Giám sát đồng bộ, có hiệu quả

Thời gian qua, hoạt động giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc, được cấp ủy, chính quyền đồng tình ủng hộ với các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nên bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trong chuyến giám sát và làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trong chuyến giám sát và làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thấy: từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (từ tháng 10/2018 đến hết tháng 4/2019), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện 10 nội dung giám sát theo kế hoạch; tổ chức được 22 cuộc giám sát tại 18 địa phương, đơn vị gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An. Ban Thường trực đã thực hiện 6/10 nội dung giám sát theo kế hoạch, bao gồm: Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân; giám sát cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thí điểm giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng” tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn địa phương.

Về giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng: theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Ban Thường trực đã tổ chức giám sát liên ngành vụ việc khiếu nại của các công dân trú tại 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên tỉnh Lai Châu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Bản Chát.

Qua quá trình giám sát cho thấy, UBND tỉnh Lai Châu và các huyện Tân Uyên, Than Uyên đã thực hiện các nhiệm vụ: Công khai dự án; việc thực hiện nội dung đo đạc, kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với công dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vùng dự án; quan tâm đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; bố trí để người dân ổn định cuộc sống tại các khu, điểm tái định cư, tạo sự đồng thuận của đa số nhân dân. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của một số hộ dân còn chưa phù hợp; việc thực hiện lịch tiếp dân của đồng chí Chủ tịch UBND 2 huyện chưa được đầy đủ theo quy định; tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số điểm tái định cư trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, một số công dân vẫn tiếp tục có đơn khiếu nại, kiến nghị.

Sau giám sát, Ban Thường trực đã ban hành Công văn kiến nghị số 5723/MTTW-BTT ngày 06/12/2018 gửi Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu, các cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trên cơ sở này, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Lai Châu kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân kéo dài nói chung, vụ việc liên quan đến Dự án thủy điện Bản Chát nói riêng, tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm, ban hành văn bản cuối cùng chấm dứt tình trạng đơn thư kéo dài.

Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khi có công dân khiếu kiện vượt cấp, đông người về Trung ương cần phối hợp trao đổi thống nhất với các địa phương trước khi tổ chức tiếp, hướng dẫn, trả lời công dân; hạn chế thấp nhất việc chuyển đơn đã được giải quyết nhiều lần, hết thẩm quyền (trừ trường hợp có nội dung mới phát sinh theo quy định của pháp luật) để đảm bảo ổn định tình hình ở các địa phương.

Trong tháng 11/2018, Ban Thường trực tổ chức thí điểm giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng” tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và tỉnh Long An.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết: Bên cạnh những ưu điểm trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn đem lại hiệu quả, nhận thức của người đứng đầu tại các địa phương được giám sát về trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng còn chưa đầy đủ; còn biểu hiện lập dự án để được công trình; việc công khai, minh bạch trong đầu tư công chưa được các địa phương thực hiện đầy đủ, một số nơi còn hình thức; các địa phương chưa tự phát hiện vụ việc, hành vi tham nhũng; có tình trạng chạy đua xây dựng cơ sở vật chất, huy động sức dân chưa phù hợp nhằm đạt danh hiệu nông thôn mới, từ đó đã phát sinh những khoản nợ không thu được trong dân, bị nhà thầu kiện hoặc không quyết toán được...

Sau giám sát, Ban Thường trực đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo số 678 /BC-MTTW-BTT ngày 25/12/2018 về kết quả tổng kết thí điểm giám sát và kiến nghị gửi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Trên cơ sở này, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có một số kiến nghị như đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công trong đó xác định rõ phạm vi giám sát đầu tư của cộng đồng. Đối với những công trình có vốn đầu tư lớn của Trung ương, của tỉnh cần có các hình thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Do thực tế tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ không đủ điều kiện về khả năng, trình độ để giám sát các công trình lớn trên địa bàn, việc đưa giám sát đầu tư của cộng đồng vào các công trình này là không khả thi. Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các trường hợp được chỉ định thầu và điều kiện áp dụng; quy định công bố số liệu thống kê về doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm trên địa bàn các tỉnh để các địa phương thực hiện được thuận lợi.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 01/KH-MTTW-UB ngày 24/01/2019 về giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2019; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Một trong những giải pháp đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục phát huy 4 hình thức giám sát, trong đó chú trọng giám sát đột xuất; giám sát cán bộ, đảng viên; theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát; phát huy vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, người có kinh nghiệm, uy tín, tiêu biểu tham gia vào quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến của người dân… nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam; tăng cường sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp nhằm tạo ra cơ chế giám sát đồng bộ, có hiệu quả.

Lê Ái

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giam-sat-dong-bo-co-hieu-qua-tintuc442469