Giám sát chuyên đề về hoạt động dịch vụ cầm đồ và đòi nợ tại Đà Nẵng

Chiều 8-5, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND TP Đà Nẵng làm việc với CATP Đà Nẵng về tình hình chấp hành pháp luật trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ tại địa bàn TP trong 2 năm 2017 và 2018.

Chiều 8-5, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND TP Đà Nẵng làm việc với CATP Đà Nẵng về tình hình chấp hành pháp luật trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ tại địa bàn TP trong 2 năm 2017 và 2018.

Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng làm việc với CATP Đà Nẵng.

Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng làm việc với CATP Đà Nẵng.

Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo Phòng CSQLHC về TTXH CATP cho biết, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có 227 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó 3 doanh nghiệp và 224 hộ gia đình. Tài sản cầm cố chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, máy vi tính... Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 61 vụ vi phạm với các hành vi chủ yếu: Cầm cố tài sản không lập hợp đồng hoặc không ghi vào sổ. Bảo quản tài sản không đúng nơi đăng ký với cơ quan thẩm quyền. Các cơ sở vi phạm này bị xử phạt hành chính với mức phạt hơn 152 triệu đồng. CATP Đà Nẵng đã thu hồi 2 giấy chứng nhận đảm bảo ANTT. Về hoạt động dịch vụ đòi nợ, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 4 cơ sở đăng ký. Quá trình kinh doanh, có 2 cơ sở dừng không hoạt động, 2 cơ sở hoạt động theo các khoản vay trong ngân hàng, do đó không có tình trạng vận hành theo kiểu xã hội đen, dùng vũ lực để đòi nợ.

Cũng theo CATP Đà Nẵng, quá trình hoạt động của 2 dịch vụ này thời gian qua đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đa phần có quy mô nhỏ, thuộc hộ gia đình. Quá trình hoạt động chấp hành đúng các quy định pháp luật, chưa có trường hợp nào phát sinh phức tạp. Tuy nhiên, một số trường hợp tài sản cầm cố được cất giữ ở nhiều nơi nên việc kiểm tra, giám sát, quản lý chưa chặt chẽ. Nghị quyết kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa VII - nhiệm kỳ 2004-2009 tạm dừng cấp phép dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thêm nữa, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào hạn chế việc cấp phép kinh doanh dịch vụ này. Do đó, nội dung quy định của Nghị quyết này không thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Khi áp dụng Nghị quyết có nhiều ý kiến không đồng tình. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trong quá trình hoạt động có sử dụng địa điểm khác để bảo quản tài sản cầm cố mà không thông báo với cơ quan công an. Việc này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, có nguy cơ gây cháy nổ trong khu dân cư cũng như dễ bị lợi dụng để chứa chấp tài sản không hợp pháp.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, tại khoản 3, điều 1, Nghị định 104/2007/2018/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định: "Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, gồm: các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nhà nước, các đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác". Cụm từ "Đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật" được hiểu theo nhiều cách khác nhau, chưa có cơ quan nào giải thích, hướng dẫn, do đó khi áp dụng quy định này còn vướng mắc.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát đã nêu những vướng mắc, tồn tại trong quá trình hoạt động của dịch vụ cầm đồ và đòi nợ trên địa bàn TP Đà Nẵng để cùng công an các đơn vị, địa phương thảo luận. Trên cơ sở này, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận ý kiến, có báo cáo chuyên đề tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng sắp tới.

ĐINH NGA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_205991_giam-sat-chuyen-de-ve-hoat-dong-dich-vu-cam-do-va-.aspx