Giảm phụ thuộc, Thổ Nhĩ Kỳ tự lực trỗi dậy

Trong bức tranh công nghiệp quốc phòng toàn cầu, Thổ Nhĩ Kỳ là 'điểm sáng' đáng chú ý. Trong thập kỷ qua, không chỉ phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ còn chứng minh được năng lực thực chiến, trở thành nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu mới nổi.

Các học viên không quân Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh bên nguyên mẫu tiêm kích tàng hình KAAN do nước này phát triển. Ảnh: Không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc chuyển đổi nội lực

Ngành công nghiệp quốc phòng thế giới trong những năm gần đây xuất hiện một số mẫu khí tài gây được ấn tượng tốt do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Nổi bật như: Máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2, trực thăng Atak, xe tăng Altay, UAV tàng hình Anka-3, máy bay chiến đấu tàng hình KAAN...

Trong đó, UAV Bayraktar TB2 được xuất khẩu sang nhiều nước, được giới chuyên gia đánh giá là giúp những nước sở hữu khí tài này thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi. Khí tài quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuy là “tân binh” so với những “ông lớn” trong ngành, nhưng vẫn chứng minh năng lực thực chiến đáng gờm để là một trong những sự lựa chọn tối ưu.

Năm 2001, chi tiêu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ là 7,22 tỷ USD. Đến năm 2019, con số đó ở mức 20,44 tỷ USD. Dự kiến năm 2024, chi tiêu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vượt 40 tỷ USD, là mức cao kỷ lục khi tăng tới 150% so với năm 2023.

Giới chuyên gia đánh giá, kỷ nguyên mới trong chính sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ có điểm nhấn đáng chú ý nhất là định hướng phát triển hệ sinh thái phức hợp công nghiệp - quốc phòng nhằm định vị bản thân trở thành một quốc gia công nghệ quân sự.

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ nét mục tiêu đạt được quyền tự chủ khi ngày càng giảm phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài về công nghệ, hậu cần, năng lực sản xuất khí tài quân sự. Tựu chung, Thổ Nhĩ Kỳ đang cắt giảm nhập khẩu, đồng thời tập trung cải tổ năng lực sản xuất trong nước. Khi sản xuất nội địa tăng lên, tất yếu làm giảm nhu cầu nhập khẩu.

Mục tiêu này đặt ra vấn đề cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là phải giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển. Từ đó, rất nhiều hỗ trợ về thể chế, kết nối mạng lưới chuỗi cung ứng và mở rộng khả năng nghiên cứu được tiến hành dưới sự chỉ đạo của chính phủ.

Theo giới chuyên gia, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dốc sức cho 3 ưu tiên chiến lược. Trước hết là ngày càng trở nên độc lập hơn với các nhà cung cấp quốc tế. Tiếp đó là thúc đẩy, hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ thông qua hợp tác với các khu công nghệ, các công ty khởi nghiệp và trường đại học. Song hành với việc sản xuất, ưu tiên quan trọng khác là phải xuất khẩu hiệu quả số lượng vũ khí này.

Về nguồn tiền phục vụ cho tham vọng, Thổ Nhĩ Kỳ có những nét đặc thù riêng. Theo giới phân tích, các dự án sản xuất vũ khí của nước này được phát triển theo hợp đồng với Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB). Cơ quan thuộc sở hữu nhà nước này cung cấp tài chính đầu tư vào hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Những nguồn lực này không nằm trong ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng nên có thể được sử dụng như một quỹ đặc biệt.

Vượt sóng dữ, vươn ra biển lớn

Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cuộc chuyển đổi ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thành tựu rõ nét trong những năm gần đây, nhưng đã được khởi động trong nhiều thập kỷ. Khát vọng tạo dựng tổ hợp công nghiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khởi nguồn từ các lệnh trừng phạt, cấm vận do Mỹ và phương Tây áp đặt.

Nhìn lại lịch sử, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Síp, Mỹ thiết lập lệnh cấm vận từ năm 1975 đến năm 1978, thời gian sau đó là những hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu quân sự do các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác áp đặt. Gần đây nhất là vào cuối năm 2020, Mỹ ban hành lệnh trừng phạt liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, chính những lệnh cấm vận và sự suy yếu hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO đã tác động mạnh mẽ tới quân đội nước này, buộc chính quyền phải có những điều chỉnh đáng kể về ý chí chính trị và nguồn lực tài chính nhằm cải tổ khả năng tự lực, tự cường trong nước. Các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhắm vào không lực, vì vậy, hàng không quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là ngành được xác định là trọng tâm chiến lược và đã có những phát triển ấn tượng nhất.

Trở lại với nguồn tài chính phục vụ tham vọng lớn, truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê cho hay, cuộc chuyển đổi của ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ tăng tốc kết hợp với việc gia tăng chi tiêu cho quốc phòng. Đi kèm với gia tăng chi tiêu quốc phòng là tỷ trọng ngày càng tăng của năng lực sản xuất trong nước. Theo một công bố của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, các linh kiện liên quan đến lĩnh vực quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong năm 2022 chiếm 73% và đã tăng lên 80% trong năm 2023.

Theo giới quan sát, năng lực nội địa hóa sản phẩm quốc phòng cũng được minh chứng rõ nét thông qua sự gia tăng ấn tượng về lực lượng lao động trong khu liên hợp công nghiệp quân sự. Năm 2016, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 35.500 người, đến năm 2019 tăng lên hơn 73.770 người, cuối năm 2022 tăng lên khoảng 81.130 người. Đi kèm với sự gia tăng số lượng nguồn nhân lực, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những chính sách coi trọng phát triển nhân tài trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật cao, tối tân của thời đại.

Về xuất khẩu, truyền thông quốc tế cho biết, khoảng năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ dưới 2 tỷ USD. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên khoảng 4,4 tỷ USD. Năm 2023, xuất khẩu vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập kỷ lục 5,5 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước.

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc xuất khẩu hiệu quả là nhờ định hướng mở các thị trường mới, đặc biệt là các nước từng không có sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trước đây. Vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đã hiện diện tại nhiều nước ở châu Phi, châu Á, vùng Vịnh... Xuất khẩu vũ khí hiệu quả là yếu tố cốt lõi giúp các doanh nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có lợi nhuận để có nguồn lực đáng kể tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vươn tầm toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giam-phu-thuoc-tho-nhi-ky-tu-luc-troi-day-post474287.html