Giám sát kỳ thi THPT quốc gia 2019: Không được phép lơ là

Trong khi đại diện phía công an bày tỏ lo lắng về các thiết bị kỹ thuật số tinh vi có thể được sử dụng để thực hiện gian lận thi cử thì ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, việc gian lận thi cử là do công nghệ, nhưng vận hành công nghệ ấy là con người. Vì thế, người tham gia coi thi không được phép lơ là.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018.

Thanh tra không phải là người đến “xem thi”

Trong 2 ngày (4 và 5/6), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Điện Biên.

Báo cáo Ban Chỉ đạo thi, ông Nguyễn Văn Kiên- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Điện Biên cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi, nghiệp vụ tổ chức thi cho tất cả các đối tượng tham gia tổ chức kỳ thi. Hoàn thành lắp đặt camera an ninh, giám sát tại phòng bảo quản đề thi, bài thi của 17 điểm thi trong tỉnh. Dự kiến trong kỳ thi này sẽ có 716 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia làm thi. Trong đó 331 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Thủy Lợi - đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với tỉnh Điện Biên.

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, ông Nguyễn Ngọc Bội- Trưởng Phòng PA83, công an tỉnh Điện Biên, thành viên Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, cho biết năm nay lực lượng công an sẽ tham gia hầu hết các khâu của kỳ thi. Cụ thể, so với năm ngoái, năm nay lực lượng công an tham gia bảo vệ kỳ thi tăng hơn rất nhiều. Dự kiến sẽ huy động khoảng 250 cán bộ chiến sĩ từ bảo quản đề thi, bài thi, an ninh, an toàn tại các khu vực thi tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ….

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý tỉnh Điện Biên lưu ý tới công tác thanh tra, cụ thể là vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có phương án trong tình huống xảy ra mất điện, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống camera, in sao đề thi; phương án cho công tác y tế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Cẩn trọng với thiết bị gian lận

Từ ngày 3-5/6, ông Mai Văn Trinh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Quảng Ninh và Thái Bình. Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi của Quảng Ninh cho biết, mục tiêu của tỉnh là tổ chức kì thi tuyệt đối an toàn, không vi phạm quy chế, không có thí sinh nào không thể đi thi do khó khăn hoặc không thể đi lại.

Quảng Ninh là địa phương có địa hình trải rộng, bao gồm cả thành phố, miền núi, hải đảo… Một số điểm thi phải đặt ở các huyện đảo xa xôi trong khi các phương tiện công nghệ cao hiện nay đặc biệt tinh vi nên đòi hỏi cán bộ coi thi cần được tập huấn kỹ lưỡng. Theo Đại tá Nguyễn Kim Khôi- Trưởng Phòng 6, cục A03 (Cục An ninh Chính trị nội bộ), Bộ Công an, Ủy viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, qua khảo sát các chợ, hiện có kính lắp camera được kết nối ra bên ngoài, sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM và bút tàng hình, camera ghi hình dưới dạng cúc áo, sử dụng đồng hồ thông minh… Các thiết bị như vậy được bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là các tỉnh vùng biên như Quảng Ninh càng dễ dàng tìm mua nên việc siết chặt an ninh phòng thi rất quan trọng. Tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài...

Để làm được điều đó, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc gian lận thi cử là do công nghệ nhưng vận hành công nghệ ấy là con người. Năm 2018, việc thi cử có những hình ảnh rất xấu xí, làm ảnh hưởng. Do đó, phải lựa chọn cán bộ tham gia kì thi có năng lực và tư cách. Bên cạnh đó, việc tập huấn phải thực hiện tốt đến từng cán bộ liên quan. Ông Trinh đề nghị các trưởng điểm thi phải chỉ đạo nghiêm túc, cán bộ mới thực hiện nghiêm túc. Trong đó, việc chỉ đạo và công tác chuẩn bị cần được giám sát, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng sở ngành.

Ông Trinh cũng lưu ý, đối với các trường đã lắp camera trong phòng học cần ngắt kết nối trước ngày 22/6 nhằm tránh trường hợp lộ đề ra ngoài.

* Đảm bảo an toàn: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT phải có phương án tổ chức kỳ thi chi tiết, đi cùng với việc tăng cường giám sát để đảm bảo kỳ thi trong sạch, minh bạch, thành công trên cả nước. Đối với chính quyền các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động và phải chịu trách nhiệm về chất lượng và đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn tuyệt đối. Các địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thông đồng sửa điểm các bài thi như ở một số địa phương trong kỳ thi năm ngoái.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/giam-sat-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-khong-duoc-phep-lo-la-tintuc438823