá tác động của sự kiện, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, lãi suất rẻ là con dao hai lưỡi, do đó đi cùng hành động giảm lãi suất thì các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, tránh sụp đổ dây chuyền.

Riêng về khía cạnh lợi nhuận, ông Hiếu cho rằng, khi xác định giảm lãi suất cho vay, đồng nghĩa các ngân hàng đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận bản thân. “Nếu ngân hàng nào chuyển đổi số tốt, tiết giảm chi phí, đa dạng hóa được nguồn thu, không phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng thì lợi nhuận sẽ ít bị tác động”, ông Hiếu nói.

Thực tế cho thấy, không phải bây giờ mà suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay, nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt nhờ chuyển đổi số, cơ cấu nguồn thu bằng nhiều nguồn.

Lãnh đạo TPBank chia sẻ, hiện lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của ngân hàng chỉ khoảng trên 8,5%, thuộc nhóm có lãi suất cho vay thấp trong hệ thống. Song, lợi nhuận kinh doanh của TPBank vẫn tăng trưởng là do ngân hàng thực hiện một loạt các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động, chỉ tăng có 6,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng đã giảm rất mạnh từ 43% cuối tháng 6 năm 2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý 2 năm nay.

Hiện số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trực tuyến 5 tháng đầu năm tại TPBank tăng 87%; có hơn 50 nghìn khách hàng mở tài khoản qua hình thức eKYC tăng 790% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn, trong 6 tháng đầu năm tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước

“Đây chính là kết quả ngân hàng gặt hái được sau khi đẩy mạnh các hoạt động số hóa trong mọi quy trình vận hành nội bộ, cũng như áp dụng các kênh số hóa để mở rộng thị phần kinh doanh”, lãnh đạo TPBank nhận định.

Hay như tại MB, cũng nhờ công cuộc chuyển đổi số mà lợi nhuận đã có bước tiến lớn. Hiện ngân hàng này giảm mạnh chỉ số CIR xuống mức 28,6%. Tương tự, ABBank cũng đưa CIR còn 35%, giảm mạnh so với thực hiện năm 2020, qua đó đưa lợi nhuận lên một kỷ lục mới.

Cũng nhìn nhận lợi nhuận ngành ngân hàng từ sự kiện giảm lãi suất cho vay diện rộng, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) tính toán, trong kịch bản các ngân hàng ngay lập tức giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay, ước tính mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm 2021 của các ngân hàng này. Mức độ ảnh hưởng đối với lợi nhuận có thể được giảm bớt nhờ vào thu nhập từ phí tăng mạnh và khoản trích lập dự phòng vừa phải trong năm nay.

“Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chắc chắn sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên nếu nhìn vào bức tranh cả năm, các ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ đạt tăng trưởng tốt, với mức tăng 33% theo ước tính hiện tại với 17 ngân hàng niêm yết”, nhóm nghiên cứu tại MBKE nhận định.

Đào Vũ -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giam-lai-suat-cho-vay-loi-nhuan-ngan-hang-con-sung.htm