Giám sát tàu cá bằng ứng dụng công nghệ thông tin

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã triển khai nhiều sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm giám sát tàu cá hiệu quả.

Trong lĩnh vực chuyên ngành, Tổng cục đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) Quản lý thông tin sản xuất và tiêu thụ cá tra (CSDL cá tra); CSDL các dự án đầu tư; CSDL tra cứu về Thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản; CSDL VnFishbase; CSDL giám sát tàu cá MOVIMAR; CSDL truy xuất nguồn gốc thủy sản; Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II.

Lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TCTS.

Ngoài ra, đơn vị cũng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác để giám sát tàu cá.

Trong năm 2019, Tổng cục Thủy sản làm thủ tục kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật được 1.711 tàu cá, cấp Giấy đăng ký cho 21 tàu cá.

Cụ thể, đang triển khai dự án Thuê hạ tầng công nghệ thông tin Giám sát tàu cá để kịp thời triển khai Luật Thủy sản năm 2017, khuyến cáo của Ủy an Châu Âu (EC) và đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Đồng thời, trang bị Phần mềm diệt virus bản quyền trên máy tính cho cán bộ, công chức của Tổng cục nhằm đảm bảo an toàn thông tin.

Để minh bạch và thông thoáng về danh mục phí, lệ phí, Tổng cục đã lấy góp ý của các Tổ chức cảng cá, Chi cục Thủy sản địa phương, sau đó tổng hợp và đề xuất báo cáo Bộ gửi Bộ Tài chính.

Kết quả, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 118/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản có hiệu lực từ 15/01/2019 bãi bỏ các quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản.

Ngày 9/10/2019 Tổng cục đã có văn bản 36 về việc kiến nghị sửa đổi thông tư thu phí số 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính. Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành thẩm định và đề nghị rà soát mức thu phí kiểm tra điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá và thuyết minh phân loại mức thu phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá theo chiều dài tàu cá theo quy định mới tại Luật Thủy sản 2017.

Việc quản lý tàu cá trên biển ngày càng hiện đại, hiệu quả hơn.

Trong năm 2019, Tổng cục đã tham gia 2 buổi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) về 2 văn bản của địa phương Trà Vinh và Bến Tre liên quan tới việc ban hành điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển.

Sau đó, Bộ Tư pháp đã thống nhất một số nội dung còn chưa phù hợp với Luật, Nghị định. Bộ Tư pháp sẽ làm việc với UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp.

Để việc vận hành hiệu quả hơn trong việc cấp phép, giám sát tàu cá, Tổng cục Thủy sản cũng tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ.

Theo đó, điều chuyển nhiệm vụ giám sát tàu cá từ Trung tâm Thông tin kiểm ngư thuộc Cục Kiểm ngư sang Trung tâm Thông tin thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản.

Đồng thời, tiến hành sắp xếp, giải thể Phòng Đăng kiểm và không duy trì Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Nam bộ trong cơ cấu tổ chức của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (giảm 1 phòng và 1 Trung tâm Vùng). Sắp xếp, hợp nhất Văn phòng Trung tâm và Phòng Thông tin, Truyền thông của Trung tâm Thông tin thủy sản (giảm 1 phòng).

Trong tháng 12/2019, Tổng cục sẽ xem xét, báo cáo Bộ NN-PTNT các Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp làm cơ sở để xây dựng danh mục vị trí việc làm, để làm căn cứ tổ chức sắp xếp, tuyển dụng nhân sự.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giam-sat-tau-ca-bang-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-post254862.html